Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối tại các Ngân hàng thương mại. Theo nguồn gốc phát sinh thì một số nguyên nhân dẫn đến tới rủi ro bao gồm:
Thứ nhất, sự mất cân đối trong trạng thái ngoại hối: Khi có sự mất cân đối trong trạng thái ngoại hối thực của một đồng tiền nhất định, NHTM sẽ chịu rủi ro tỷ giá. Vì vậy, lúc này rủi ro tỷ giá còn được gọi là rủi ro trong trạng thái ngoại hối thực. Nếu trạng thái ngoại hối thực của NHTM là dư thừa ngoại tệ (tổng tài sản có lớn hơn tổng tài sản nợ có ngoại tệ đó) thì chắc chắn NHTM sẽ gặp rủi ro khi ngoại tệ đó giảm giá vì phải chịu một khoản lỗ khi đánh giá lại tài sản. Tương tư, nếu trạng thái ngoại hối thực là thiếu hụt ngoại tệ (tổng tài sản có nhỏ hơn tổng tài sản nợ của ngoại tệ) thì NHTM cũng sẽ mất đi một khoản lợi nhuận khi giá của ngoại tệ đó tăng lên.
Thứ hai, do sự biến đổi của môi trường kinh doanh: Theo một số chuyên gia kinh tế, thời kỳ phát triển và tăng trưởng cao của hệ thống ngân hàng toàn cầu đã thực sự kết thúc. Từ đây hệ thống này phải đương đầu với vô số những khó khăn như hậu quả tất yếu của chu kỳ kinh tế, hoạt động thoái hóa lạm dụng thị trường. Vào thời điểm hiện nay, thị trường tài chính đang có nhiều thay đổi bất lợi do đó các ngân hàng phải lựa chọn cho mình những chiến lược kinh doanh cho phù hợp với từng thời kỳ. Đặc biệt trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, khi mà phạm vi kinh doanh đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, các ngân hàng cần hết sức thận trọng khi lựa chọn đối tác, khách hàng cho mình để tránh những rủi ro đối tác, khách hàng không thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết vào thời điểm phát sinh nghĩa vụ do chiến tranh, bạo động, hay hệ thống thanh toán của quốc gia bên đối tác ngừng hoạt động thanh toán ra nước ngoài.
Thứ ba, về vấn đề đạo đức: Xuất phát từ phía ngân hàng làm đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân thủ đúng các quy định của ngân hàng thì sẽ hạn chế được những rủi ro xảy ra, đặc biệt là loại rủi ro đạo đức. Tuy nhiên trên thực tế, vì lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà có những cán bộ ngân hàng đã cố ý tạo điều kiện, kẽ
hở cho loại rủi ro này phát triển. Chẳng hạn như khi cán bộ ngân hàng có quan hệ lợi ích với khách hàng, mặc dù mục đích mua bán ngoại tệ của khách hàng không rõ ràng nhưng vẫn tiến hành giao dịch hoặc phê duyệt về hạn mức, tỷ giá không đúng quy định gây ra tổn thất cho ngân hàng. Về mặt khách quan, việc lựa chọn, bố trí sử dụng cán bộ, không đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những cán bộ thiếu trung thực cũng là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.
Thứ tư, do trình độ yếu kém của cán bộ ngân hàng: Kinh doanh ngoại hối là một lĩnh vực kinh doanh tương đối khó và đòi hỏi nhà kinh doanh phải nhạy bén và tinh thông nghiệp vụ. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quyết định kinh doanh hay những sai sót nhỏ trong công tác dự báo, đo lường đều có thể dẫn tới những tốn thất nghiêm trọng cho ngân hàng. Đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối là hoạt động dựa nhiều vào kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá và phán đoán diễn biến thị trường tài chính quốc tế của người kinh doanh ngoại hối, do vậy trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên càng trở nên đặc biệt quan trọng trong kinh doanh.