6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Từ vựng với việc thể hiện biện pháp tu từ so sánh
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là "phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người" (V.I Lênin). Xét về bản chất, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu, mỗi kí hiệu ngôn ngữ bao giờ cũng gồm hai mặt âm và nghĩa. Nói như F. de Sausure, đó là mặt “cái biểu đạt” (hình ảnh âm thanh) và mặt “cái được biểu đạt" (ý niệm). Hiểu một cách nôm na ngôn ngữ phải bao gồm hai mặt từ và nghĩa của từ hay hình thức từ và nội dung mà từ biểu đạt. Mối quan hệ giữa từ và nghĩa vì vậy là mối quan hệ biện chứng, là mối quan hệ tự nhiên, có tính võ đoán và không có nguyên do.
Tuy nhiên, từ ngữ không bao giờ đứng yên một chỗ mà luôn luôn thay đổi, phát triển. Con đường thay đổi cơ bản của từ là chuyển nghĩa thông qua các phương thức khác nhau. Những cách thức chuyển nghĩa này khiến cho vỏ
ngôn ngữ tuy không thay đổi nhưng lại mở ra nhiều biểu hiện thế giới khách quan một cách hữu hiệu và tinh tế. Từ đây từ ngữ trở nên có tính đa nghĩa. Và quan hệ giữa âm và nghĩa tức giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt không còn là quan hệ tương ứng một đổi một nữa" [22, 1]. Các biện pháp nghệ thuật đóng vai trò to lớn trong sự thay đổi và phát triển của từ ngữ. Theo Lại Nguyên Ân thì “trong thực tiễn nghiên cứu văn học, người ta thường nói đến các biện pháp nghệ thuật khi xác nhận những hình thức phát ngôn mới, hoặc khi nói đến việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật đã ổn định vào mục đích mới” [03, 57]. Vì vậy, việc sử dụng thành thạo và có hiệu quả các biện pháp nghệ thuật sẽ làm nên cá tính, phong cách của một nhà văn, nhà thơ. Đồng thời, nó cũng khẳng định được những đóng góp của nhà văn, nhà thơ trên bình diện ngôn ngữ.
So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đời sống cũng như trong sáng tác văn học của người Việt. So sánh được hiểu là “đối chiếu hai hiện tượng có dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia” [35, 282]. Mô hình truyền thống của nghệ thuật so sánh là:
Cái được so sánh (Vế A) Phương diện so sánh Từ so sánh Cái dùng để so sánh (Vế B)
Trong thơ ca truyền thống, so sánh được dùng như một phương tiện biểu cảm. Trong thơ hiện đại, biện pháp so sánh lại được vận dụng với nhiều sắc diện mới. Các nhà thơ hiện đại có ý thức mở rộng biên độ so sánh bằng cách mở ra nhiều trường ngữ nghĩa. Từ việc so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng, thi sĩ có thể so sánh hai cái trừu tượng với nhau. Chế Lan Viên là một ví dụ. Đặt hai cái trừu tượng cạnh nhau, nhà thơ đã làm cho câu thơ của ông được nhận thức trong chiều sâu suy tưởng. Chế Lan Viên viết về nỗi nhớ: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét.” Nhớ là trạng thái cảm xúc, nó không có hình vị; rét cũng vậy, là xúc giác. Cả hai đều khó miêu tả được bằng quan sát. Nhưng
trong sự sáng tạo mới mẻ của Chế Lan Viên, chúng ta đã cảm nhận sự xa cách trong tình yêu khiến lòng người trống trải, vô duyên giống như đông về mà không có cảm giác rét buốt. Cách so sánh trừu tượng mới mẻ đó đã mang lại cho cảm xúc "nhớ" dư vị đặc sắc mà chỉ có thể cảm chứ khó mà diễn đạt thành lời. Có thể thấy thi sĩ hiện đại đã đẩy phép so sánh lên thành một phương tiện đắc lực cho nhận thức và tư duy.
Văn Công Hùng cũng là một trường hợp như thế. Là người luôn muốn cảm nhận tận hưởng mọi biểu hiện giản dị nhất trong đời sống, Văn Công Hùng đã có trên 40 lần sử dụng biện pháp so sánh. Chúng ta dễ dàng tìm thấy hiện tượng so sánh trong thơ ông như một biện pháp nghệ thuật đặc sắc và chủ đạo.
Trong thơ của Văn Công Hùng, cấu trúc so sánh được xây dựng từ nhiều mối quan hệ ngữ nghĩa, nhưng nhà thơ chuộng sử dụng nhiều nhất là mối quan hệ giữa cái cụ thể với cái cá thể: ngày xưa cỏ xanh như nước mắt/ tận bây giờ cỏ vẫn đương xanh (không đề), cỏ mềm như đất ru ngủ ban trưa/ em gánh mùa về rơm vàng như nắng (hồi ức rơm rạ). Điều đặc biệt là những nét nghĩa mang thuộc tính cơ bản của hai đối tượng cụ thể đi bổ sung cho nhau giúp nâng tầm khái quát hình tượng trong thơ ông.
Thơ của Văn Công Hùng có những hình ảnh mang tính ấm áp, tượng trưng cũng được tạo nên bởi hai vế so sánh cụ thể này. Chiều như lửa đốt lòng nhau (Tượng mồ). Chiều (cái được so sánh) và lửa (cái dùng để so sánh) là những hình ảnh rất cụ thể. Cả hai đều là những hình ảnh rất gần gũi, gợi đến sự da diết, mãnh liệt có sức ám ảnh lòng người. Chiều và lửa - là khát vọng tình yêu của con người, là cái còn lại cuối cùng của con người, gửi cho con người, gửi cho chúng ta.
Qua việc sử dụng phép so sánh, ta thấy Văn Công Hùng đã mở rộng trường liên tưởng nhất là khi ông sử dụng những hình ảnh so sánh trùng điệp: em guồng vào anh cơn say bất tận/ tiếng lá buồn rơi suốt vườn đêm/ như là
gió đang xào xạc đâu đó/ như là mưa đang náu giữa vai người (Ngày không bình yên nữa).
Vế được so sánh: Em guồng vào anh. Vế dùng để so sánh: tiếng lá buồn..., gió đang xào xạc... mưa đang náu…. Chỉ một hiện tượng thôi mà được đối chiếu với quá nhiều hiện tượng khác. Nhiều vế so sánh xuất hiện khiến trường liên tưởng dần mở rộng và tạo cảm giác sự chờ mong của anh trải qua nhiều sắc độ có khi là buồn, có khi là xào xạc, khi khác lại như nương náu... tiếp nối nhau tạo hiệu ứng tăng cấp cho sắc thái tu từ. Những vế so sánh trùng điệp trong đoạn thơ tạo nên chuỗi liên tưởng bất ngờ và thú vị dẫn dắt và khơi mở xúc cảm nơi người đọc. Vì thế, tâm trạng của ông cũng trở nên da diết, ám ảnh hơn.
Có thể nói, trong thơ của Văn Công Hùng xuất hiện nhiều những hình ảnh so sánh mới lạ, những hình ảnh tưởng chừng như rất khác xa nhau khi được ông đặt gần nhau bỗng tạo nên sự liên tưởng đặt biệt. Chẳng hạn như: Những sắc phượng dịu dàng trong mưa/ như gió chớp lên cánh diều hư ảo (Hát rong - Trong mưa), Buồn như tận thế kéo cờ quanh ta/ buồn người như thể buồn ma... Buồn như thuốc lú bùa mê/ nghe hoang vắng tận vệt mờ chân chim (Cầm nhau mà đi - Hát với nỗi buồn), Anh nhớ em như là không thể nhớ/ chỉ một mình cui cút với mình thôi/ thế thì nhớ làm gì cho thêm nhớ/ cứ một mình tưởng tượng một mình thôi (Trong cơn mơ có thực - Nhớ).
Viết về tình yêu, mọi cung bậc cảm xúc được nhà thơ bộc lộ chân thật, dù hạnh phúc hay đau khổ thì ông vẫn luôn sống hết mình cho tình yêu, tận lực cả đời cho thơ. Chính cái sự chân thật trong thơ đã tạo ra sức hút từ phía độc giả, đó không phải cái mãnh liệt, gấp gáp như trong thơ Xuân Diệu, nhưng tiếng thơ Văn Công Hùng cũng không kém phần tha thiết, nồng nàn đắm say. Hình ảnh “nhớ như là không thể nhớ” tạo nên một tứ thơ lạ. Trường liên tưởng đi từ một tâm hồn nói nhớ mà lại "không thể nhớ”, mượn cái không khẳng định cái có để làm nên một ấn tượng rất sâu. Tác giả còn có những so
sánh nặng ý vị Thiền: Mầu Ni Mầu Ni số phận miền xa thậm xa như chớp mắt nghìn lẻ sát na (Vòm trời khác - Tình sương chớp mắt)
Cảm giác mong manh mà tê tái. Hình ảnh "số phận” được ví với “chớp mắt”, “nghìn lẻ sát na” có gì đó thật mông lung, trống trải. Chúng tôi chợt nhớ đến bài ca Bên đời hiu quạnh của Trịnh Công Sơn mà nghiệm ra triết lí “vô sinh, vô diệt”, “sắc sắc, không không” trong đời. Rồi một lần kia khăn gói đi xa. Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà. Lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ…
Chính những cách tư duy so sánh mới lạ này đã đem lại nhiều nét nghĩa mới cho sự vật đồng thời thể hiện một cách mạnh mẽ, trọn vẹn xúc cảm của chủ thể trữ tình. Biện pháp tu từ so sánh trong thế giới thơ Văn Công Hùng đã góp phần không nhỏ trong sự thành công về mặt nghệ thuật cũng như tạo nên dấu ấn rất riêng của ông trong nền thơ Việt Nam hiện đại.