Nội dung của kế toán quản trị

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 37 - 39)

8. Kết cấu của luận án

1.1.3. Nội dung của kế toán quản trị

Hiện nay có một số cách tiếp cận khác nhau về nội dung của KTQT trong doanh nghiệp, đó là:

* Theo nội dung thông tin KTQT cung cấp (Ahmad, 2012; Phạm Ngọc Toàn, 2010), KTQT bao gồm:

- Hệ thống kế toán chi phí và quản trị chi phí trong DN: KTQT chi phí là kỹ thuật được sử dụng ngay từ giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển của KTQT. Thông qua việc sử dụng các kỹ thuật như phân loại chi phí, tập hợp chi phí theo quá trình sản xuất hoặc theo công việc, KTQT chi phí sẽ cung cấp thông tin về chi phí phát sinh trong từng giai đoạn/phân xưởng sản xuất hoặc chi phí để thực hiện một công việc/đơn hàng cụ thể, làm cơ sở cho việc kiểm soát chi phí. Sau này, để xác định chi phí chính xác hơn và kiểm soát chi phí tốt hơn, các kỹ thuật KTQT chi phí hiện đại như chi phí dựa trên hoạt động (ABC), chi phí mục tiêu (Target costing), chi phí theo Kaizen đã được áp dụng phổ biến trong các DN sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau.

- Dự toán ngân sách của DN: Xây dựng dự toán sản xuất kinh doanh được coi là một hệ thống kiểm soát quan trọng trong hầu hết các tổ chức (Ahmad, 2012). Thật vậy, nó là một trong số các kỹ thuật được sử dụng ngay từ giai đoạn đầu tiên của KTQT, được sử dụng đồng thời với các kỹ thuật KTQT chi phí nhằm giúp DN đạt được mục tiêu kiểm soát chi phí. Theo Garrision và cộng sự (2017), dự toán là bản kế hoạch chi tiết cho tương lai và thường được thể hiện dưới dạng định lượng. KTQT thực hiện lập dự toán sản xuất kinh doanh nhằm mục đích phục vụ cho chức năng lập kế hoạch hoạt động trong tương lai và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thông qua các loại dự toán sản xuất kinh doanh, KTQT sẽ cung cấp các thông tin về doanh thu dự kiến thu được, các khoản chi phí dự kiến phát sinh, dòng tiền và kết quả kinh doanh dự kiến đạt được trong tương lai; Các dự toán này cũng chính là cơ sở để nhà quản lý DN có thể kiểm soát hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện so với kế hoạch đặt ra.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động: Đánh giá HQHĐ là một chức năng quan trọng của KTQT, nó cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu chiến lược của tổ chức (Jusoh và Parnell, 2008). Theo truyền thống, để đánh giá HQHĐ của DN, KTQT thường dựa trên dự toán sản xuất kinh doanh, làm cơ sở để đối chiếu với kết quả thực tế đạt được. Tuy nhiên, theo cách này, KTQT chỉ có thể cung cấp thông tin về HQHĐ của DN theo các thông tin tài chính như chênh lệch

doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Do đó, để đánh giá HQHĐ một cách toàn diện, KTQT còn có thể sử dụng các kỹ thuật khác như sử dụng các chỉ số tài chính và phi tài chính để phục vụ đánh giá HQHĐ tổng thể của DN. Theo phương diện này, mô hình Thẻ điểm cân bằng (BSC), điểm chuẩn được xem là các kỹ thuật KTQT hiện đại để đánh giá HQHĐ . Như vậy, thông qua việc sử dụng kỹ thuật lập dự toán, và phân tích biến động, KTQT có thể cung cấp thông tin về chênh lệch doanh thu, chi phí, lợi nhuận giữa thực tế so với kế hoạch; Và việc sử dụng các chỉ số tài chính và phi tài chính, KTQT có thể cung cấp thông tin về HQHĐ tổng thể toàn DN.

- Thiết lập thông tin phục vụ cho việc ra quyết định ngắn hạn và dài hạn: Trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhà quản lý thường xuyên phải ra các quyết định ngắn hạn liên quan đến việc tiếp tục duy trì hay ngừng kinh doanh một bộ phận đang bị thua lỗ, tự sản xuất hay mua ngoài linh kiện, bán nửa thành phẩm hay sản xuất thành sản phẩm cuối cùng mới bán, quyết định sản xuất trong điều kiện năng lực kinh doanh có giới hạn, KTQT sẽ sử dụng kỹ thuật phân tích thông tin thích hợp để hỗ trợ cho việc ra các quyết định này. Bên cạnh đó, nhà quản lý DN cũng cần thông tin để ra các quyết định dài hạn như đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, …Để đáp ứng được những thông tin này, KTQT sẽ phải sử dụng các kỹ thuật như xác định giá trị hiện tại thuần, tỷ suất sinh lời nội bộ và kỳ hoàn vốn.

* Theo mục tiêu của kế toán quản trị (Chenhall và Langfield-Smith, 1998; Abdel và Luther, 2006); Trần Thị Hồng Mai và cộng sự, 2020), KTQT bao gồm:

- KTQT phục vụ cho việc lập kế hoạch với các nội dung như phân loại chi phí, lập dự toán sản xuất kinh doanh. Trong đó, phân loại chi phí được thực hiện theo nhiều tiêu thức khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và nhu cầu thông tin của nhà quản lý DN. Chẳng hạn phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí (biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp) để phục vụ phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng

– lợi nhuận (CVP), tính giá thành sản phẩm theo phương pháp chi phí toàn bộ hoặc theo biến phí, lập các loại dự toán chi phí sản xuất kinh doanh, …Bên cạnh việc lập các dự toán chi phí sản xuất kinh doanh, KTQT còn thực hiện lập các dự toán khác như dự toán doanh thu, dự toán chi phí giá vốn hàng bán, dự toán tiền, dự toán kết quả kinh doanh, để làm căn cứ/cơ sở cho việc đánh giá HQHĐ vào cuối kỳ.

- KTQT phục vụ cho chức năng tổ chức thực hiện thông qua việc cung cấp những thông tin chi tiết hàng ngày về diễn biến của tình hình thực hiện kế hoạch, nhằm giúp nhà quản lý DN kịp thời điều chỉnh và điều hành hoạt động của DN theo mục tiêu đã xác định.

- KTQT phục vụ cho việc kiểm soát và đánh giá hoạt động gồm thực hiện kế toán các hoạt động liên quan đến tài sản, doanh thu, chi phí trong đó tập trung nhiều hơn cho chi phí do tính chất phức tạp của nội dung này. Mục đích là thu thập thông tin chi phí, doanh thu, phân bổ chi phí chung cho các đối tượng có liên quan. Trên cơ sở thông tin đã có, KTQT thực hiện phân tích biến động giữa thực tế so với kế hoạch, đánh giá HQHĐ theo các trung tâm trách nhiệm, theo hoạt động.

- KTQT phục vụ cho việc ra quyết định thông qua phân tích thông tin thích hợp phục vụ cho việc ra quyết định ngắn hạn, phân tích mối quan hệ CVP, phân tích thông tin thích hợp phục vụ cho việc ra quyết định dài hạn thông qua kỹ thuật xác định giá trị hiện tại thuần của dự án (NPV), xác định tỷ suất sinh lời nội bộ của dự án (IRR) và tính kỳ hoàn vốn của dự án (K) để có cơ sở tư vấn cho nhà quản trị ra quyết định đúng đắn.

Trong đó, Chenhall và Langfield-Smith (1998) phân loại các kỹ thuật KTQT bao gồm các kỹ thuật truyền thống như lập dự toán cho kế hoạch và kiểm soát, đánh giá HQHĐ của các trung tâm trách nhiệm, báo cáo lợi nhuận cho bộ phận kinh doanh và phân tích CVP cho quá trình ra quyết định; Các kỹ thuật KTQT hiện đại như chi phí dựa trên hoạt động (ABC), Thẻ điểm cân bằng (BSC) và các kỹ thuật lập kế hoạch chiến lược.

Như vậy, theo các cách tiếp cận khác nhau thì nội dung KTQT có thể bao gồm các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, có thể tổng kết lại nội dung cơ bản của KTQT bao gồm: (1) Xây dựng dự toán sản xuất kinh doanh; (2) Phân loại chi phí, thực hiện KTQT chi phí theo phương pháp phù hợp, làm cơ sở tính giá thành sản phẩm và phân tích biến động chi phí; (3) Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận (CVP); (4) Đánh giá HQHĐ; (5) Phân tích thông tin phục vụ cho việc ra quyết định. Trong đó, “Đánh giá HQHĐ” được xem là một nội dung quan trọng, cốt yếu của KTQT nhằm đánh giá HQHĐ tổng thể toàn DN thông qua các chỉ số đánh giá.

Mục 1.2. dưới đây sẽ trình bày các vấn đề liên quan đến HQHĐ và các chỉ số đánh giá HQHĐ.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(189 trang)
w