2.3.2.1. Môi trường kinh tế.
Nền kinh tế hưng thịnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt lợi nhuận cao. Ngược lại, nền kinh tế suy thoái, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, các doanh nghiệp thua lỗ, sẽ không có khả năng trả nợ ngân hàng. Do đó, môi trường kinh tế tác động trực tiếp tới chất lượng cho vay của ngân hàng. Cũng như thế, môi trường kinh tế thế giới thay đổi cũng tác động tới chất lượng cho vay trung và dài hạn để đầu tư dự án. Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới được dự báo suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid- 19. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP đạt 2,31%. Có thể nói ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các nền kinh tế là hết sức nặng nề.
Không nằm ngoài tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Với đặc thù là chi nhánh lớn nhất trong toàn hệ thống Vietinbank, quản lý nhiều khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty lớn của cả nước, chính vì vậy khi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch thì chất lượng cho vay đầu tư dự án của chi nhánh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2020 Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội đã tiến hành cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho rất nhiều khách hàng lớn bị ảnh hưởng của đại dịch như: EVN, PVN, Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Vinaconex…..Nền kinh tế khó khăn cũng làm giảm nhu cầu đầu tư vốn của các doanh nghiệp, dẫn đến việc nguồn vốn vay gặp khó khăn, các dự án lớn bị trì hoãn, nguồn vốn không được luân chuyển đến các dự án. Theo số liệu của Phòng Tổng Hợp của chi nhánh, tính đến 29/5/2020, dư nợ tín dụng của chi nhánh chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019 (Đây là mức thấp nhất trong khoảng 5 năm gần đây). Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp quá thấp (mặc dù chi nhánh đã hạ lãi suất, đồng thời tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đẩy
mạnh khâu kết nối ngân hàng – doanh nghiệp). Mức tăng này đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5/2020, nhưng thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Thực tế này phản ánh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Trong bối cảnh dịch Covid- 19 tác động sâu rộng và nhu cầu về vốn tín dụng của nền kinh tế còn yếu thì những con số tăng trưởng dư nợ cho vay trong các tháng đầu năm là chấp nhận được. Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn nhưng khi giải ngân vốn tín dụng, chi nhánh cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cho vay đầu tư dự án, đảm bảo tăng trưởng bền vững, ổn định trong tương lai.
2.3.2.1. Môi trường pháp lý của Nhà nước.
Sự thay đổi luật pháp luôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho các pháp nhân kinh tế, do vậy sự thay đổi này ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của ngân hàng. Hợp đồng tín dụng là hợp đồng có thời hạn và được ký kết trước hoặc sau khi có văn bản pháp luật ban hành và có hiệu lực, do vậy nếu nội dung một hợp đồng tín dụng ký kết trước khi văn bản pháp luật ban hành mà trái với nội dung của văn bản pháp luật đó thì rất dễ dàng nhận lấy rủi ro. Đối với doanh nghiệp nếu bị một văn bản pháp luật chi phối các hành vi hợp đồng mà họ đã ký kết thì nhất định việc kinh doanh của họ sẽ gặp nhiều khó khăn và những khó khăn này sẽ dẫn đến việc họ sẽ không trả được nợ cho ngân hàng. Đối với hoạt động cho vay đầu tư dự án thì yếu tố pháp lý là vô cùng quan trọng đối với ngân hàng.
Pháp lý luôn là yếu tố được Ban lãnh đạo của Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội quan tâm rất kỹ khi xem xét, phê duyệt cho vay đầu tư dự án. Ngoài việc phải nắm vững các chính sách tín dụng, quy định cho vay của Ngân hàng, cán bộ quan hệ khách hàng của chi nhánh còn cần nắm vững các quy định pháp lý về doanh nghiệp, về dự án đang thẩm định. Nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố pháp lý trong hoạt động cho vay đầu tư dự án, Ban lãnh đạo chi nhánh đã thường xuyên cập nhật, tổng hợp các văn bản pháp lý liên quan đến các lĩnh vực cho vay chính của chi nhánh như: Xây dựng, Bất động sản, Công nghiệp sản xuất… và phổ biến đến các phòng ban nghiệp vụ trong chi nhánh. Ngoài ra, Vietinbank cũng có hệ thống phần mềm riêng lưu trữ và cập nhật các văn bản pháp luật của ngân hàng và các văn bản pháp luật của
Nhà nước để cán bộ nhân viên có thể tìm hiểu phục vụ cho công việc. Năm 2020 là một năm có nhiều sư thay đổi môi trường pháp lý của Nhà nước liên quan đến hoạt động ngân hàng. Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị định, thông tư mới về hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trong việc cho vay, miễn giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giãn nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó nổi bật nhất là Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 được ban hành ngày 13/03/2020. Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội đã có các công văn hướng dẫn thực hiện các nội dung của Thông tư 01/2020/TT- NHNN đối với các mảng nội dung phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại của chi nhánh. Có thể nói sự kịp thời trong việc ban hành các văn bản pháp lý của Nhà nước liên quan đến hoạt động ngân hàng đã làm kim chỉ nam cho các ngân hàng thương mại trong đó có Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội trong việc hỗ trợ khách hàng và kiểm soát chất lượng cho vay dự án đầu tư trong thời kỳ kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch. Thực hiện theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Ban lãnh đạo chi nhánh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ được Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 15.000 tỉ đồng trong đó dư nợ cho vay đầu tư dự án là hơn 10.000 tỷ đồng. Sau 3 đợt cắt giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền mà Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội chia sẻ với khách hàng là hơn 200 tỉ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng thấp nhất trên thị trường. Ngoài giảm lãi suất cho vay, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 01 cho khách hàng vay vốn là 300 tỉ đồng và rất nhiều khách hàng đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ. Có thể nói mọi chế độ, quy định cho vay của ngân hàng đều gắn chặt với các quy định của pháp luật. Mọi cá nhân, tổ chức kinh tế căn cứ vào quy định của pháp luật để hoạt động và thực hiện theo. Do đó, môi trường pháp lý là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cho vay đầu tư dự án của Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội.
2.3.2.3. Sự cạnh tranh từ các NHTM.
Kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ là lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm, chịu tác động bởi rất nhiều nhân tố về kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý, truyền thống văn hoá… mỗi một nhân tố này có sự thay đổi dù là nhỏ nhất cũng đều tác động rất nhanh chóng và mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh chung. Chẳng hạn: Chỉ cần một tin đồn thổi dù là thất thiệt cũng có thể gây nên cơn chấn động rất lớn, thậm chí đe dọa sự tồn vong của cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Một NHTM hoạt động yếu kém, khả năng thanh khoản thấp cũng có thể trở thành gánh nặng cho nhiều tổ chức kinh tế và dân chúng trên địa bàn… Chính vì vậy, trong kinh doanh, các NHTM vừa phải cạnh tranh để từng bước mở rộng khách hàng, mở rộng thị phần, nhưng cũng không thể cạnh tranh bằng mọi giá, sử dụng mọi thủ đoạn, bất chấp pháp luật để thôn tính đối thủ của mình, bởi vì, nếu đối thủ là các NHTM khác bị suy yếu dẫn đến sụp đổ, thì những hậu quả đem lại thường là rất to lớn, thậm chí dẫn đến đổ vỡ luôn chính NHTM này do tác động dây chuyền. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cũng thúc đẩy các ngân hàng ngày càng nâng cao chất lượng cho vay. Trên cùng địa bàn kinh doanh, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội đã gặp phải sự cạnh tranh của rất nhiều các ngân hàng thương mại khác. Đặc biệt đối với sản phẩm cho vay đầu tư dự án, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội thường xuyên phải cạnh tranh khách hàng với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank và BIDV. Đây là hai ngân hàng nằm trong nhóm Big4 của hệ thống ngân hàng Việt Nam, với quy mô tổng tài sản lớn và cung cấp rất nhiều các sản phẩm cho vay đầu tư dự án đa dạng và linh hoạt. Xét về yếu tố uy tín thương hiệu, cơ sở vật chất ngân hàng thì cả hai ngân hàng Vietcombank và BIDV đều là những ngân hàng có uy tín và cơ sở vật chất hàng đầu của Việt Nam. Chình vì vậy, để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ của mình Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội đã triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi tín dụng dành riêng cho lĩnh vực cho vay đầu tư dự án để cạnh tranh cũng như cung cấp đến khách hàng các chương trình ưu đãi tốt nhất. Với lợi thế nguồn vốn giá rẻ huy động từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn, công cụ lãi suất cho vay luôn là công cụ chính của Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội để cạnh tranh với các NHTM khác trên địa bàn. Lãi suất cho vay đầu tư dự án thường giao động trong khoảng từ 6%/năm đến 8%/năm tùy thuộc vào quy mô và
mục đích đầu tư dự án của khách hàng. Sự chủ động trong cạnh tranh lãi suất đã giúp chi nhánh tiếp cận và cấp tín dụng đầu tư dự án đến nhiều khách hàng lớn và dự án lớn trên cả nước, qua đó cũng góp phần mở rộng quy mô cho vay đầu tư dự án của toàn chi nhánh. Lãi suất cho vay phù hợp, hợp lý hơn so với các ngân hàng khác đã phần nào làm giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp từ đó giúp cho các dự án được đầu tư bởi Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội luôn hoàn thành các tiến độ đúng hoặc sớm hơn kế hoạch đề ra và sớm tạo ra dòng tiền từ kinh doanh để trả nợ ngân hàng đầy đủ và đúng hạn. Chính những sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn và đặc biệt là cạnh tranh về mặt lãi suất đã phần nào ảnh hướng tích cực đến chất lượng của các khoản vay đầu tư dự án của chi nhánh.
2.3.2.4. Nhân tố từ phía khách hàng vay
Xem xét và phân tích các nhân tố liên quan đến khách hàng vay vốn đóng vai trò rất quan trọng trong các quyết định cho vay của ngân hàng. Khi tiếp cận, thẩm định dự án để cấp tín dụng, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội tập trung vào hai yếu tố chính liên quan đến khách hàng vay đó là: Năng lực tài chính của khách hàng và yếu tố đạo đức của khách hàng. Tìm hiểu năng lực tài chính của khách hàng sẽ giúp ngân hàng đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của khách hàng cùng những sản phẩm của khách hàng trên thị trường, từ đó đánh giá sự phù hợp của dự án với nhu cầu của thị trường và xu hướng phát triển của thị trường. Với tệp khách hàng vay dự án chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và công ty tư nhân lớn trong cả nước, Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội đã lựa chọn những khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đã có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh trên thị trường, sản phẩm dịch vụ đã được người dân sử dụng rộng rãi. Sức khỏe tài chính của khách hàng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự khả thi của dự án nên việc xem xét tiềm lực tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đầu tư dự án sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cho vay đầu tư dự án của chi nhánh. Năng lực tài chính của khách hàng được thể hiện ở khả năng độc lập tự chủ tài chính trong kinh doanh, khả năng thanh toán và trả nợ của khách hàng. Doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt phản ánh việc kinh doanh có hiệu quả, khách hàng có thể quản lý và sử dụng vốn vay một cách tối ưu. Là chi nhánh có quy mô và kinh nghiệm trong nghiệp vụ cho vay đầu tư dự án mạnh
nhất trong hệ thống, các khách hàng vay vốn đầu tư dự án khi tìm đến Vietinbank – Chi nhánh TP Hà Nội hầu hết là những khách hàng đã có uy tín trên thị trường, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư của mình. Chính yếu tố này cũng góp phần làm cho chất lượng cho vay đầu tư dự án của chi nhánh được tốt hơn.