Dân số và nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Kinh tế các huyện miền núi tây nam tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 27 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3. Điều kiện về xã hội

1.3.1. Dân số và nguồn nhân lực

Về dân số: Năm 2016, dân số Quảng Nam là 1.487.786 người, trong đó: 729.863 nam và 757.923 nữ; dân số thành thị 359.413 người (chiếm 24,16% và nông thôn

1.128.373 người (chiếm 75,84%); mật độ dân số gần 143 người/km2. So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì Quảng Nam đứng hàng thứ 7 về diện tích, thứ 19 về dân số, thứ 45 về mật độ dân số. Với gần 76% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước [67, tr. 15].

Tuy nhiên quá trình đô thị hóa của tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ sẽ tác động lớn đến sự phân bố dân cư nông thôn và thành thị. Mật độ dân số Quảng Nam có thể chia thành 3 vùng rõ rệt, mật độ dân số ở vùng đồng bằng 350 người/km2; mật độ dân số vùng trung du 190 người/km2; mật độ dân số miền núi 30 người/km2 [67, tr. 16].

Thành phần các dân tộc ở Quảng Nam; ở Quảng Nam hiện nay có 37 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn Quảng Nam trong đó đông nhất là người Kinh chiếm 91,1%, người Cơ Tu 3,2% (chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang), người Xê Đăng 2,7% (ở Bắc Trà My, Nam Trà My), và người Giẻ Triêng (ở Phước Sơn) 1,3%, 29 tộc người còn lại chỉ chiếm 0,9% dân số[67, tr. 8].

Khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Nam tính đến năm 2017, dân số toàn vùng là 148.391 người, trong đó huyện Tiên Phước là 81.900 người [56, tr. 25], huyện Bắc Trà My là 39.194 người [54, tr. 18], huyện Nam Trà My là27.297 người [55, tr. 24]. Mật độ dân số trung bình của 3 huyện miền núi Tây Nam Quảng Nam là 80 người/km².

Về thành phần dân tộc; khu vực này có chủ yếu các tộc người Kinh, Xơ Đăng, Cor, Mơ Nông… người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40% dân số toàn vùng, tập trung chủ yếu hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My2, chỉ có một ít ở huyện Tiên Phước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My chiếm 95% dân số [35, tr. 13], huyện Bắc Trà My chiếm 50% dân số [54, tr. 18], huyện Tiên Phước 0,02% dân số [56, tr. 26]. Huyện Tiên Phước, đến năm 2017 tổng số dân toàn huyện là 81.900 người [56, tr. 25], chủ yếu là người Kinh, người dân tộc Cor chiếm khoảng 0,02% dân số [56, tr. 26]. Tiên Phước là địa phương có số dân tương đối cao của tỉnh Quảng Nam, mật độ dân số 165người/km2, tốc độ tăng dân số 1.5% [56, tr. 11]. Tổng số lao động toàn huyện hơn 34.000 người, chiếm 45% dân số [56, tr. 25]; lao động tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp 85%, tiểu thủ công nghiệp 8.5%, dịch vụ 4.7% và các ngành quản lý 1.8%. Tiên Phước có 14 xã và 1 thị trấn, 95 thôn [56, tr. 2].

Tính đến năm 2017 dân số huyện Bắc Trà My là 39.194 người (có 19.669 nữ), trong đó người Kinh: 20.148 (51,41%), người Ca Dong: 13.372 (34,12%), người Xơ Đăng: 115 (0,26%), người Cor: 4.290 (10,95%), người Mơ Nông: 690 (1,76%), Dân tộc khác: 579 (1,77%) [54, tr. 7]. Dân cư phân tán, mật độ dân số bình quân là 47 người/km2 [69, tr. 5]. Theo nhiều tài liệu về dân tộc học thì Ca Dong là một nhánh của dân tộc Xơ

2Đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng, Ca dong, Cor, Bh’noong, Kinh, Mơ nông... Sau năm 1975, một số dân tộc vùng núi phía Bắc di cư vào sinh sống, như: Tày, Thái, Nùng… Nét đặc trưng cho văn hóa tộc người tạo ra một bức tranh sinh động, đa sắc về văn hóa đang hiện hữu trong đời sống của đồng bào, làm cho văn hóa ở nơi đây thêm phong phú, đa dạng.

Đăng còn Bh’noong là một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng. Có 80 thôn, 12 xã và 01 thị trấn [54, tr. 3].

Huyện Nam Trà My có dân số là 27.297 người (trong đó 13.654 nữ) [55, tr. 3], chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Ca dong chiếm 54,49%, Xơ Đăng chiếm 35,40%, Bh’noong chiếm 7,11%, Kinh chiếm 2,84%, Cor chiếm: 0,09% và các dân tộc khác chiếm 0,07% [55, tr. 5]; Dân cư phân tán, mật độ dân số bình quân: 30 người/km2 [55, tr. 6], có 62 thôn, 10 xã, không có thị trấn, xã Trà Mai là trung tâm huyện lỵ Nam Trà My. Đời sống đồng bào các dân tộc huyện còn rất nhiều khó khăn, cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp làm lúa rẫy một vụ. Tình trạng đói giáp hạt còn xảy ra ở nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Về nguồn nhân lực: khu vực miền núi Tây Nam tỉnh Quảng Nam có dân số trẻ cao chiếm tỷ lệ cao, có lực lượng lao động dồi dào, với trên 91.000 người (chiếm 61% dân số toàn vùng), trong đó lao động ngành nông nghiệp chiếm 61,57%, ngành công nghiệp và xây dựng là 16,48% và ngành dịch vụ là 21,95% [12, tr. 16]. Chất lượng nguồn lao động đang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 30% tổng số lao động, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là gần 18.000 người[12, tr. 9].

Với quy mô dân số trung bình, nhưng cơ cấu dân số trẻ và đa phần trong độ tuổi lao động sẽ đặt ra nhu cầu lớn về tiêu dùng và hưởng thụ văn hoá, nhất là các hoạt động văn hoá công cộng, các loại hình văn hoá, nghệ thuật mới, các hoạt động thể thao.

Hiện nay các huyện ở khu vực miền núi Tây Nam Quảng Nam rất quan tâm đến xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Vận dụng chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nhân cách mới và hội đủ các yếu tố về “đức, trí, thể, mỹ”,

Các huyện Tây Nam tỉnh Quảng Nam xác định mục đích xây dựng con người là nhằm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trực tiếp là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương trong thời gian tới.

Để xây dựng, phát triển con người một cách toàn diện, các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác: giáo dục - đào tạo, y tế, dân số - gia đình, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, phong trào thể dục thể thao. Trong đó, giải pháp cơ bản, quan trọng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm là phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng con người cũng chính là chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển tại các địa phương.

Để phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở 3 lĩnh vực trọng yếu: Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - công nghệ đầu đàn và đào tạo nghề gắn với mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân. Địa phương có cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng thích đáng nhằm thúc đẩy đổi mới tư duy, sức sáng tạo,

gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trong từng vị trí công tác cũng như tạo bước nhảy vọt trong việc đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ ở cơ sở; có chương trình, kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ ở các ngành tổng hợp, kinh tế, văn hoá, xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Kinh tế các huyện miền núi tây nam tỉnh quảng nam (1997 2017) 1 (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)