Xét về cấu tạo và nguồn gốc

Một phần của tài liệu Đặc trưng từ vựng trong thơ của văn công hùng (Trang 28 - 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Xét về cấu tạo và nguồn gốc

Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, từ vựng hay vốn từ, kho từ vựng của một người là tập hợp các từ trong một ngôn ngữ mà người đó quen thuộc (biết tới). Vốn từ vựng thường xuyên tăng lên theo tuổi tác, và là công cụ cơ bản và hữu dụng trong giao tiếp và thu nhận kiến thức.

Từ góc độ phạm vi sử dụng, người ta phân biệt hai loại kho từ vựng là chủ động và bị động. Kho từ vựng chủ động bao gồm các từ được sử dụng trong văn nói và văn viết. Kho từ vựng bị động bao gồm các từ mà một người có thể nhận ra lúc đọc hoặc lúc nghe, nhưng không sử dụng chúng trong văn nói hoặc viết. Kho từ vựng bị động nhiều hơn kho từ vựng chủ động một vài lần. Xét riêng trong lãnh địa thơ ca, từ vựng thơ ca là vốn từ mà các nhà thơ sử dụng để diễn tả những cung bậc tình cảm, trường thẩm mĩ của cá nhân trong quá trình kiến tạo nên những tác phẩm thơ đặc sắc. Trong lịch sử phát triển từ vựng tiếng Việt, trong từng thời đoạn, nó có những bước chuyển mình, số lượng và đặc trưng cụ thể. Điều này đã chịu sự tác động của các nguyên nhân văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam. Nếu khảo sát và đánh giá hệ thống từ vựng với các tiểu loại cụ thể đã tham gia cấu tạo nên các câu thơ trong từng giai đoạn phát triển của thể loại này của lịch sử văn học Việt Nam chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Trong chuyên luận Đặc trưng từ vựng trong Thơ mới 1932 – 1945, từ góc độ cấu tạo, Vũ Thị Ân đã đưa ra một bảng thống kê so sánh về phương

diện cấu tạo từ vựng trong ngôn ngữ thơ Nôm thời trung đại và Thơ mới 1932 – 1945, kết quả được thể hiện như sau:

Bảng 1.1. Hệ thống từ vựng trong thơ Nôm và Thơ mới từ bình diện cấu tạo

Loại thơ Tổng lượt từ ngữ được khảo sát Từ đơn Từ ghép Từ láy Thành ngữ Thơ Nôm trung đại 24.171 21.815 (90,25%) 1.743 (7,21%) 549 (2,27%) 64 (0,27%) Thơ mới 1932 - 1945 73.409 63.721 (86,8%) 7.211 (9,82%) 2.442 (3,33%) 35 (0,05%) [Nguồn 4, tr.15] Từ bảng so sánh về phương diện cấu tạo của hệ thống tự vựng, chúng ta có thể nhận thấy việc tham gia kiến tạo câu thơ trong thơ thời trung đại có số lượng và tỷ lệ khá sai biệt so với thời Thơ mới (1932 – 1945). Căn cứ bảng số liệu trên, chúng ta có thể nhận thấy Thơ mới và thơ Nôm trung đại, số lượng từ đơn chiếm tuyệt đại đa số (trên 90%). Khoảng 10% số còn lại được chia cho các thành phần từ vựng còn lại.

Tại sao có sự chênh lệch khá lớn như vậy? Theo suy nghĩ của chúng tôi, từ đơn là lớp từ chiếm số lượng chủ yếu và là yếu tố để tạo lập từ ghép, từ láy. Thơ Nôm trung đại tính từ Nguyễn Trãi thì cách nay đã hơn 600 năm, còn nếu tính từ Trần Tế Xương thì cũng đã hơn 100 năm. So với thời hiện đại, số lượng từ vựng tiếng Việt thời trung đại còn thấp và có nhiều yếu tố Hán Việt đơn tiết như Nguyệt, Thuỷ, Mai, Lan, Hoa,... và nhiều yếu tố thuần Việt như khem (trong kiêng khem), han (trong hỏi han), nhèm (trong kèm nhèm)... được dùng độc lập làm thành phần câu. Ví dụ như Nguyễn Trãi viết:

Đêm trăng hớp nguyệt nghiêng chén, Thạch đỉnh hương tàn khói thuỷ trầm

Hoặc như Tú Xương đã viết:

Cái miếng phong tình vẫn chưa khem... Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm...

Trong cách vận dụng từ ngữ của các nhà thơ trung đại, việc sử dụng các từ đơn với tư cách là yếu tố tạo từ dường như chưa được đặt ra như trong thơ hiện đại, đặc biệt là Thơ mới. Ngoài những lý do mang tính phạm trù trung đại và hiện đại, lý do văn học (thể tài, tính quy phạm và nội dung sáng tác), có thể nói đây là nguyên nhân quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến tỉ lệ chênh lệch giữa hai lớp từ đơn và ghép của thơ Nôm trung đại so với Thơ mới.

Hệ thống từ ghép trong thơ Nôm (cũng như trong Thơ mới sau này) chủ yếu là từ Hán Việt như nhân nghĩa, triều đình, trung quân, giang sơn, phong lưu... Số lượng từ ghép được tăng bổ dần về số lượng ở các giai đoạn sau. Cũng ở bảng thống kê trên, so với thơ Nôm, chúng ta có thể nhận thấy ở Thơ mới sự phổ biến ở việc sử dụng từ đơn, từ láy, từ ghép. Trong Thơ mới, số từ đơn có tỉ lệ 86,8%, từ láy chiếm 3,33%, từ ghép chiếm 9,82%. Mặc dù có điểm tương đồng với hệ thống từ vựng trong ngôn ngữ thơ Nôm nhưng ở Thơ mới đã có sự di chuyển và vận động của hệ thống từ vựng. Nó đã bắt đầu hướng đến việc sử dụng hệ thống từ láy, từ ghép. Điều này không chỉ làm gia tăng khả năng thể hiện mà còn là sự sáng tạo trong việc thể hiện các giá trị trong tư tưởng thẩm mĩ của các thi nhân trong hành trình sáng tạo thơ ca. Xét từ góc độ cấu tạo, từ tiếng Việt trong Thơ mới có xu hướng phức hợp hơn nhiều so với thơ Nôm. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển từ vựng trong ngôn ngữ tiếng Việt từ thời trung đại sang hiện đại.

Trong vốn từ của các tác giả Thơ mới, các từ chêm xen như mà, chứ, thì, rồi xuất hiện không ít. Ví dụ như Xuân Diệu viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ Em em ơi, tình non sắp già rồi Hoặc Thế Lữ thì bộc bạch:

Trút khỏi lòng mà trôi đi, mà tan mất...

Nguyên do cơ bản của hiện tượng này xuất phát từ sự không hạn định của số lượng chữ trong các tác phẩm thuộc thể thơ tự do. Điều này tạo nên sự linh hoạt và hoạt dụng trong sáng tác. Lớp từ láy là lớp từ không chỉ có khả năng gợi tả mà còn tăng nhạc tính cho câu thơ, bài thơ.

Các nhà thơ Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt đặc tính này của từ láy và do đó, trong vốn từ vựng thơ ca của hai nhóm thơ được khảo sát, chúng ta cũng thấy được sự xuất hiện tỉ lệ tuy có sự chênh lệch nhưng vẫn là đặc trưng cố hữu của ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. Từ láy trong ngôn ngữ thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một trong những “đặc sản”, đặc trưng thẩm mĩ vô cùng hấp dẫn khi tiếp nhận ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương. Có thể nói, trong số các nhà thơ Nôm, Hồ Xuân Hương là người sử dụng vốn từ láy nhiều nhất và thành công nhất. So với thơ Nôm, trong Thơ mới, lượng từ láy cũng được các nhà thơ chú ý và khai thác triệt để các giá trị ngữ nghĩa lẫn âm thanh.

Qua những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy, vốn từ vựng tiếng Việt đã được các văn nhân thi sĩ không chỉ trong thời trung đại mà ngay cả thời hiện đại, đương đại cũng được sử dụng, vận hành và sáng tạo một cách thần tình linh động, góp phần kiến tạo nên những giá trị thẩm mĩ đặc sắc trong các tác phẩm thơ. Từ góc nhìn cấu tạo, hệ thống từ đơn, từ láy, từ ghép hay cụm từ đều đóng vai trò quan trọng, là kho quặng mà các nhà thơ đã tập trung chọn lựa, khai thác một cách hiệu quả, góp phần hình thành nên những đặc trưng từ vựng của phong cách thơ cá nhân trong tiến trình thơ ca Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đặc trưng từ vựng trong thơ của văn công hùng (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)