Cơ sở đề xuất các biện pháp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học ở các xã miền núi thành phố Hà Nội (Trang 120 - 122)

Hà Nội là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước nên giáo dục Hà Nội luôn phải có kế hoạch và định hướng mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững và vượt trội. Với mục tiêu chung “Xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo thủ đô Hà nội trở thành trung tâm về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực và có dân trí cao; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của thủ đô văn minh - hiện đại, nhu cầu giáo dục của các tầng lớp dân cư và chuẩn bị cho thế hệ học sinh thủ đô bước vào giai đoạn mới của công cuộc phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình thành phát triển nhân cách con người thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, sáng tạo, tài hoa xứng đáng với truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”[39], giáo dục và đào tạo Hà Nội phải có kế hoạch phát triển cho tất cả các bậc học mà nền tảng là giáo dục tiểu học.

Với bậc tiểu học, mục tiêu trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng, giáo dục lối sống, nhân cách, giáo dục truyền thống thủ đô thanh lịch và giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên học sinh. Nâng dần chất lượng đại trà. Coi trọng đầu tư mũi nhọn để góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển với tốc độ cao và bền vững của thủ đô và đất nước, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế” [39] đã đặt ra cho giáo dục bậc tiểu học những thời cơ và thách thức.

Giáo dục tiểu học, bậc học đầu tiên của giáo dục phổ thông. Giáo dục tiểu học có ý nghĩa rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Để “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng, giáo dục lối sống, nhân cách, giáo dục truyền thống thủ đô thanh lịch và giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên học sinh” [39] vấn đề giáo dục KNTBV là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện mục tiêu này. Với việc trang bị những kĩ năng cơ bản và cần thiết, học sinh có khả năng ứng phó với những thay đổi của môi trường sống, theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế; kĩ năng tự bảo vệ giúp học sinh hoàn thiện mình, sống có đạo đức, có lối sống lành mạnh và hình thành và phát triển nhân cách tốt cho các em.

4.1.1. Quan điểm phát triển GD&ĐT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

- Phát triển GD&ĐT gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô văn minh, văn hiến, phát triển đô thị và nông thôn mới; Quy hoạch phát triển

hệ thống GD&ĐT phù hợp với quy hoạch Thủ đô; GD&ĐT là khâu đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt nhân lực phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao của vùng, cả nước và khu vực.

- Hiện đại hoá hệ thống giáo dục và đào tạo trên cơ sở bảo đảm nền tảng giáo dục cơ bản, kế thừa những thành quả giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội và của đất nước. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

- Phát triển giáo dục toàn diện: Tri thức - thể chất - Nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo đảm tính thực tiễn, cơ bản, hiệu quả và đồng bộ, phù hợp với đặc điểm các vùng dân cư, đảm bảo công bằng trong GD&ĐT, quan tâm phát triển giáo dục cơ bản cho các đối tượng khó khăn, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật… được thụ hưởng thành quả GD&ĐT ở mức độ ngày càng cao.

- Chủ động tiếp cận xu thế phát triển giáo dục tiên tiến của thế giới; có chính sách hợp lý trong quan hệ hợp tác, hội nhập Quốc tế và khu vực trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội nhằm khuyến khích và huy động sự đầu tư về trí tuệ, khoa học công nghệ và các nguồn lực của các tổ chức cá nhân ở nước ngoài; xây dựng mỗi cấp học, ngành học đều có các trường học kiểu mẫu chất lượng cao theo hướng hiện đại, tiến tới chuẩn khu vực và Quốc tế.

- Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Tiên phong trong việc thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương thức đánh giá kết quả học tập; gắn kết giữa các hình thức, các cấp học và các trình độ đào tạo. Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực GD&ĐT theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý giáo dục, chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa, xã hội hóa các hoạt động giáo dục đào tạo Thủ đô; Phát huy tính tích cực và chủ động của các cơ sở giáo dục đào tạo, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục trong phát triển đội ngũ, huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo;

- Huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT Thủ đô. Phối hợp chặt chẽ Nhà trường - Gia đình - Xã hội xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, kỷ cương, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh. Tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; Xây dựng xã hội học tập,

phát triển giáo dục cộng đồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

4.1.2. Tầm nhìn và mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô Hà Nội

- Tầm nhìn chiến lược: GD&ĐT Hà Nội là trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Phát triển giáo dục toàn diện: Tri thức- Thể chất - Nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho mọi công dân Thủ đô.

- Mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục Tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp học thành phố Hà Nội đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa và đáp ứng nhu cầu học tập Tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố; Xác định và bố trí quỹ đất dành cho hệ thống trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.

4.1.3. Xuất phát từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn của luận án

Việc đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các xã miền núi Hà Nội xuất phát từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn của luận án. Trong đó, về lí luận, dựa trên cơ sở khoa học, cách tiếp cận nghiên cứu hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các xã miền núi; tiếp cận quá trình kết hợp với chức năng quản lý trong việc xác định các nội dung quản lý hoạt động này sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất các biện pháp logic, biện chứng và phù hợp với kết quả nghiên cứu lý luận. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được thực trạng hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các xã miền núi; quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các xã miền núi và các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động này cũng như mối quan hệ biện chứng giữa các nội dung quản lý và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tới quản lý hoạt động này. Do vậy, để đề xuất được các biện pháp phù hợp, thiết thực và có thể áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các xã miền núi Hà Nội thì các biện pháp đề xuất sẽ được xuất phát từ các hạn chế của thực trạng để đề xuất.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh tiểu học ở các xã miền núi thành phố Hà Nội (Trang 120 - 122)