Việc nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ăn ở nước ta bắt đầu từ những năm 1970.
Ở Việt Nam, ngành nấm đang ngày càng phát triển, các loại nấm được trồng phổ biến là: mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm linh chi các loại.... Nước ta có tiềm năng lớn về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu do có nguồn nguyên liệu trồng nấm phong phú, nguồn lao động nông thôn dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển nhiều chủng loại nấm và có thể trồng nấm quanh năm.
Trong những năm qua, tình hình sản xuất nấm ở nước ta có sự biến động. Sản lượng nấm tăng dần từ năm 2010 đến 2018. Trong năm 2010, sản lượng nấm đạt 19.924 tấn đến năm 2018 lên 23.659. Chứng tỏ Việt Nam đã và đang dần phát triển hơn về ngành trồng nấm tại nước ta.
(tính bằng nghìn tấn)
Biểu đồ 2.2. Tổng sản lượng nấm và nấm cục ở Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2018.
(Nguồn:http://data.un.org/Data.aspx?d=FAO&f=itemCode%3A449)
Những năm gần đây có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả như Trịnh Tam Kiệt, Nguyễn Thị Chính, Phan Huy Dục, Lê Xuân Thám, Lê Thị Hoàng Yến... các tác giả tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau trên nhiều đối tượng khác nhau. Có một số công trình nghiên cứu về giống nấm dịch thể nhưng chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm với mục đích tách chiết sinh khối, chưa có công trình nào ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng. Trung tâm nghiên cứu phát triển Nấm và sản phẩm sinh học - Công ty TNHH Nấm linh chi đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm có tác dụng phòng chữa bệnh, tập trung sâu vào các công trình nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm chức năng. Cùng với việc nghiên cứu về tác dụng của nấm Vân chi, công ty cũng đã nghiên cứu quy trình sản xuất các sản phẩm từ nấm Vân chi, có 2 dạng sản phẩm chính từ nấm Vân chi đó là bột sinh khối sợi và quả thể nấm Vân chi. Hiện tại, hàng năm công ty đã cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sinh khối/năm và 2 - 3 tấn quả thể/năm. Việc nuôi trồng nấm Vân chi đang chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất, nguyên liệu sử dụng nuôi trồng là mùn cưa có bổ sung dinh dưỡng, nhiệt độ thích hợp nhất để quả thể nấm sinh trưởng phát triển tử 20 - 25° C, quả thể sinh trưởng thích hợp nhất vào tháng 2 đến tháng 5 dương lịch (Nguyễn Thị Chính, 2011).
Trong những năm gần đây, nước ta có rất nhiều nghiên cứu về nấm ăn và nấm dược liệu. Theo điều tra của tác giả Phan Huy Dục, 2002, nấm Vân chi là nguồn dược liệu quý đã được nuôi trồng nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông… còn ở Việt Nam mới được thử nghiệm ở Đà Lạt. Theo tác giả, trong tự nhiên, nấm Vân chi phân bố ở cả 3 miền đất nước, do đó nó hoàn toàn có khả năng nuôi trồng chủ động trong điều kiện tự nhiên ở nước ta. Kết quả nghiên cứu của tác giả Lê Võ Định Tường (2006) nuôi trồng chủng nấm Vân chi du nhập từ Nhật Bản trên mùn cưa cao su đạt năng suất 51,5 gam/bịch 1200g. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Thùy (2014) nuôi trồng nấm Vân chi trên công thức 65% mùn cưa + 24% bông phế thải + 10% cám gạo + 1% CaCO3, tuổi giống 72 - 48 giờ, lượng giống 20ml dịch giống/ bịch nguyên liệu, rút ngắn được 11 ngày/ chu kỳ nuôi trồng. Kết quả nghiên cứu của Vũ Tuấn Minh và cs (2017) với nguyên liệu mùn cưa gỗ cây cao su phối trộn với 2% cám gạo + 2% bột ngô
+ 0,5% bột nhẹ + 0,5% đường, rút ngắn thời gian sinh trưởng phát triển của nấm Vân Chi, kích thước chiều dài nấm đạt 12,28 cm, kích thước chiều ngang nấm 6,14 cm và năng suất đạt 38,64 gram nấm khô/kg nguyên liệu khô. Kết quả nghiên cứu của Lê Thị Thu Hường và cs (2019) với tỷ lệ giống cấy 2,75% (tương đương 22g/bịch nguyên liệu) cho thời gian phủ kín nguyên liệu là 34,47 ngày, hình thành mầm quả thể đạt 53,57 ngày, quả thể trưởng thành đạt 91,8 ngày, chiều cao trung bình quả thể đạt 10,93 cm, đường kính trung bình quả thể đạt 4,30 cm; khối lượng trung bình quả thể dao động đạt 7,35 g. Năng suất đạt 31,21 g nấm khô/kg nguyên liệu khô.