Nam giai đoạn 2016 – 2020
2.3.1.1. Về nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Ngành dệt may Việt Nam hiện đang thiếu hụt phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU theo quy tắc xuất xứ của EVFTA. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, vải các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày là hai trong số 10 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (xem hình 1). Cho đến cuối năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 90% vải các loại từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... hay 80% sợi để sản xuất là nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ... Bên cạnh đó, theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trung bình mỗi năm, cả ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó khoảng 70% nhập từ Trung Quốc. Như vây, nếu không có sự chuyển hướng thị trường khai thác nguyên phụ liệu phù hợp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có cơ hội được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA, hàng dệt may khi xuất khẩu sang EU phải đáp ứng nguồn nguyên liệu vải sử dụng phải có xuất xứ từ Việt Nam/EU hoặc vải nhập khẩu từ Hàn Quốc và việc cắt, may phải được thực hiện tại Việt Nam/EU. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu vải của Việt Nam chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài EU và Hàn Quốc.
Nhìn chung, cho đến giữa năm 2020, Việt Nam đa số nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt nay từ nước ngoài. Trong giai đoạn này, nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu cũng ngày càng có xu hướng tăng mạnh qua các năm. Trong đó, nguyên liệu quan trọng nhất để đáp ứng quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may trong
EVFTA là vải cũng có xu hướng tăng mạnh. Nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nước châu Á khác như Đài Loan, Nhật Bản, v.v. Trong đó. thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 40% năm 2017, 2018 và trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2019, còn nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc lần lượt là gần 14% và gần 16% . Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc khá đa dạng, giá cả lại r hơn các thị trường khác. Tuy nhiên Trung Quốc hiện nay không phải là nước thỏa mãn quy tắc xuất xứ cộng gộp theo EVFTA. Đây là hạn chế lớn của ngành dệt may Việt Nam khi quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc mà chưa có xu hướng chuyển sang các thị trường phù hợp với EVFTA như thị trường EU, thị trường Hàn Quốc hay sử dụng các nguồn cung nguyên liệu trong nước.
2.3.1.2. Về nguồn nguyên liệu trong nước
Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho đến hết năm 2020, diện tích trồng bông của Việt Nam là khoảng 1 nghìn hecta, sản lượng bông hàng năm đạt 1,38 nghìn tấn. Sản lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu của thị trường. Ngành bông, xơ ở Việt Nam kém phát triển là do nước ta không có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho trồng trọt cây công nghiệp phục vụ dệt may và không chú trọng đầu tư vào trồng bông và sản xuất xơ. Trồng bông chịu tác động nhiều bởi thời tiết, khí hậu, và cũng là ngành rất thâm dụng đất đai, vì thế dẫn tới việc diện tích trồng bông ở Việt Nam vẫn còn thấp và còn rất manh mún. Bên cạnh đó, kinh nghiệm, trình độ của nông dân trong việc thâm canh chưa tốt, hệ thống thủy lợi hỗ trợ không có, chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sản xuất thu hoạch chủ yếu bằng tay, chưa có máy móc hỗ trợ nên chất lượng bông của nước ta thấp dẫn tới giá bán không cạnh tranh so với các nước khác. Nguyên nhân thứ hai khiến ngành dệt may thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước là do hàng loạt địa phương đang từ chối các dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng môi trường. Nhưng tới nay công nghệ đã khác, cùng với đó quy định của các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP rất đề cao công tác bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện môi trường thì sẽ không có đơn hàng. Do đó, doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc hiệu quả của Nhà nước trong hoạch định chiến lược phát triển các khu công
nghiệp theo chuỗi khép kín của ngành dệt may.Vấn đề nguồn cung nguyên liệu là thách thức không chỉ của ngành dệt may mà còn của nhiều ngành hàng khác. Nếu không bảo đảm quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp để giải quyết vấn đề môi trường trong dệt, nhuộm, chứ không nên có quan điểm từ chối các dự án này. Còn về phía doanh nghiệp, để có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường EU, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có cách nào khác là phải chủ động tìm hiểu thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý thị trường EU. Mặc dù, ngành sợi Việt Nam trong những năm gần đây phát triển có phần thuận lợi hơn, đó là do ngành đã tận dụng được lợi thế về chi phí đầu vào thấp, cụ thể là chi phí nhân công và tiền thuê đất. Đồng thời, nhu cầu sợi của thị trường thế giới có xu hướng tăng nhanh. Lượng sợi sản xuất trong nước chủ yếu được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan, trong khi các doanh nghiệp dệt Việt Nam lại phải nhập khẩu nguyên liệu sợi từ nước ngoài. Điều đó có thể được coi là nghịch lý và chỉ được khắc phục khi có những giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng sợi sản xuất trong nước. Thực tế những năm qua cho thấy, sợi sản xuất tại Việt Nam chưa đa dạng về chủng loại, chất lượng còn thấp và chủ yếu dùng vào sản xuất các sản phẩm có chất lượng trung bình nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp dệt may sản xuất sản phẩm cao cấp, đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu sợi khác nhau với các loại nguyên liệu đầu vào đặc biệt, thiết bị sản xuất hiện đại. Bông, xơ, sợi đều là các nguyên phụ liệu quan trọng trong sản xuất vải. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ dừng lại ở khâu sản xuất sợi, rất ít các doanh nghiệp trong nước chủ chương sản xuất vải để phục vụ nhu cầu của ngành dệt may. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ tiềm lực về tài chính để xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Hiện nay, mô hình tại các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng mạnh tại Việt Nam là thực hiện sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu. Trên thực tế, để đón đầu cơ hội hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
2.3.2. Đánh giá khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may trongHiệp định EVFTA của Việt Nam