Nguyên tắc quản lý chi ngân sách địa phương

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước ở tỉnh Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. (Trang 34 - 39)

9. Kết cấu của luận án

1.2.2. Nguyên tắc quản lý chi ngân sách địa phương

1.2.2.1. Quản lý theo dự toán

Chi NSĐP chỉ được thực hiện theo dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao. Mọi nhu cầu chi NSĐP phải được dự toán và chỉ được thực hiện theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhằm bảo đảm mục tiêu kỷ luật tài khoá.

Tất cả các nhiệm vụ chi NSĐP phải được dự toán và tổng hợp đầy đủ vào dự toán chi NSĐP theo đúng lịch biểu quy định để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Phân bổ và giao dự toán chi NSĐP phải đúng với dự toán ngân sách cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ chi được giao. Cơ quan tài chính có trách

nhiệm kiểm tra việc phân bổ dự toán chi NSĐP cho các đơn vị sử dụng ngân sách; trường hợp việc phân bổ không phù hợp với nội dung trong dự toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, không đúng chính sách, chế độ thì yêu cầu cơ quan phân bổ ngân sách điều chỉnh lại. Ngoài cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ngân sách, không tổ chức hoặc cá nhân nào được thay đổi nhiệm vụ chi ngân sách đã được giao. Điều chỉnh, bổ sung dự toán chi NSĐP phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền.

Trong quá trình chấp hành ngân sách, cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách và KBNN có trách nhiệm bảo đảm ngân quỹ để thanh toán kịp thời các nhiệm vụ chi NSĐP theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện các khoản chi. Các đơn vị sử dụng ngân sách phải sử dụng ngân sách theo đúng dự toán, tiến độ thực hiện các khoản chi.

Quyết toán chi NSĐP phải đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách được giao. Nội dung báo cáo quyết toán chi NSĐP phải đúng các nội dung ghi trong dự toán ngân sách được giao. Chỉ thực hiện quyết toán các khoản chi NSĐP có trong dự toán chi ngân sách được giao.

1.2.2.2. Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách

Định mức chi NSNN nói chung và NSĐP nói riêng là mức ngân sách được xác định cho một đơn vị đối tượng tính định mức chi ngân sách. Theo mục đích sử dụng, định mức chi ngân sách bao gồm định mức phân bổ ngân sách và định mức sử dụng hay định mức chi tiêu ngân sách. Chi NSĐP phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định.

Định mức phân bổ ngân sách là mức ngân sách phân bổ cho một đơn vị đối tượng phân bổ ngân sách. Định mức phân bổ ngân sách do cấp có thẩm quyền quy định là căn cứ pháp lý để xác định mức trần ngân sách và xây dựng dự toán chi NSĐP của các cấp, các đơn vị dự toán NSĐP.

Định mức sử dụng ngân sách là mức ngân sách được sử dụng cho đơn vị một đối tượng sử dụng ngân sách. Định mức sử dụng ngân sách do cấp có thẩm quyền quy định là căn cứ pháp lý để kiểm soát chi và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ yếu được sử dụng ở khâu chấp hành và quyết toán chi NSĐP.

Ngoài ra, định mức sử dụng ngân sách còn được sử dụng để xây dựng dự toán chi ngân sách đối với các khoản, mục chi không có định mức phân bổ ngân sách.

1.2.2.3. Niên độ

Nguyên tắc quản lý theo niên độ là một nguyên tắc kinh điển trong quản lý NSNN. Quản lý chi NSĐP được thực hiện theo từng năm ngân sách. Năm ngân sách có độ dài bằng năm dương lịch. Quản lý NSĐP theo niên độ nhằm đảm bảo kỷ luật tài khóa, khuyến khích lập kế hoạch chi tiêu tốt và cho phép thẩm tra chi tiết chính sách chi ngân sách của các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách hàng năm.

NSĐP phải được lập, chấp hành và quyết toán theo năm ngân sách. Cơ quan quyền lực nhà nước phải quyết định dự toán chi ngân sách hằng năm. Dự toán chi NSĐP duyệt cho năm ngân sách chỉ có hiệu lực thực hiện trong năm ngân sách. Cuối năm ngân sách, dự toán chi ngân sách chưa sử dụng sẽ bị hủy. Nguyên tắc quản lý ngân sách theo niên độ không cho phép thực hiện chi chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau hoặc ứng trước dự toán ngân sách năm sau để sử dụng trong năm ngân sách hiện tại.

1.2.2.4. Công khai và minh bạch

Công khai và minh bạch trong quản lý chi NSĐP được hiểu là các thông tin về chi NSĐP được công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác, dễ hiểu và phù hợp với các đối tượng cần tiếp cận thông tin.

Công khai và minh bạch trong quản lý chi NSĐP nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách của chính quyền các cấp và các đơn vị dự toán ngân sách; từ đó góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng và bảo đảm kỷ luật tài khóa, hiệu quả phân bổ, hiệu quả hoạt động chi NSĐP.

Ngoài việc công khai, minh bạch các quy định của pháp luật, chế độ, tiêu chuẩn và định mức về chi ngân sách, công khai NSĐP phải thực hiện công khai các tài liệu và thủ tục chi ngân sách. Các tài liệu chi NSĐP phải thực hiện công khai gồm: dự toán chi ngân sách trình cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; dự toán ngân chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền quyết định; báo cáo tình hình

thực hiện chi ngân sách; quyết toán chi ngân sách được cấp có thểm quyền phê chuẩn; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán chi ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSĐP hỗ trợ và các chương trình, dự án đầu tư XDCB sử dụng vốn NSĐP. Nội dung công khai bao gồm: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán chi ngân sách trình cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện chi NSĐP và quyết toán chi NSĐP; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Công khai chi NSĐP phải được thực hiện kịp thời và có thể được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công khai thủ tục chi ngân sách bao gồm các quy định về quy trình, thủ tục kiểm soát, tạm ứng, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách. Việc công khai được thực hiện bằng các hình thức niêm yết tại nơi giao dịch và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan có liên quan đến thu, chi NSĐP.

1.2.2.5. Quản lý theo kết quả

Quản lý chi ngân sách theo kết quả là việc lập, phân bổ, chấp hành, quyết toán chi ngân sách trên cơ sở xác định rõ kinh phí ngân sách gắn với nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm cần hoàn thành với khối lượng, số lượng và chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định và những tác động KTXH.

Quản lý chi ngân sách theo kết quả nhằm thực hiện mục tiêu hiệu quả phân bổ và hiệu quả hoạt động trong thực hiện các nhiệm vụ chi NSĐP.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách có các cấp độ khác nhau như kết quả hoạt động hay đầu ra, kết quả phát triển… Phân bổ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN đòi hỏi phải gắn với các mục tiêu ưu tiên chiến lược của chính sách và kế hoạch phát triển KTXH nhằm đạt được các kết quả phát triển KTXH đã định; dựa trên các dự báo kinh tế vĩ mô, các tiêu chí ưu tiên phân bổ ngân sách rõ ràng và khả năng ngân sách trong trung hạn. Sử dụng NSĐP để thực hiện

các nhiệm vụ chi phải đạt được kết quả thực hiện nhiệm vụ của các khoản chi và trong phạm vi dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Dự toán chi NSĐP phải trình bày và thuyết minh rõ các kết quả thực hiện các nhiệm vụ chi. Trong quá trình chấp hành ngân sách, cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách và KBNN có trách nhiệm bảo đảm ngân quỹ để thanh toán kịp thời các nhiệm vụ chi NSĐP theo đúng tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ chi. Các đơn vị sử dụng ngân sách phải sử dụng ngân sách theo đúng tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ chi được giao.

Báo cáo quyết toán của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp trên, NSĐP phải kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, lĩnh vực, chương trình, mục tiêu được giao phụ trách.

Quản lý chi ngân sách theo kết quả áp dụng đối với các đơn vị sử dụng ngân sách đáp ứng đủ điều kiện sau:

- Xác định được khối lượng, số lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành. - Có cơ sở, căn cứ tính toán để lập và giao dự toán kinh phí theo tiêu chuẩn định mức

kỹ thuật kinh tế, định mức chi tiêu hoặc giá trị của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm tương đương cùng loại được cung ứng trong điều kiện tương tự; bao gồm cả các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định.

- Có tiêu chí, cơ chế giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

- Có thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan giao nhiệm vụ và cơ quan nhận nhiệm vụ về việc quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Quản lý chi ngân sách theo kết quả được áp dụng theo các nguyên tắc:

- Tăng thẩm quyền gắn với tăng trách nhiệm cá nhân, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của thủ trưởng đơn vị.

- Đơn giản hóa quy trình quản lý chi ngân sách trong khâu kiểm soát chi, quyết toán ngân sách.

- Khối lượng, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian cung cấp, dự toán chi phí của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm phải bảo đảm tối thiểu bằng hoặc

tốt hơn so với phương thức quản lý ngân sách theo các yếu tố đầu vào.

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước ở tỉnh Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(190 trang)
w