Để đảm bảo thành công từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn cần tập hợp đủ các yếu tố sau đây:
- Hoàn thiện thể chế, chính sách về nền Kinh tế tuần hoàn: Bước đầu tiên một quốc gia cần thực hiện trong chiến lược chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn là
việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về nền kinh tế tuần hoàn. Thể chế bao gồm các hệ thống quy định pháp luật, cơ chế, chính sách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho hình thành, phát triển các yếu tố thị trường, thị trường và hoạt động của các chủ thể thị trường; điều tiết hành vi của các chủ thể, qua đó điều tiết hoạt động của mô hình kinh tế và can thiệp giải quyết những khiếm khuyết của thị trường… Một số yêu cầu cụ thể cần được thiết lập để tạo cơ sở cho hình thành và phát triển các mô hình Kinh tế tuần hoàn dưới góc độ thể chế như: thể chế rõ và thực thi đầy đủ vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của các công cụ dựa vào thị trường (thuế, phí, lệ phí; cơ chế dựa vào lợi ích) để điều tiết hành vi của các chủ thể trong hệ thống kinh tế (doanh nghiệp, người dân) trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn; tạo dựng các yếu tố thị trường, điều kiện thị trường để hình thành, vận hành và phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, các sản phẩm tái chế, tái sử dụng.
- Sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong nền kinh tế: Trong thế giới toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường nhà sản xuất và người tiêu dùng đóng vai trò là người chơi, nhà nước đóng vai trò điều tiết. Trong hệ thống kinh tế còn tồn tại các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, do vậy việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan là hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy, để thực hiện Kinh tế tuần hoàn, Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác.... Các tổ chức chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho một nền kinh tế tuần hoàn xuất hiện và phát triển mạnh. Họ định hướng và tạo động lực cho đổi mới và đầu tư. Mô hình kinh tế tuần hoàn cung cấp một khuôn khổ cho phép chính phủ và các thành phố hiện thực hóa nhiều tham vọng kinh tế, môi trường và xã hội.
- Cần có các công cụ quản lý và giám sát môi trường: Để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế tuần hoàn cần có sự quản lý và giám sát về môi trường bởi môi trường và tài nguyên chính là yếu tố thúc đẩy là nền tảng để phát triển nền
kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện được quản trị môi trường tốt đòi hỏi cần có sự trợ giúp của các công cụ Công nghệ thông tin về giám sát và sự tham gia của các bên liên quan. Ngoài ra cũng cần đề cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề, minh bạch thông tin để nâng cao khả năng kiểm tra và giám sát đạt được mục tiêu chung của xã hội trong khi vẫn đảm bảo sử dụng tối ưu nhất các nguồn lực của xã hội.
- Thúc đẩy thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường để tiến tới phát triển kinh tế tuần hoàn ở cấp độ vĩ mô của nền kinh tế: Hàng hóa môi trường là những sản phẩm được đem ra trao đổi trên thị trường mà sản phẩm đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định. Ngành công nghiệp môi trường bao gồm tất cả các hoạt động mang lại thu nhập gắn liền với sự tuân thủ các quy định luật pháp về môi trường; đánh giá, phân tích và bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và phục sinh các tài sản đã bị ô nhiễm; cung cấp và vận chuyển các tài nguyên môi trường như nước, các vật liệu được thu hồi và nguồn năng lượng sạch; và các công nghệ và các hoạt động góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất sản xuất và tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Cần chuẩn bị và không ngừng thúc đẩy nền tảng khoa học công nghệ phù hợp: Trong các mô hình phát triển trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho chính con người. Nhưng tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại hiện đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì nguồn lực cho tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm. Tuy nhiên, có một loại tài nguyên đặc biệt, không bao giờ cạn, đó chính là sự sáng tạo của con người, cụ thể hóa trong khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, khoa học, công nghệ đang được coi là nền tảng và động lực phát triển của các quốc gia. Khoa học - công nghệ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, trong các nhân tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng, luôn làm thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn và phân chia thành các
ngành nhỏ. Làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Cơ cấu trong nội bộ ngành cũng thay đổi. Đặc biệt việc triển khai Kinh tế tuần hoàn càng đòi hỏi mỗi quốc gia cần có một nền tảng về công nghệ đáp ứng được nguyên tắc hoạt động của mô hình, công nghệ càng cao sẽ càng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, giúp hạn chế việc tiêu tốn tài nguyên phí phạm cũng như giảm tải lượng rác thải. Đặc biệt các quy trình tái chế, tái tạo luôn đòi hỏi công nghệ cao để xử lý.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI KINH TẾ TUẦN HOÀN TẠI TRUNG QUỐC