Qua phân tích thực trạng nền kinh tế tại Việt Nam, có thể thấy Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng rất lớn để triển khai sâu hơn nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, Việt Nam có nền tảng cơ sở rất tốt để triển khai kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra bảng xếp hạng và Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh và Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua xanh. Đây là nền tảng tốt cho việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam trung bình khoảng 17 triệu tấn, trong đó vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn một năm. Trong khi đó, nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10 -20%, cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp tái chế. Tuy nhiên hoạt động tái chế của Việt Nam gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đa số các thiết bị, máy móc và hoá chất đều là tự chế tạo manh mún hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, không hoặc rất khó kiểm soát, phụ thuộc nhiều
vào đối tác nước ngoài.
Với lượng chất thải bỏ đi lãng phí, mỗi năm Việt Nam đang có hàng chục tỷ đồng mỗi năm bị lãng phí, bởi rác thải phần lớn không được sử dụng lại mà đốt hoặc chôn, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Ví dụ điển hình là câu chuyện bãi rác Nam Sơn, Hà Nội trong những ngày gần đây. Theo Diễn đàn doanh nghiệp (2019), mỗi đêm ở bãi rác này có khoảng 400-500 người đến mưu sinh nhặt các đồ phế thải nhựa, quần áo cũ… để bán kiếm lời, trung bình một người kiếm được khoảng 300- 500 ngàn đồng/đêm. Như vậy, chỉ sau một đêm 500 người này kiếm được khoảng 150 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và nó kiếm được hoàn toàn thủ công, phát sinh hết sức manh mún. Nếu như toàn bộ khối lượng rác được tái chế thì giá trị kinh tế Việt Nam thu về còn có thể cao hơn rất nhiều.
Thứ hai, Việt Nam có vị trị địa chính trị quan trọng. Việt Nam ở vị trí cửa ngõ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là ngã ba đường lên Bắc xuống Nam, qua Đông sang Tây kể cả đường không và đường biển. Đây chính là nơi hội tụ và là nơi xuất phát của mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển và tồn tại của toàn khu vực quan trọng này. Chính vì nằm ở vị trí thuận lợi nên Việt Nam thường được ưu tiên đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp xúc gần hơn với những Quốc gia đi đầu và thành công trong phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn”, có cơ hội tham khảo, học tập, nghiên cứu áp dụng lại những mô hình một cách hoàn chỉnh, phù hợp với Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam đã có những doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững từ rất lâu. Tuy chưa phải là “Kinh tế tuần hoàn” nhưng từ trước Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn từ khá sớm. Cụ thể, dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế như sắt thép và kim loại khác đã có từ những năm 80 của thế kỉ XX; Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại, đây là nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung. Đây là cột mốc đánh dấu nỗ lực của thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, hướng đến hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn; hoặc như Công ty nhà máy bia Việt Nam đã sử dụng lại chai và tái chế nắp chai cho làm cầu… và nhiều công ty khác không để lãng phí chất thải có thể tái sử dụng, tái chế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Tất cả những yếu tố trên là động lực cũng như là cơ sở để đánh giá rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để khai thác và xây dựng các mô hình “kinh tế tuần hoàn”, và như đã nói ở trên, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và tạo điều kiện việc làm cho hàng ngàn người lao động, cơ hội để cải thiện môi trường sống, cơ hội để đối phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên.