an nhân dân
Tố chất thể lực hay còn gọi là tố chất vận động đó là các mặt khác nhau của hoạt động thể lực. Có năm tố chất thể lực cơ bản là: Sức mạnh, sức nhanh, sức bền, mềm dẻo và khéo léo (năng lực phối hợp vận động). Dựa trên cơ sở sinh lý, lý luận và phương pháp TDTT về tố chất thể lực, đề tài đi sâu phân tích đặc điểm của từng tố chất trong công tác huấn luyện võ thuật Công an nhân dân.
* Tố chất sức nhanh:
Sức nhanh là khả năng hoàn thành một nhiệm vụ vận động (thực hiện động tác) trong một khoảng thời gian ngắn nhất [11]. Nó là một tổ hợp thuộc tính chức năng của con người, quy định chủ yếu và trực tiếp tính tốc độ động tác cũng như thời gian biểu hiện sức nhanh. Người ta phân biệt hình thức đơn giản biểu hiện sức nhanh như:
- Thời gian tiềm phục của phản ứng vận động
- Tốc độ động tác đơn (với lực đối kháng bên ngoài nhỏ) - Tần số động tác
Các hình thức đơn giản của sức nhanh tương đối độc lập với nhau. Đặc biệt những chỉ số về thời gian phản ứng vận động hầu như không tương quan với tốc độ động tác. Những hình thức trên là thể hiện các năng lực tốc độ khác nhau.
Trong nhiều động tác thực hiện với tốc độ tối đa người ta quan sát thấy hai giai đoạn là: Giai đoạn tăng tốc độ và giai đoạn tốc độ ổn định tương đối.
Đặc điểm của giai đoạn thứ nhất là chuyển động nhanh dần hay chuyển động có gia tốc. Khi tốc độ không tăng thêm được nữa thì chuyển sang giai đoạn hai, đó là giai đoạn chuyển động đều.
Theo quan điểm sinh lý, về thời gian tiềm phục của phản ứng vận động gồm năm thành phần:
+ Xuất hiện hưng phấn thần kinh trong cơ quan cảm thụ + Dẫn truyền hưng phấn vào hệ thần kinh trung ương
+ Truyền hưng phấn trong tổ chức lưới hình thành tín hiệu ly tâm + Truyền tín hiệu từ hệ thần kinh trung ương tới cơ
+ Hưng phấn cơ và hoạt động tích cực
Trong các giai đoạn thì giai đoạn thứ ba chiếm nhiều thời gian nhất. Những động tác được thực hiện với tốc độ khác với tốc độ chậm về đặc điểm sinh lý. Nguyên nhân do sự khác biệt của thể hiện cơ bản ở chỗ: Khi thực hiện với tốc độ tối đa thì khả năng điều chỉnh bằng cảm giác trong tiến trình thực hiện động tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, với tốc độ cao khó có thể thực hiện động tác thật chính xác trong các hoạt động của cơ diễn ra trong thời gian ngắn đến mức cơ không kịp co lại nhiều và thực tế cơ hoạt động theo chế độ đẳng trường. Người ta thừa nhận rằng tần số động tác phụ thuộc vào tính linh hoạt của quá trình thần kinh, tức là phụ thuộc vào tốc độ luân chuyển giữa trạng thái hưng phấn và ức chế ở trung khu vận động.
Trong tập luyện võ thuật nói chung và môn võ thuật CAND nói riêng thì sức nhanh có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến thành tích và khả năng chiến đấu của cán bộ chiến sĩ, thể hiện ở khả năng kỹ năng di chuyển nhanh nhẹn, tránh né linh hoạt, thực hiện các đòn tấn công đối phương với tốc độ cao….
* Tố chất sức mạnh:
Sức mạnh là khả năng khắc phục lực đối kháng bên ngoài, hoặc đề kháng lại nó bằng sự nỗ lực cơ bắp. Cơ bắp có thể sinh ra lực trong các trường hợp như: không thay đổi độ dài của cơ (chế độ tĩnh), giảm độ dài của cơ (chế độ khắc phục), tăng độ dài của cơ (chế độ nhượng bộ). Trong chế độ hoạt động như vậy cơ bắp sản sinh ra các lực cơ học, với các trị số khác nhau, cho nên có thể coi chế độ hoạt động của cơ là cơ sở phân biệt các loại sức mạnh [11]. Bằng thực nghiệm và phân tích khoa học người ta đã đi đến một số kết luận có ý nghĩa cơ bản trong phân loại sức mạnh.
Trị số lực sinh ra trong các động tác chậm hầu như không khác biệt với các trị số lực phát huy trong điều kiện tăng trưởng. Trong chế độ nhượng bộ khả năng sinh lực của các cơ là lớn nhất, đôi khi gấp hai lần lực phát huy trong điều kiện tĩnh. Trong các động tác nhanh tuyệt đối (tốc độ) và khả năng sinh lực tỏng các động tác tĩnh tối đa (sức mạnh tĩnh) không có tương quan với nhau. Trên cơ sở sức mạnh được phân chia thành sức mạnh đơn thuần (khả năng sinh lực trong các động tác chậm hoặc tĩnh), sức mạnh - tốc độ (khả năng sinh lực trong các động tách nhanh). Sức mạnh tốc độ còn được chia nhỏ tùy theo chế độ vận động thành sức mạnh động lực và sức mạnh hoãn xung.
Trong vận động thể thao, sức mạnh luôn có quan hệ với các tố chất thể lực khác, cụ thể là sức nhanh và sức bền. Do đó năng lực sức mạnh được phân chia thành ba hình thức: năng lực sức mạnh tối đa, năng lực sức mạnh nhanh (sức mạnh - tốc độ), năng lực sức mạnh bền. Đồng thời các năng lực sức mạnh này rất có ý nghĩa trong hoạt động TDTT, có vai trò quyết định đến thành tích của
hoạt động. Song năng lực sức mạnh - tốc độ, sức mạnh bền, đặc trưng cho phần lớn các môn thể thao cũng như võ thuật nói chung và môn võ thuật Công an nhân dân nói riêng. Đặc điểm sức mạnh tốc độ trong võ thuật CAND thể hiện ở lực uy hiếp và tốc độ cao của các đòn tấn công. Còn sức mạnh bền thể hiện ở khả năng duy trì sức mạnhở các đòn tấn công hay phòng ngự trong chiến đấu của cán bộ chiến sĩ CAND.
* Tổ chức sức bền
Sức bền là năng lực thực hiện lâu bền một hoạt động với cường độ trung bình, hay là năng lực duy trì khả năng vận động trong thời gian dài nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được [11].
Để có sức bền, VĐV phải khắc phục mệt mỏi, nên sức bền còn có thể nói là năng lực của cơ thể chống lại mệt mỏi trong một họat động nào đó.
Như vậy khái niệm sức bền luôn luôn liên quan đến khái niệm mệt mỏi. Sức bền đảm bảo cho VĐV đạt được một cường độ tốt nhất (tốc độ, dùng lực, nhịp độ thi đấu, sử dụng sức lực) trong thời gian vận động kéo dài của thi đấu tương ứng với khả năng tập luyện của mình. Sức bền còn đảm bảo chất lượng động tác cao và giải quyết hoàn hảo các động tác kỹ, chiến thuật tốt từ đầu cho đến cuối cuộc đấu và khi vượt qua một khối lượng vận động lớn trong tập luyện. Do đó sức bền không những là một nhân tố xác định và ảnh hưởng lớn đến thành tích thi đấu, mà còn là một nhân tố xác định thành tích học tập và khả năng chịu đựng lượng vận động của VĐV. Sức bền phát triển tốt là một điều kiện quan trọng để hồi phục nhanh.
Sức bền bao gồm sức bền chung và sức bền chuyên môn
Sức bền chung là sức bền trong các hoạt động kéo dài, với cường độ thấp, có sự tham gia của phần lớn hệ cơ. Sức bền chung có khả năng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, tức là khi được nâng cao trong một loại bài tập nào đó nó có khả năng biểu hiện trong các loại bài tập khác có cùng tính chất.
Điều này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Để nâng cao sức bền chung của VĐV ở một môn nào đó có thể sử dụng nhiều hình thức bài tập khác nhau.
Sức bền chuyên môn là năng lực duy trì khả năng vận động cao trong loại hình bài tập nhất định. Sức bền trong từng loại bài tập có tính chuyên biệt phụ thuộc vào những nhân tố khác nhau, đặc biệt là phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện kỹ thuật. Do đó, khi nâng cao sức bền chuyên môn trong một loại bài tập xác định nào đó thì hầu như không có tác dụng làm tăng sức bền chuyên môn trong một loại bài tập khác tức là ở đây hầu như không có sự chuyển của sức bền. Sự chuyển của sức bền có thể xảy ra hay không tùy thuộc vào cơ chế cung cấp năng lượng trong vận động. Sức bền luôn luôn là thành phần quan trọng của thể lực, nó có quan hệ chặt chẽ với các tố chất thể lực khác như sức mạnh, sức nhanh. Những mối quan hệ này thể hiện bằng các tố chất như: Sức mạnh - bền, sức bền - tốc độ. Như vậy, có thể nói rằng sức bền rất đa dạng, nó đặc trưng cho các môn thể thao nói chung và môn võ thuật nói riêng và rất cần thiết cho các hoạt động của con người đặc biệt là trong các hoạt động thể thao đòi hỏi thời gian dài.
Đối với người tập luyện võ thuật nói chung và tập luyện võ thuật CAND nói riêng, nó là một thành phần quan trọng để phát triển thể lực toàn diện và hoàn thiện các chức năng của các cơ quan trông cơ thể, trước hết đó là hệ thống thần kinh trung ương, cũng như các hệ thống tim mạch, hô hấp. Sức bền là cơ sở để cán bộ chiến sĩ có thể duy trì và chịu đựng được các lượng vận động lớn trong thực tế công tác chiến đấu.
* Tố chất mềm dẻo:
Mềm dẻo là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn của cơ và khớp [11]. Biên độ tối đa của động tác là thước đo của năng lực mềm dẻo.
Năng lực mềm dẻo được chia làm 2 loại: Mềm dẻo tích cực và mềm dẻo thụ động.
Mềm dẻo tích cực là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ sự nỗ lực của cơ bắp [11].
Mềm dẻo thụ động là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ tác động của ngoại lực như: Trọng lượng của cơ thể, lực ấn ép của HLV hoặc bạn tập….[11].
Mềm dẻo là tiền đề quan trọng để đạt được yêu cầu về số lượng và chất lượng động tác. Nếu năng lực mềm dẻo không được phát triển đầy đủ sẽ dẫn đến những hạn chế và khó khăn trong quá trình phát triển năng lực thể thao.
Mềm dẻo rất cần thiết cho người tập luyện võ thuật để hoàn thành các bài tập, các động tác đòi hỏi biên độ động tác lớn như các kỹ thuật đá ở tầm cao. Nhờ các bài tập chuyên môn, VĐV đạt được độ mềm dẻo tốt hơn, từ đó đáp ứng được đòi hỏi khi thực hiện các động tác trong thi đấu đối kháng hay đi quyền, nhất là khi sử dụng nhiều chân. Tố chất mềm dẻo giúp người tập võ thuật thực hiện các đòn tấn công bằng chân ở tầm cao dễ dàng hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn. Tố chất mềm dẻo đóng vai trò quan trọng và quyết định đến thành tích và khả năng chiến đấu của mỗi cán bộ chiến sĩ. Nếu khả năng mềm dẻo hạn chế thì không thể thực hiên được các động tác đòi hỏi biên độ lớn và ảnh hưởng rất nhiều tới năng lực thực hiện các kỹ thuật động tác.
* Năng lực phối hợp vận động (Tố chất khéo léo)
Năng lực phối hợp vận động là một phức hợp các tiền đề của VĐV (cần thiết ít hoặc nhiều) để thực hiện thắng lợi một hoạt động thể thao nhất định. Năng lực này được xác định trước hết ở khả năng điều khiển động tác (xử lý thông tin) và được VĐV hình thành và phát triển trong tập luyện. Năng lực phối hợp vận động có quan hệ chặt chẽ với các phẩm chất tâm lý và các năng lực khác như: Sức mạnh, sức nhanh và sức bền [11].
Năng lực phối hợp của VĐV còn được thể hiện ở mức độ tiếp thu nhanh chóng và có chất lượng, cũng như việc hoàn thiện củng cố và vận dụng các kỹ
xảo về kỹ thuật thể thao. Tuy nhiên, giữa năng lực phối hợp vận động về kỹ xảo về kỹ thuật thể thao có điểm khác nhau cơ bản. Trong khi kỹ xảo về kỹ thuật thể thao chỉ nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể thì năng lực phối hợp vận động là tiền đề cho rất nhiều hoạt động vận động khác nhau.
Năng lực phối hợp vận động gồm 7 loại năng lực:
- Năng lực liên kết vận động: Đó là năng lực liên kết các hoạt động của từng bộ phận cơ thể, các phần của động tác trong mối quan hệ với hoạt động nhất định. Nó thể hiện sự kết hợp các yếu tố về không gian, thời gian và dùng sức trong quá trình vận động [11].
- Năng lực định hướng: Đó là năng lực xác định thay đổi tư thế và hoạt động của cơ thể trong không gian và thời gian [11].
- Năng lực thăng bằng: Đó là năng lực ổn định trạng thái thăng bằng của cơ thể (thăng bằng tĩnh) hoặc duy trì và khôi phục nó trong và sau khi thực hiện động tác (thăng bằng động) [11].
- Năng lực nhịp điệu: Đó là năng lực nhận biết được sự luân chuyển của một động tác trong quá trình hoặc thể hiện nó trong khi thực hiện động tác [11].
- Năng lực phản ứng: Là khả năng dẫn truyền nhanh chóng và thực hiện các phản ứng vận động một cách hợp lý và nhanh chóng đối với một tín hiệu (đơn giản hoặc phức tạp) [11].
- Năng lực phân biệt vận động: Là năng lực thể hiện động tác một cách chính xác cao và tinh tế từng hoạt động riêng lẻ, từng giai đoạn của quá trình đó. Năng lực này thể hiện sự phân biệt có ý thức và chính xác thông số về thời gian, không gian và dùng sức trong quá trình thực hiện động tác [11].
- Năng lực thích ứng: là năng lực của VĐV chuyển nhanh chóng chương trình hành động này sang chương trình hành động khác dựa trên cơ sở tri giác những thay đổi của hoàn cảnh hoặc dự đoán có các thay đổi đó [11].
Một VĐV có trình độ cao về khả năng phối hợp vận động (bên cạnh vốn kỹ xảo phong phú) có thể lĩnh hội và lắm vững các bài tập vô cùng phức tạp, cho phép lĩnh hội hợp lý hơn các bài tập thể chất, đồng thời có tác dụng tích cực đối với việc hoàn thiện các kỹ thuật thể thao cần thiết. Người tập luyện võ thuật có khả năng phối hợp vận động tốt là điều kiện cơ bản để có thể nắm bắt nhanh chóng và thực hiện có chất lượng các kỹ thuật, đặc biệt là các kỹ thuật quật vật phức tạp trong đánh bắt của môn võ thuật Công an nhân dân.
Như vậy, đánh giá trình độ luyện tập thể lực đòi hỏi phải xem xét nhiều mặt cấu thành của nó: Sức mạnh, sức nhanh, sức bền, mềm dẻo và khả năng phối hợp vận động. Có như vậy mới đánh giá được một cách toàn diện, chính xác trình độ thể lực của người tập.
1.5. Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi 19 – 25 trong hoạt động thể thao
Trong quá trình giảng dạy và huấn luyện để đạt hiệu quả tốt thì người giáo viên và huấn luyện viên phải nắm chắc các đặc điểm về tâm, sinh lý của lứa tuổi. Từ đó mà áp dụng các phương pháp và các phương tiện tập luyện sao cho phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính và trạng thái sức khỏe, đó cũng là một trong những các nhân tố quan trọng để tác động bài tập thể chất lên cơ thể con người. Vì nói đến bài tập thể chất là nói đến LVĐ mà LVĐ bao gồm cường độ và khối lượng sẽ tác động trực tiếp lên cơ thể người tập, muốn có thành tích thì LVĐ là mấu chốt của việc nâng cao thành tích cho nên việc hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi là điều không thể thiếu được. Bởi vì cơ thể con người là một khối thống nhất hoàn chỉnh, bất cứ một sự tác động nào cũng gây nên sự biến đổi trong cơ thể cho nên phải xác định mức độ vừa sức vối người tập. LVĐ vừa sức là LVĐ không dễ quá mà cũng không khó quá nhưng người tập phải có