Nguyên nhân Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm triển khai Kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam. (Trang 43 - 47)

Kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới đang phát triển, có quy mô lớn thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ) nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP danh nghĩa) và đứng thứ nhất nếu tính theo GDP sức mua tương đương (PPP). GDP Trung Quốc năm 2019 là 14.28 nghìn tỷ USD, GDP bình quân đầu người danh nghĩa năm 2019 là 10.39 USD (World Bank, 2019), ở mức trung bình cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới (xếp thứ 78 trên thế giới vào năm 2019). (World Bank, 2019) Trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao. Năm 2005, 70% GDP của Trung Quốc là trong khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế quốc doanh chịu sự chi phối của khoảng 200 doanh nghiệp quốc doanh lớn, phần nhiều ở trong các ngành dịch vụ tiện ích (điện, nước, điện thoại...), công nghiệp nặng, và nguồn năng lượng.

Bước đánh dấu sự chuyển mình của nền Kinh tế Trung Quốc là Chính sách Cải cách và Mở cửa được thực hiện năm 1978 – như một tín hiệu của sự chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Kể từ đó, sự phát triển kinh tế Trung Quốc có một bước nhảy vọt (Biểu đồ 2.1). Tuy nhiên, chiến lược của nó vẫn là tập trung vào tiết kiệm và đầu tư cao, định hướng xuất khẩu mạnh mẽ và các ngành sản xuất và xây dựng. Tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đã dần được nhận ra ở Trung Quốc, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua. Mô hình phát triển kinh tế sâu rộng thực sự làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm xấp xỉ 10% (Green và Stern, 2016). Tiến bộ này chủ yếu được đóng góp bởi các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng ở Trung Quốc. Kết quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP của công nghiệp sơ cấp giảm dần, trong khi tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP của công nghiệp dịch vụ đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 1980 (Biểu đồ 2.2). Tuy

nhiên, tỷ trọng đóng góp vào tổng GDP của công nghiệp thứ cấp vẫn ở mức cao (gần 50%), điều này cho thấy vị trí quan trọng của công nghiệp nặng trong hỗ trợ kinh tế Trung Quốc.

Hội đồng Hợp tác Quốc tế về Môi trường và Phát triển Trung Quốc (CCICED) và Garnaut et al (2013) đã mô tả sự phát triển kinh tế Trung Quốc như sau: a) các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng có mức đầu tư rất cao. Đây cũng là các ngành tiêu thụ rất nhiều năng lượng (cả tiêu thụ trực tiếp nhiên liệu hóa thạch và tiêu thụ chuyển hướng do tiêu thụ điện từ đốt than); b) nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thị trường bên ngoài, do đó nền kinh tế Trung Quốc khá dễ bị tác động bởi sự thả nổi kinh tế từ bên ngoài (CCICED, 2014, Garnaut và Ross, 2014, Garnaut et al., 2013). Trong giai đoạn 2000-2013, tiêu thụ than tăng trưởng bình quân 8% / năm, điều này dẫn đến Trung Quốc phải nhập khẩu than ròng từ năm 2009 và tiêu thụ than chiếm gần một nửa lượng than tiêu thụ toàn cầu (NBS, 2015). Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 và 2009 rõ ràng đã giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, chứng tỏ sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào thị trường bên ngoài (Biểu đồ 2.1) (Green và Stern, 2016).

Mặc dù mô hình tăng trưởng kinh tế này đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến nhất trí rằng mô hình này không bền vững hoặc không như mong muốn - vì các nguyên nhân từ kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường địa phương (Trung tâm Nghiên cứu Pew, 2013, Wike và Parker, 2015, Ngân hàng Thế giới & DRC, 2013, IMF, 2015). Khi các vấn đề kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường địa phương đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc công nhận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu kêu gọi sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu cơ bản và cải cách chính sách để đáp ứng việc hướng con đường phát triển của Trung Quốc theo một lộ trình bền vững và mong muốn hơn (Green và Stern, 2016).

Biểu đồ 2.1: Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ năm 1980 – 1997

Nguồn: NBS,2015 ; NBS, 2014

Biểu đồ 2.2: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế Trung Quốc giai đoạn từ 1980-2014

Có thể thấy mô hình phát triển kinh tế tập trung vào công nghiệp nặng trên diện rộng của Trung Quốc đã mang lại thành công to lớn. Tuy nhiên hiện nay các ngành xây dựng và công nghiệp nặng đã đạt đến điểm bão hòa, và việc tiếp tục khuyến khích kinh tế-chính trị đầu tư vào những ngành này sẽ làm giảm lợi nhuận trên vốn và làm suy yếu tăng trưởng năng suất (CCICED, 2014, IMF, 2015). Như vậy, sẽ khó giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Việc khai thác nguyên liệu thô đã gây ra một lượng lớn chất thải và phát thải ô nhiễm. Năm 2010, ngành công nghiệp liên quan đến kim loại thô (bao gồm kim loại đen, kim loại màu) tạo ra 1,8 tỷ chất thải rắn công nghiệp và thải ra 2,73 triệu tấn SO2. Ô nhiễm và rủi ro từ việc xử lý chất thải sản phẩm không thường xuyên đã gây ra những ảnh hưởng xấu cho môi trường và sức khỏe con người.

Sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và việc sử dụng phương tiện ngày càng tăng trong khu vực đô thị đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. 85% lượng khí thải SO2, NOx, CO2 và 70% bụi là từ than. Năm 2012, tỷ trọng tiêu thụ chính của than thô ở Trung Quốc là 86%, cao hơn nhiều so với tỷ trọng trung bình của thế giới (63%). Tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ đứng đầu thế giới kể từ năm 2007. Rohde và Muller (2015) ước tính rằng ô nhiễm vật chất dạng hạt Ô nhiễm PM2.5 góp phần gây ra 1,6 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ô nhiễm nước và đất cũng đáng chú ý. Theo báo cáo của (MEP & DLR, 2014) rằng khoảng 16% đất bị ô nhiễm, trong đó có khoảng 20 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 1/5 tổng diện tích đất nông nghiệp). Về tình trạng nước, theo báo cáo vào tháng 1 năm 2015, 29% tổng lượng nước bề mặt bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 11% lượng nước bề mặt bị ô nhiễm nặng (Envrinmental Mornitoring Station of PR China, 2015). Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và suy thoái sinh thái gây ra tương đương 10% GDP hàng năm và số tiền khổng lồ đã được chi cho việc khắc phục môi trường (Sun Y, 2010).

Ngoài ra, tài nguyên và năng lượng đã trở thành một hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và chiếm 1/5 dân số thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ nắm giữ một lượng tài nguyên

bình quân đầu người thấp, với 1/4 tài nguyên nước bình quân đầu người trên thế giới, 1/3 diện tích đất trên đầu người trên thế giới và 1/2 tài nguyên khai thác trên đầu người của thế giới (Qian, 2009, Sun , 2010). Trung Quốc nắm giữ khoảng 19% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu 17% quặng sắt, 17% quặng đồng, 11% alumin, 11% dầu mỏ và 4,5% khí đốt tự nhiên. Số liệu này cho thấy trữ lượng tài nguyên nước, đất đai và tài nguyên kim loại chính trên đầu người thấp hơn mức trung bình trên thế giới.

Với nguồn lực hạn chế như vậy, hiệu quả sử dụng nguồn lực cũng tương đối thấp. Để tạo ra 1 đô la Mỹ GDP cần 2,5 kg nguyên liệu ở Trung Quốc so với 0,54kg nguyên liệu trên một đô la Mỹ GDP ở các nước OECD (Mathews và Tan, 2016). Các ngành công nghiệp tiêu thụ tài nguyên và năng lượng cũng đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch và khoáng sản đầu vào – các nguồn lực đã vượt quá nguồn cung trong nước. Do đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp nguồn lực bên ngoài, và sự bất ổn định của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tăng lên (Sun, 2010).

Có thể thấy mô hình tăng trưởng kinh tế thông thường là không bền vững. Do đó, cần phải có một chiến lược phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và có khả năng phục hồi để giải quyết các vấn đề và thách thức nêu trên đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Do đó, ý tưởng về nền kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện và thúc đẩy ở Trung Quốc nhằm tách biệt sự tăng trưởng kinh tế với việc suy thoái môi trường và tiêu thụ tài nguyên kém hiệu quả.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm triển khai Kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam. (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(109 trang)
w