Đặc điểm điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá trê đồng (clarias fuscus; lacepède, 1803) trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 31 - 35)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.5. Đặc điểm điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng nghiên cứu

Theo Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và Quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2012-2020 của Chi cục thủy sản tỉnh Phú Thọ thì điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh Phú Thọ như sau:

2.5.1. Điều kiện tự nhiên, khí hậu tỉnh Phú Thọ Vị trí địa lý Vị trí địa lý

Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 3.533,4 km2, 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện) với 225 xã, phường, thị trấn. Vị trí địa lý ở tọa độ từ 20o43’ đến 21o42’ vĩ độ Bắc; 104o50’ đến 105o36’ kinh độ Đông; Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái. Phú Thọ nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, có 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Lô, sông Đà. Mạng lưới giao thông khá thuận tiện, có đường sắt, đường bộ, đường thủy nối liền thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Đặc điểm địa hình: Phú Thọ có địa hình dốc dần theo hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam, chia thành 3 tiểu vùng như sau:

- Tiểu vùng núi cao: phân bố ở phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam của tỉnh, chủ yếu thuộc các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập. Tiểu vùng này có các hồ thủy lợi và hệ thống suối, ngòi có nguồn nước sinh thủy dồi dào, thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống, nuôi cá trong hồ chứa.

- Tiểu vùng núi thấp, gò đồi bát úp, xen kẽ đồng ruộng: Phân bố chủ yếu ở các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh Ba, Phù Ninh và một phần của huyện Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì. Vùng này có nhiều hồ đầm tự nhiên, hồ thủy lợi, diện tích ruộng trũng 1 vụ lúa, 1 vụ cá; tiểu vùng này nếu đầu tư tốt có thể phát triển nuôi thủy sản thâm canh. Một phần diện tích ao nuôi thủy sản ở tiểu vùng này hình thành từ việc đắp chặn các eo, ngách giữa các gò đồi, nguồn nước phục vụ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước mưa, hạn chế việc đầu tư thâm canh.

- Tiểu vùng địa hình bằng phẳng: Phân bố chủ yếu vùng ven hệ thống các sông hữu Lô, tả Đà, sông Hồng thuộc các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, thành phố Việt Trì,... Tiểu vùng này có hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi thủy sản thâm canh.

Đặc điểm khí hậu thủy văn:

Tỉnh Phú Thọ có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Trong đó, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ xuống thấp gây nhiều khó khăn cho nuôi thủy sản, nhất là chuẩn bị giống thủy sản cho năm sau.

Trong năm, nhiệt độ cao nhất vào tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1 và tháng 12. Tổng số giờ nắng trung bình 1.316,4 giờ/năm. Lượng mưa trong năm trung bình 1.436,7 mm nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8. Độ ẩm trung bình năm 85%. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 800 mm.

Tính chất nhiệt đới gió mùa như trên có ảnh hưởng sâu sắc tới mùa vụ, tập quán và đối tượng nuôi trồng thủy sản. Thời vụ nuôi thủy sản tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11; mùa đông thường có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài là yếu tố bất thuận cho phát triển thủy sản, nhất là các đối tượng thủy sản giống mới

di nhập từ các vùng có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là sản xuất, ương nuôi con giống cho năm sau (Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, 2015).

2.5.2. Thực trạng sản xuất thủy sản

Toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và 11 khu ương nuôi tập trung với quy mô 225,23ha (giảm 04 cơ sở so với năm 2015). Các cơ sở sản xuất, ương nuôi giống có truyền thống, kinh nghiệm lâu năm; tích cực tiếp thu, ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất do đó chất lượng con giống đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Hàng năm, các cơ sở sản xuất, ương nuôi giống trên địa bàn tỉnh sản xuất được trên 1,6 tỷ con giống thủy sản các loại (cá bột, cá hương, cá giống). Tuy nhiên, đối tượng sản xuất của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cá truyền thống như trắm, trôi, mè...; các đối tượng nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Các đối tượng có năng suất, giá trị kinh tế cao chủ yếu được người dân trong tỉnh nhập cá bột, cá hương từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... về ương nuôi thành cá giống.

2.5.3. Tiềm năng về nuôi thương phẩm cá trê đồng tại tỉnh Phú Thọ

Tổng diện tích nuôi thủy sản đến tháng 9 năm 2020 của tỉnh đạt 10.600 ha; Trong đó:nuôi thâm canh đạt 2.026ha, nuôi bán thâm canh đạt 3.324ha;Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 35.000 tấn. Hình thành 43 khu nuôi tập trung với tổng quy mô 1.127,2ha (trong đó có 37 khu nuôi tập trung, quy mô 916,2ha nuôi thâm canh; 06 khu nuôi tập trung, quy mô 211,0ha nuôi bán thâm canh). Các khu nuôi tập trung được hình thành từ diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và từ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung. Phát triển nhanh loại hình kinh tế trang trại, toàn tỉnh hiện có 205 trang trại có hoạt động thủy sản với quy mô 1.589ha. Toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã thủy sản, các hợp tác xã đã được đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động (Chi cục thủy sản Phú Thọ, 2020).

Phong trào nuôi thương phẩm cá trê đồng trong ao được bắt đầu phát triển từ năm 2016, khi có 2 hộ nuôi trên địa bàn xã Sơn Vi huyện Lâm Thao mua giống cá trê đồng về thả chung cùng ao với cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi . Sau 8 tháng nuôi với diện tích 2.000 m2 các hộ thả thêm 2.000 con cá giống trên đồng kích cỡ 500 con/kg, thu được 300 kg cá trê đồng với kích cỡ 250-300gam/con và giá bán 100.000 – 120.000 đồng/kg. Suất phát từ tình hình thực tế trên năm 2017 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phú Thọ giao cho trại sản xuất

giống cấp I thuộc chi cục thủy sản tỉnh Phú Thọ thực hiện đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá trê đồng (Clarias fuscus Lacepède, 1803) tại trại sản xuất giống cấp I thuộc Chi cục thủy sản Phú Thọ” với mục đích sản xuất và chủ động được con giống cá trê đồng cung ứng giống cá trê đồng cho người nuôi trên địa bàn tỉnh (Bùi Phú Thịnh & cs., 2017).

Năm 2018 và 2019 Chi cục thủy sản Phú Thọ đã triển khai mô hình nuôi cá trê đồng thương phẩm tại 5 huyện là Lâm Thao, Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông với quy mô 1.000m2 /mô hình, năng suất thu được đạt từ 10-12 tấn/ha (Chi cục Thủy sản Phú Thọ, 2019).Qúa trình nuôi cho thấy, cá có ưu điểm là dễ nuôi, không đòi hỏi nhu cầu ôxy cao, khả năng kháng bệnh tốt. Hiện nay, giá cá thương phẩm dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg cao gấp 2-3 lần so với các đối tượng nuôi truyền thống khác. Thời gian nuôi cá trê đồng thương phẩm từ 6 - 7 tháng/vụ.

Năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thực hiện 2 mô hình nuôi thương phẩm cá trê đồng trong ao đất với quy mô từ 0,2 - 0,5ha/huyện từ nguồn kinh phí khuyến nông của các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Đoan Hùng, Thị Xã Phú Thọ. Tổng diện tích nuôi thương phẩm cá trê đồng trên địa bàn tỉnh ước đạt 15 ha, năng suất ước đạt 150 tấn cá thương phẩm (Chi cục Thủy Sản Phú Thọ, 2020).

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên làm giàu của người dân cùng với chính sách theo nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội Đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về Chính sách hỗ trợ khuyến khích Nông nghiệp, Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Hy vọng nghề nuôi thương phẩm cá trê đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá trê đồng (clarias fuscus; lacepède, 1803) trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)