Tại Việt Nam hiện nay, việc thực hiện thanh tra thị trường vốn được thực hiện theo kế hoạch, định kỳ; hoặc thực hiện đột xuất và phạm vi thanh tra gần như là không giới hạn, cũng như không có chế độ đặc biệt riêng đối với mỗi tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường vốn. Việc thanh tra được coi là một trong những phương pháp giám sát mang tính chất, mức độ cao hơn so với cách thức theo dõi và phải được Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện hoặc Bộ Tài chính quyết định. Việc thực hiện thanh tra sẽ không phân biệt bất kỳ chủ thể nào và áp dụng gần như đối với tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trên thị trường vốn. Phạm vi thanh tra đối với cách thức này bao gồm từ hoạt động phát hành; các giao dịch; các hoạt động kinh doanh, đăng ký, thanh toán bù trừ, lưu ký cho đến việc tuân thủ các quy định pháp luật; ngoài ra, hiện nay công tác thanh tra được tập trung liên quan đến việc xét duyệt niêm yết, các hoạt động giao dịch và công bố thông tin.
Đối với Sở giao dịch chứng khoán, công tác thanh tra chủ yếu tập trung liên quan đến tình trạng quản lý đối với các hoạt động, giao dịch trên thị trường vốn. Điển hình là vụ việc Bộ Tài chính phải ban hành quyết định số 81/QĐ-TTr về việc thực hiện thanh tra hành chính tạI HOSE. Cụ thể với tình trạng thường xuyên bị nghẽn lệnh từ cuối năm 2020 tại Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, khi khối lượng lệnh của nhà đầu tư vượt quá khả năng quản lý của hệ thống. Đỉnh điểm là trong phiên giao
dịch sáng ngày 01/06/2021 khi giá giao dịch vượt mốc 21.700 tỷ đồng, dẫn đến tình trạng báo động của hệ thống và khiến dừng giao dịch phiên chiều cùng này. Chính diễn biến sự việc càng kéo dài và khâu xử lý chậm, hay bảng điện tử không hiển thị khớp lệnh kịp thời đã ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư rơi vào tình trạng rủi ro cao và thực hiện bán tháo cổ phiếu.
Đối với các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thì hiện nay đang tập trung thanh tra liên quan đến các vấn đề như việc chào bán chứng khoán ra công chúng, mua bán lại cổ phiếu; để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc huy động cũng như phát hiện được các hành vi vi phạm. Cụ thể và điển hình đối với vụ việc “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thực hiện thanh tra về việc đã công bố thông tin đối với giao dịch này trước khi chào bán ra công chúng có theo đúng quy định pháp luật hay không. Diễn biến tiếp theo đó là sau khi thực hiện thanh tra trên webside của FLC thì được biết giao dịch này chưa được công bố ra công chúng trước khi chào bán và cũng không gửi thông báo đến Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE). Qua đó, đã phát hiện ra hành vi trái quy định pháp luật và kết luận đây là hành vi “bán chui” cổ phiếu; đồng thời đã đưa ra những chế tài khắc phục tình hình ngay lập tức, để ngăn chặn các tác động xác đến thị trường vốn Việt Nam.
Đối với công ty chứng khoán việc thanh tra sẽ được tập trung chủ yếu về tình hình cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra công chúng. Cụ thể là trong tháng 10/2021 Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện triển khai đoàn thanh tra tại một số công ty chứng khoán do việc phát hành trái phiếu với số lượng lớn không có tài sản bảo đảm ra thị trường. Đây là trường hợp được coi là không tuân thủ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Qua đó, việc giám sát thị trường vốn thông qua cách thức thanh tra sẽ giúp cho cơ quan quản lý có góc nhìn tổng thể đối với những hành vi vi phạm và diễn biến của các tình huống sẽ xuất hiện trên thị trường. Từ đó, đưa ra được phương hướng xử phạt mang tính cảnh báo, răn đe đối với những hành vi vi phạm đó.