Một số nguyên tắc thực hiện giáo dục môi trường

Một phần của tài liệu Xây dựng các chủ đề tích hợp về giáo dục về bảo vệ môi trường trong dạy học khoa học tự nhiên 6 (Trang 28 - 29)

(1) Nguyên tắc chung khi thực hiện GDMT

- Phải coi GDMT là bộ phận hữu cơ của sự nghiệp giáo dục và là một sự nghiệp của toàn dân.

- GDMT được thực hiện theo ba cách tiếp cận: Vì môi trường, về môi trường và trong môi trường.

- GDMT là một thành phần bắt buộc trong chương trình giáo dục và đào tạo, và phải được thực hiện trong kế hoạch dạy học và giáo dục hiện hành. Những vấn đề về môi trường được dạy thông qua nhiều môn học.

- Đưa GDMT vào hoạt động nhà trường một cách thích hợp với môi trường của trường học. Những vấn đề trọng tâm của GDMT phải trực tiếp liên quan đến môi trường của địa bản nhà trường.

- Làm cho người học và người dạy thấy giá trị của môi trường đối với chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc con người. Làm cho con người hiểu rằng những quyền cơ bản của con người, bất kể thuộc màu da hay tín ngưỡng nào, đều có quyền sống trong môi trường lành mạnh, có nước sạch để dùng và không khí sạch để thở.

- Triển khai GDMT bằng các hoạt động mà học sinh là người thực hiện, học sinh bằng hoạt động của chính mình mà thu được hiệu quả thực tiễn. Thầy giáo là người tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường dựa trên chương trình quy định và tìm cách vận dụng phù hợp với địa phương.

(2) Nguyên tắc về phương pháp GDMT

- Giảm bớt diễn giảng, tăng cường thảo luận, tranh cãi.

- Giảm giờ giảng trong lớp, tăng giờ học ngoài hiện trường và ở trong phòng thí nghiệm. Giảm bớt nhớ thuộc lòng, tăng cường khảo sát, nghiên cứu.

- Giảm trả lời theo sách, tăng độc lập tư duy, giải quyết vấn đề. - Vận dụng nguyên lý, tránh tiếp cận xuôi chiều lý thuyết sẵn có.

- Tập trung xem xét tính hệ thống của vấn đề, tránh sa vào hiện tượng vụn vặt. - Chú ý kinh nghiệm thực tế và kỹ năng vận dụng.

- Chú ý khóa luận, dự án và đề tài khảo sát nghiên cứu …

(3) Nguyên tắc tích hợp GDMT vào các môn học trong trường phổ thông

Trong những tài liệu nghiên cứu về các nguyên tắc tích hợp GDMT vào môn học, người ta thường đề cập đến 3 nguyên tắc cơ bản sau:

- Tích hợp không làm thay đổi đặc trưng của môn học, không biến bài học bộ môn thành bài học GDMT. Nghĩa là các kiến thức GDMT được tiềm ẩn trong nội dung bài học, phải có mối quan hệ lôgic, chặt chẽ với các kiến thức có sẵn trong bài học. Theo nguyên tắc này, các kiến thức của bài học được coi như là cơ sở cho kiến thức GDMT.

- Khai thác nội dụng GDMT có chọn lọc, có tính tập trung vào chương mục nhất định, không tràn lan tuỳ tiện. Theo nguyên tắc này, các kiến thức GDMT phải có hệ thống, được sắp xếp hợp lý làm cho kiến thức môn học thêm phong phú, sát với thực tiễn về môi trường, tránh sự trùng lặp, thích hợp với trình độ học sinh, không gây quá tải ảnh hưởng tới việc tiếp thu nội dung chính.

- Phát huy cao độ các hoạt động tích cực nhận thức của học sinh và kinh nghiệm thực tế các em đã có, vận dụng tối đa mọi khả năng để học sinh tiếp xúc với môi trường. Theo nguyên tắc này, các kiến thức GDMT đưa vào bài phản ảnh được hiện trạng môi trường và tình hình BVMT ở địa phương nơi trường đóng để giúp học sinh thấy được vấn đề một cách cụ thể trực quan và sâu sắc.

Một phần của tài liệu Xây dựng các chủ đề tích hợp về giáo dục về bảo vệ môi trường trong dạy học khoa học tự nhiên 6 (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)