Tăng cường hoạt động thu hồi nợ, kiên quyết trong việc thu hồi nợ xấu

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cho vay dự án đầu tư tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hà Nội (Trang 91 - 96)

Tổ thu hồi và xử lý nợ (trực thuộc phòng Tổng hợp) cần được tăng cường nhân sự, đóng vai trò đầu mối để xử lý các khoản nợ xấu. Kiên quyết xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đối với những khách hàng chây ì trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ.

Việc tăng cường nhân sự của tổ thu hồi nợ có thể từ chính các cán bộ quan hệ khách hàng để phát sinh nợ quá hạn trong giai đoạn trước và chưa thu hồi được. Như vậy trách nhiệm của từng cá nhân trong bộ phận này sẽ được nâng cao, tăng cường tối đa chất lượng công việc.

Việc cho vay và phát triển cho vay DAĐT trong giai đoạn hiện nay khó khăn một phần thì việc thu hồi nợ quá hạn/nợ xấu là khó khăn hơn gấp bội. Để xử lý một khoản nợ xấu cho dù có tài sản bảo đảm hay không tài sản bảo đảm rất tốn kém về chi phí, thời gian. Do vậy cần nhìn nhận lại tầm quan trọng của các cán bộ trong bộ phận này, từ đó có những chính sách khuyến khích cho bộ phận thu hồi nợ hoạt động chất lượng nhất.

Với thực trạng tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng tăng như hiện nay chi nhánh cần thành lập một ban xử lý, thu hồi nợ với nhân sự bao gồm: Giám đốc chi nhánh là trưởng ban, một phó giám đốc chuyên phụ trách thu hồi và xử lý nợ làm phó ban, toàn bộ các trưởng phòng khách hàng và cán bộ của tổ thu hồi nợ thuộc phòng tổng

hợp. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu của trưởng ban, ban xử lý, thu hồi nợ sẽ họp để đánh giá kết quả đã thực hiện, tìm ra phương hướng xử lý của vấn đề mới phát sinh, phân công cụ thể từng đầu mối xử lý của từng sự vụ. Việc này sẽ giúp nâng cao tinh thần, trách nhiệm xử lý và thu hồi nợ của tất cả các phòng ban, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng khách hàng và tổ thu hồi nợ thuộc phòng tổng hợp trong công tác xử lý nợ.

Nếu tổ chức tốt hoạt động của bộ phận thu hồi và xử lý nợ thì việc giảm dư nợ quá hạn đặc biệt là dư nợ khó đòi/nợ xấu sẽ được thực hiện nhanh chóng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cho vay DAĐT tại chi nhánh ngay lập tức.

3.2.5. Hoàn thiện nội dung phân tích, đánh giá, thẩm định dự án cho vay

Công tác thẩm định dự án tốt phải dựa trên phương pháp phân tích hợp lý, khoa học. Một số nội dụng thẩm định dự án cần phải thay đổi cho phù hợp và đảm bảo tính khoa học.

Thẩm định tổng vốn đầu tư và nguồn tài trợ cho dự án

Đây là một trong những nội dung cần thẩm định kỹ khi tiến hành phân tích tài chính dự án, ngay cả khi dự án đã được phê duyệt tổng vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền, bởi thực tế, có rất nhiều dự án tuy đã được cấp phê duyệt về tổng vốn đầu tư, nhưng sau đó, phải điều chỉnh tăng vốn lên nhiều lần, gây khó khăn trong việc tính toàn hiệu quả tài chính của dự án. Đối với việc thẩm định nguồn vốn đầu tư, cần yêu cầu chủ đầu tư có giải trình cụ thể về nguồn vốn tham gia vào dự án, đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, vì điều này cho thấy năng lực cũng như tính cam kết của chủ đầu tư vào dự án. Để thẩm định được nguồn vốn tự có của chủ đầu tư cần phân tích kỹ báo cáo tài chính và tình hình hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư trong các năm gần nhất.

- Đối với DAĐT (không phải với công trình xây dựng), thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ – CP, Nghị định số 07/2003/NĐ – CP của Chính phủ về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng.

- Đối với DAĐT xây dựng, thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ – CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Tính nhu cầu vốn lưu động

Nhu cầu vốn lưu động phải được tính cụ thể theo từng năm của dự án, trên cơ sở định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, mức dự trữ tồn kho, chính sách tín dụng thương mại của doanh nghiệp, công suất sản xuất thực tế và đặc biệt chú ý tới sự biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào theo từng năm. Nhu cầu vốn lưu động tăng thêm hoặc giảm đi hàng năm sẽ tác động tới dòng tiền hàng năm của dự án.

Thẩm định tính chính xác vốn tự có của khách hàng tham gia vào dự án

Trong cho vay DAĐT, vốn tự có cua khách hàng tham gia vào dự án được đánh giá là rất quan trọng. Vốn tự có của khách hàng thường xuyên được yêu cầu tham gia trước vào dự án, một số trường hợp có thể cho phép khách hàng tham gia vốn song song theo tiến độ giải ngân.

Khi nguồn vốn của khách hàng được thẩm định đầy đủ và đảm bảo thì sẽ không có trường hợp thiếu vốn trong quá trình triển khai dự án, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ngân hàng. Ngược lại, nếu không thẩm định kỹ nguồn vốn tự có của khách hàng thì khi đang triển khai thực hiện dự án, khách hàng không còn đủ khả năng góp tiếp vào dự án, điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng không thể tiến hành giải ngân tiếp được (do không đáp ứng được tỷ lệ giữa vốn tự có/vốn vay theo cam kết đã quy định trong hợp đồng tín dụng), từ đó làm phát sinh thêm một số chi phí khác dẫn đến làm tăng tổng vốn đầu tư của dự án, giảm hiệu quả của dự án so với kế hoạch ban đầu đề ra.

Do đó, để hạn chế rủi ro này đòi hỏi cán bộ tín dụng phải thẩm định kỹ khả năng và tính khả thi của nguồn vốn góp trước khi quyết định tài trợ vốn đồng thời phải yêu cầu khách hàng cam kết tham gia góp vốn theo tiến độ.

Thẩm định tỷ suất chiết khấu của dự án

Tỷ suất chiết khấu phải trên cơ sở tính toán chi phí sử dụng từng nguồn vốn và tỷ trọng từng loại nguồn vốn trong tổng cơ cấu vốn. Nguồn vốn trong dự án xin vay thường gồm có hai dạng: nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn vốn ngân hàng. Chi phí vốn của nguồn vốn vay ngân hàng bằng chính lãi suất cho vay, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì chỉ khi phân tích toàn bộ mức rủi ro của dự án thì cán bộ mới xác định được mức lãi suất mà chủ đầu tư chịu khi vay vốn. Đối với nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thì chi phí vốn là mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Tỷ số chiết khấu (r) của dự án được tính bằng chi phí vốn bình quân có trọng số - WACC.

Cần quan tâm đến yếu tố lạm phát và tỷ giá khi thẩm định hiệu quả tài chính của dự án

Lạm phát và tỷ giá là 2 yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tài chính dự án, đặc biệt là đối với các dự án có hàng hoá ngoại thương trong thời kỳ có biến động mạnh về lạm phát và tỷ giá. Sự tác động của hai biến rủi ro này có thể tác động làm dòng ngân lưu của dự án từ dương sang âm và ngược lại. Do đó, khi thẩm định tài chính DAĐT cần điều chỉnh theo lạm phát và tỷ giá.

Khi nền kinh tế rơi vào lạm phát, doanh thu và các chi phí của dự án sẽ tăng ở mức độ khác nhau, do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của DAĐT. Nếu nền kinh tế xảy ra lạm phát với tốc độ trung bình dự tính là g, chỉ số lạm phát của năm thứ i trong vòng đời n năm của dự án so với năm 0 là (1+g)i (i=1,2,...,n).

Ứng dụng phương pháp mới trong đánh giá hiệu quả DADT

(i) Phương pháp chỉ số lợi nhuận (The Profit Index Approach)

Thông thường, để đảm bảo tối đa hóa lợi ích, mỗi dự án có NPV dương cần được triển khai. Tuy nhiên, nếu như có sự ràng buộc ngân sách đối với các chương trình đầu tư mà các chương trình đầu tư này không cho phép người ra quyết định thực hiện tất cả các dự án này – chẳng hạn khi vốn đầu tư (ngân sách) bị hạn chế, chúng ta cần một phương pháp lựa chọn một gói dự án mà trong điều kiện ngân sách giới hạn, có thể thu được mức NPV tích lũy cao nhất có thể. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần sử dụng ngân sách từng bước sao cho những Đô la đầu tiên đầu tư vào dự án

đạt NPV trên một Đô la vốn đầu tư ban đầu là cao nhất, và tiếp tục như vậy cho đến khi ngân sách được sử dụng hết. Tỉ lệ này có tên gọi là chỉ số lợi nhuận (Profit Index):

Chỉ số lợi nhuận = NPV/Vốn đầu tư.

Về mặt lý thuyết, phương pháp này là cách thức hiệu quả nhất khi đầu tư nguồn lực hạn chế để phát triển một vùng, khu vực.

(ii) Phân tích bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis, DEA)

Phương pháp phân tích bao dữ liệu (DEA) là một công cụ phân tích kinh tế khá mạnh, được sử dụng trong phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ sản xuất... Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau và các khu vực công

DEA cung cấp một cơ sở đo lường hiệu quả tương đối của một đơn vị ra quyết định (Decision- Making- Unit, DMU hoặc dự án) so với các DMU khác trên cơ sở các tập hợp đầu vào và đầu ta. Hiệu quả tương đối của một DMU (dự án) được xác định bằng tỉ lệ giữa các đầu ra có trọng số và các đầu vào có trọng số (khi DMU có một đầu vào Yi và một đầu ra Xi thì hiệu quả tương đối Ei = Yi/Xi). Một dự án được coi là hiệu quả nếu và chỉ nếu, hoạt động của dự án khác không thỏa mãn điều kiện tỉ lệ đầu ra và đầu vào có trọng số của nó có thể cao hơn tỉ lệ hiệu quả của dự án so sánh.

Hiện nay, ở Việt Nam, phương pháp DEA chưa được nghiên cứu nhiều, nhưng một số nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng nó trong phân tích, đánh giá hiệu quả trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vây, các ngân hàng cần đầu tư nghiên cứu các phương pháp tương đối mới này.

Chú trọng đến việc phân tích độ nhạy của dự án

Do thời gian hoạt động, vận hành của dự án và thời gian vay vốn thường khá dài nên các cơ sở tính toán chất lượng tài chính của dự án đều có khả năng thay đổi. Để khắc phục vấn đề này, các ngân hàng thường sử dụng phương pháp phân tích độ nhạy. Phương pháp phân tích độ nhạy được dùng để kiểm tra tính vững chắc về chất lượng tài chính của dự án, nó xem xét đến sự thay đổi của các chỉ tiêu tài chính của dự án

khi các yếu tố liên quan thay đổi và mức độ nhạy cảm của dự án đối với sự biến động của các yếu tố liên quan đó. Tuy nhiên, hiện nay, tại chi nhánh việc phân tích độ nhạy của dự án vẫn chưa thực sự được chú trọng mà vẫn còn là một kiểu làm hình thức, chỉ đánh giá độ nhạy một chiều của biến giá đầu ra, lãi suất, điều này đã làm mất đi tác dụng của việc phân tích độ nhạy, từ đó dẫn đến việc đánh giá chưa thật sự chính xác mức độ rủi ro của dự án khi có các biến động xảy ra.

Để phát huy tối đa công dụng của việc phân tích độ nhạy trong việc đánh giá chất lượng, tính khả thi của DAĐT, đòi hỏi chi nhánh phải chú trọng phân tích độ nhạy, tập trung phân tích các nội dung sau:

- Phân tích ảnh hưởng của từng yếu tố liên quan đến các chỉ tiêu chất lượng tài chính của dự án (thay đổi về tổng vốn đầu tư, công suất hoạt động, giá mua nguyên vật liệu, giá bán, nhu cầu thị trường….) nhằm tìm ra các yếu tố gây nên sự nhạy cảm lớn, hay nói cách khác, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài chính của dự án.

- Tuy nhiên, trên thực tế, không thể chỉ có một yếu tố biến động, còn các yếu tố khác giữ nguyên không thay đổi, mà luôn luôn có sự thay đổi của nhiều yếu tố. Do đó, để đánh giá chính xác chất lượng của dự án, cần tiến hành phân tích ảnh hưởng đồng thời nhiều yếu tố như giữa tổng vốn đầu tư và công suất hoạt động, tổng vốn đầu tư và giá bán, giá mua nguyên vật liệu và giá bán…

Đồng thời, ngoài phương pháp phân tích độ nhạy truyền thống nêu trên, đối với một số dự án lớn, phức tạp, chi nhánh cần áp dụng thêm phương pháp phân tích kịch bản hay còn gọi là phương pháp phân tích mô phỏng. Phương pháp này cho phép kết hợp nghiên cứu độ nhạy của các chỉ tiêu tổng hợp (NPV, IRR) với phân tích xác suất độ lệch của chúng. Để áp dụng phương pháp này, cần có cơ sở dữ liệu phong phú để xác định được xác suất xảy ra và có phương tiện kỹ thuật hiện đại để tính toán, do đó, cần có sự đầu tư về kỹ thuật công nghệ.

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cho vay dự án đầu tư tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hà Nội (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w