Chính sách quảng bá sản phẩm du lịch

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 68)

6. Nội dung các chương

2.2.5.Chính sách quảng bá sản phẩm du lịch

Trong giai đoạn 2018- 2020, chính quyền địa phương (bao gồm cả cấp tỉnh và cấp thành phố) đã và đang hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch địa phương với tương đối phong phú các hình thức như:

- Quảng cáo:

Ngành du lịch đã chú trọng đến hoạt động quảng cáo trên mạng internet, trên báo, đài truyền hình địa phương và trung ương, biển quảng cáo tấm lớn, biển chỉ dẫn du lịch, pano áp phích, băng rôn khẩu hiệu, cờ phướn,...

Ngành du lịch đã phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí địa phương và trung ương xây dựng và thực hiện các chuyên mục, phóng sự quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức phát triển du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương.

Nhìn chung hoạt động quảng cáo du lịch Bình Định nói chung, thành phố Quy Nhơn nói riêng phần lớn tập trung trên các báo, tạp chí trong nước, tuy nhiên, cũng chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục, việc hợp đồng đặt viết bài quảng cáo phần lớn theo cảm tính, theo sự giới thiệu, chỉ đạo của cấp trên, chứ không theo một chương trình quảng bá giới thiệu du lịch có định hướng thị trường và công chúng mục tiêu một cách rõ ràng và khoa học.

Những năm qua, ngành du lịch tỉnh và thành phố cũng đã thường xuyên phối hợp cùng các đài truyền hình địa phương và trung ương thực hiện đều đặn các chuyên mục du lịch, du lịch qua màn ảnh nhỏ, phát sóng trên truyền hình Bình Định và các kênh truyền hình trung ương (VTV1, VTV2), truyền hình cáp (VCTV1), kỹ thuật số(VCTV), truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV). Các chương trình quảng cáo du lịch trên sóng truyền hình cũng đã tạo được ấn tượng và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và du khách trong nước bởi các hình ảnh, chương trình du lịch độc đáo, mới lạ và hấp dẫn.

- Phát hành các ấn phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch:

Hệ thống ấn phẩm, tài liệu thông tin du lịch tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn tương đối phong phú về thể loại từ sách hướng dẫn du lịch, bản đồ

du lịch, tập gấp các loại, sách ảnh, cẩm nang du lịch, video, đến các loại tranh ảnh, pano áp phích và bản đồ du lịch. Các ấn phẩm truyền thông này chủ yếu giới thiệu bằng các thứ tiếng Việt, Anh và Pháp.

Tuy nhiên do chưa có khảo sát, nghiên cứu riêng cho từng thị trường một cách bài bản, nên việc định hướng nội dung, hình ảnh tuyên truyền, quảng bá còn chung chung, mang nặng tính chủ quan, áp đặt. Do đó việc xác định, lựa chọn hình ảnh gì, thông điệp quảng cáo cho ai,... chưa thật sự nhất quán và mang tính hướng đích một cách rõ ràng, chủ yếu vẫn là giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, di tích danh thắng, dịch vụ du lịch, tức là những gì mình đang có, chứ không phải những gì mà khách cần.

- Tổ chức các cuộc thi về môi trường, tài nguyên du lịch địa phương trên báo chí, tặng quà cho khách du lịch, miễn giảm giá vé danh lam cho khách đoàn:

Nhìn chung các hoạt động này của thành phố còn rất đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được xây dựng và thực hiện thống nhất với các công cụ xúc tiến điểm đến du lịch khác, nên khả năng thúc đẩy, kích cầu đối với điểm đến du lịch còn hạn chế.

Các chương trình khuyến mại, giảm giá của du lịch Quy Nhơn chưa được thực hiện theo chương trình thống nhất trên quy mô toàn thành phố do ngành du lịch chủ trì, mà mới chỉ được thực hiện đơn lẻ tại một số khu, điểm du lịch hay một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng. Quy mô và mức độ khuyến mại, giảm giá cũng không đồng nhất, thiếu nhất quán, đôi khi còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do giảm giá quá mức.

Quà tặng miễn phí của du lịch Quy Nhơn chưa được thực hiện theo chiến dịch hay chương trình quảng bá với mục tiêu cụ thể, mà chủ yếu được sản xuất để biếu, tặng cho các quan khách, đại biểu đến dự các sự kiện đặc biệt của tỉnh, nên tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao.

Thời gian qua, thành phố phối hợp với tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ, sự kiện. Trong khuôn khổ các lễ hội, hàng năm đều bố trí chương trình Hội chợ triển lãm Du lịch - Thương mại thu hút nhiều doanh nghiệp trong cả nước tham gia các gian hàng nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.

Công tác xúc tiến quảng bá đã vươn tới một số thị trường các tỉnh phía Bắc, Nam và một số thị trường khách quốc tế. Nội dung tham gia đã được chuẩn bị khá công phu, chu đáo. Các gian hàng được thiết kế hoành tráng, ấn tượng, nội dung thông tin, hình ảnh thiết kế có chủ điểm rõ ràng, tài liệu ấn phẩm quảng bá nhiều loại đẹp, phong phú bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp, cán bộ tham gia hội chợ, triển lãm đã có nhiều kinh nghiệm thiết kế, trưng bày gian hàng, kiến thức về điểm đến, nên cũng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với quan khách đến thăm gian hàng.

Bảng 2.19: Kết quả thực hiện chính sách quảng bá sản phẩm du lịch của thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2018- 2020

Stt Tiêu chí ĐVT 2018 2019 2020

1 Số bài viết, chuyên mục quảng cáo du lịch Bài 80 50 50 2 Số ấn phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch Cái 600 500 200 3 Số hội thảo, hội chợ, sự kiện quảng bá du

lịch do địa phương tổ chức Cuộc 3 2 0

4 Số hội thảo, hội chợ, sự kiện quảng bá du

lịch mà thành phố tham gia Cuộc 4 4 3

5 Tổng kinh phí thực hiện

Triệu đồng

650 550 450 - Kinh phí thực hiện đăng bài viết, chuyên

mục quảng cáo du lịch 150 100 100

- Kinh phí phát hành ấn phẩm xúc tiến,

quảng bá du lịch 300 250 150

- Kinh phí tổ chức, tham gia các hội thảo,

hội chợ, sự kiện quảng bá du lịch 200 200 200

Tuy nhiên, việc tham gia hội chợ triển lãm của thành phố Quy Nhơn phần lớn là theo sự chỉ đạo của cấp trên, theo lời mời của các địa phương hay điểm đến khác, chưa có nghiên cứu thị trường một cách khoa học. Mặt khác do điều kiện hạn hẹp về kinh phí, ngành du lịch chưa tham gia nhiều hội chợ du lịch tại nước ngoài.

Có thể thấy, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức trong nhân dân về vai trò và vị trí của du lịch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên công tác tuyên truyền quảng bá mới chủ yếu trong phạm vi thành phố, chưa vươn ra được các thị trường khác, đặc biệt là các đầu mối dẫn khách đến với địa phương; chưa tận dụng được sức mạnh của internet trong quảng bá du lịch; chưa có ấn phẩm chuyên biệt quảng bá du lịch của thành phố; thương hiệu du lịch còn mờ nhạt do chưa định vị được sản phẩm du lịch chính.

Bảng 2.20: Kết quả điều tra xã hội học về chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch của thành phố Quy Nhơn

Stt Tiêu chí đánh giá Mẫu Điểm Đánh giá

I Nhóm cán bộ, công chức QLNN về du lịch

1 Sự đa dạng của các hình thức, công cụ xúc

tiến, quảng bá du lịch địa phương 6 3,83 Khá 2 Hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du

lịch địa phương 6 3,33

Trung bình

II Nhóm đối tượng của chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

1 Sự thiết thực của các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương của chính quyền thành phố

33 3,73 Khá

2 Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của thành phố có tác động tốt đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch

33 3,45 Trung bình

Bảng 2.20 cho thấy, nhóm cán bộ, công chức QLNN về du lịch cho rằng các hình thức, công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch của thành phố khá đa dạng, tuy nhiên, hiệu quả đem lại đối với sự phát triển của hoạt động du lịch địa phương là chưa rõ rệt. Về phía nhóm đối tượng của chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, họ cũng đồng tình với đánh giá chưa tốt về tác động của chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch của thành phố. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này đã có đánh giá tích cực đối với sự thiết thực của các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương của chính quyền thành phố. Như vậy qua đó cho thấy, về mặt hình thức thì các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã được triển khai đa dạng, đúng hướng, nhưng về mặt mức độ thực hiện thì chưa tới, cần tiếp tục đầu tư trong tương lai.

2.3. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và nguyên nhân trong chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

2.3.1. Điểm mạnh trong chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch: được thực hiện tương đối bài bản đã giúp thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đem lại hiệu quả nhất định về KTXH và bảo vệ môi trường; thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Hoạt động kinh doanh phát triển du lịch những năm qua có chuyển biến tích cực, một số dự án lớn đã, đang và sẽ đầu tư. Đó là tín hiệu tốt trong việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự phong phú về sản phẩm du lịch, đáp ứng mục tiêu thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao trong giai đoạn tới.

- Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch địa phương. Cơ sở lưu trú được đầu tư mới trong những năm gần đây đều có quy mô lớn chất lượng dịch

vụ, công suất sử dụng buồng phòng cao. Xu thế này đã góp phần tạo động lực phát triển KTXH địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Chính sách phát triển sản phẩm du lịch: đã giúp thành phố xác định được những sản phẩm du lịch là thế mạnh cạnh tranh để định hướng hoạt động đầu tư, hoạt động khai thác du lịch của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch: được tăng cường, đã tạo điều kiện cho lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn du lịch,... nhằm tăng cường thêm lực lượng lao động ngành du lịch của thành phố.

- Chính sách quảng bá sản phẩm du lịch: được đổi mới và ngày càng có hiệu quả thiết thực. Lượng khách du lịch, thu nhập và GRDP du lịch tăng hàng năm góp phần làm tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng thu nhập của thành phố, tạo tiền đề đưa du lịch từng bước thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng theo đúng mục tiêu đã được xác định.

2.3.2. Điểm yếu trong chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch: lượng vốn đầu tư thu hút được vào ngành du lịch thành phố trong thời gian qua có tăng, nhưng chưa đều qua các năm, nguồn vốn gia tăng chủ yếu là khu vực doanh nghiệp tư nhân, và lượng vốn này chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của ngành du lịch. Các kênh huy động vốn khác tăng chậm như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số kênh huy động vốn khác chưa được thành phố quan tâm như thị trường cho thuê tài chính, thị trường trái phiếu.

- Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: chính sách chưa làm rõ các biện pháp khuyến khích của chính quyền đối với các thành phần kinh tế khi

tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương thông qua các hình thức đầu tư nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Kinh phí hỗ trợ của chính quyền cho xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn thấp, ở các mức độ khác nhau và còn thiếu đồng bộ.

- Chính sách phát triển sản phẩm du lịch: được thực hiện chưa thực sự tích cực, số lượng sản phẩm du lịch chuyên biệt mới, số sáng kiến điều chỉnh sản phẩm du lịch chuyên biệt cũ hàng năm là tương đối ít.

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch: chưa khắc phục được những bất cập trong công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch trước yêu cầu phát triển ngành hiện nay cũng như tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao, chất lượng phục vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp.

- Chính sách quảng bá sản phẩm du lịch: còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thực sự tạo lập được hình ảnh du lịch thành phố Quy Nhơn đến đông đảo đối tượng du khách tiềm năng. Chưa có sự gắn kết giữa chính quyền với các doanh nghiệp, du khách. Việc xây dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức về các điểm du lịch còn thấp.

2.3.3. Nguyên nhân của điểm yếu trong chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

2.3.3.1. Nguyên nhân thuộc về chính quyền cấp thành phố

- Nhận thức của các cấp các ngành về vị trí, vai trò của du lịch có mặt hạn chế, chưa đồng bộ. Sự phối kết hợp trong quản lý hoạt động du lịch giữa các cơ quan chức năng của thành phố chưa thật sự chặt chẽ trong khi đó lại chưa phân định được một cách rõ ràng trách nhiệm và lợi ích của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư trong quản lý các hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch.

- Bộ máy QLNN về du lịch của thành phố có hiệu lực quản lý chưa cao. Quyền hạn, trách nhiệm cũng như lợi ích của các cấp, ngành trong việc cụ thể

hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch vào điều kiện cụ thể ở địa phương cũng như trong việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đó chưa được làm rõ.

- Kinh phí thực thi chính sách: của thành phố còn hạn chế; thành phố cũng chưa có biện pháp hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển ngành du lịch.

2.3.3.2. Nguyên nhân thuộc về doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch

- Khả năng tận dụng lợi ích các chính sách của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố còn thấp. Bên cạnh một số doanh nghiệp có quy mô lớn, thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, số lượng lao động ít, nguồn vốn ít, nên khả năng cạnh tranh, khả năng đầu tư cho phát triển là khá hạn chế. Hơn nữa, họ cũng khó nắm bắt được những cơ hội đầu tư mà các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương mang lại. Điều này tạo ra rào cản khá lớn cho việc tổ chức thực thi nhiều chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố.

- Chất lượng nguồn nhân lực: của đa phần doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố còn tương đối thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chuyên nghiệp rất cao. Điều này một phần sẽ khiến cho năng lực kinh doanh của họ thấp, vừa tạo áp lực lớn cho chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố quy nhơn, tỉnh bình định (Trang 68)