Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 48)

3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

3.2. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Với đề tài luận án “Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại

theo quy định pháp luật Việt Nam” các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu dự kiến được NCS đặt ra như sau:

Câu hỏi nghiên cứu 1:

- Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là gì? Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại cần thiết như thế nào trong đời sống xã hội?

- Giả thuyết nghiên cứu:

Giới hạn tự do hợp đồng là mặt đối lập của tự do hợp đồng. Dưới góc độ chung nhất thì tự do hợp đồng được hiểu là các bên có quyền tự do thỏa thuận với nhau về các vấn đề liên quan đến hợp đồng mà không chịu sự chi phối hay kiểm soát từ chủ thể khác. Ngược lại, giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là sự hạn chế của pháp luật (Nhà nước) đối với một số điều khoản thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng trong trường hợp cần thiết vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội và của các chủ thể khác.

Tư tưởng của C. Mác về con người, giải phóng con người và phát triển con người một cách toàn diện đã chỉ ra rằng “Con người là tổng hòa những mối quan

hệ xã hội”. Vì vậy, việc các chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng trong hoạt động

thương mại không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên

mà còn được đặt trong mối quan hệ với lợi ích của Nhà nước và của các chủ thể khác. Vì vậy, giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại có vai trò quan trọng trước tiên là bảo vệ quyền lợi của chính các bên giao kết hợp đồng. Việc thực hiện hợp đồng giúp các bên đạt được lợi ích, mục đích mong muốn của mình. Ngoài ra, sự giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại còn đảm bảo trật tự phát triển chung của toàn xã hội, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và đảm bảo các giá trị đạo đức trong xã hội.

Câu hỏi nghiên cứu 2:

- Pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại là gì? Vì sao giới hạn tự do hợp hợp đồng cần được luật hóa và việc luật hóa được thực hiện như thế nào? ở đâu?

- Giả thuyết nghiên cứu: Hiện nay, pháp luật của Việt Nam không có quy định cụ thể về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, thông qua những quy định hiện hành về/liên quan đến hợp đồng, pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng đặt ra những quy định yêu cầu các bên giao kết hợp đồng phải tuân thủ trong quá trình xác lập, thực thi và chấm dứt quan hệ hợp đồng. Sự hạn chế này có thể được thể hiện thông qua các quy định cấm đoán hoặc những quy định mà các chủ thể buộc phải thực hiện.

Giới hạn tự do hợp đồng cần được luật hóa để tránh sự tùy tiện, lạm dụng làm ảnh hưởng xấu đến quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng. Việc lạm dụng quá mức cần thiết vấn đề này còn có thể gây ra hành vi vi phạm pháp luật quốc tế về quyền con người (trong đó quyền tự do hợp đồng) bởi quyền con người vừa là vấn đề của pháp luật quốc gia và vừa là vấn đề của pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, luật hóa việc giới hạn quyền con người (trong đó có quyền tự do kinh doanh, quyền tự do hợp đồng) trước hết phải được ghi nhận trong Hiến pháp – văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất - sau đó là ở các văn bản luật (Bộ luật, đạo luật) thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội

Câu hỏi nghiên cứu 3:

- Thực trạng các quy định pháp luật Việt Nam về giới hạn tự do hợp đồng

như thế nào? Việc thi hành những quy định này có những thành công và bất cập ra sao ở Việt Nam?

- Giả thuyết nghiên cứu: Pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại hiện đã có quá trình phát triển nhất định, đạt được nhiều thành công. Tuy vậy, quá trình này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cả về lý luận và thực tiễn thi hành. Các quy định pháp luật về vấn đề này được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, chưa có sự thống nhất, còn mâu thuẫn, chồng chéo. Do đó, việc các cơ quan thực thi pháp luật và các chủ thể được Nhà nước trao quyền thi hành các quy định này trên thực tế còn gặp những khó khăn vướng mắc.

Câu hỏi nghiên cứu 4:

- Phương hướng và những giải pháp cụ thể nào được đặt ra nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại?

- Giả thuyết nghiên cứu: Việc hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng là rất cần thiết. Dựa trên các quan điểm hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng nói chung, việc hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số đạo luật có liên quan như LTM (2005), LBVQLNTD (2010) và các văn bản hướng dẫn thi hành…nhằm kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập đang tồn tại.

TIỂU KẾT

Hiện nay, vấn đề giới hạn tự do hợp đồng đã được đề cập trong một số công trình nghiên cứu có liên quan với những mức độ đề cập ít, nhiều khác nhau. Mức độ đề cập ít, nhiều vấn đề này trong các công trình nghiên cứu là bởi mục đích nghiên cứu của các học giả là vấn đề khác và quy định giới hạn tự do hợp đồng chỉ có liên quan phần nào, nên các công trình nghiên cứu đó chỉ đề cập ở mức độ nhất định mà thôi. Như vậy, giới hạn tự do hợp đồng đã được một số học giả quan tâm, nhưng đến nay, chưa có công trình nghiên cứu trong nước, nước ngoài nào nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về vấn đề này.

Các công trình nghiên cứu đề cập đến giới hạn tự do hợp đồng ở mỗi khía cạnh khác nhau, hướng tiếp cận đi từ cơ sở lý luận, đến phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật hoặc thực thi pháp luật, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện cụ thể. Nhìn chung, những hướng nghiên cứu của các học giả liên quan đến giới hạn tự do hợp đồng nói chung với NCS có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu và hoàn thiện luận án, gợi mở cho NCS những bước nghiên cứu tiếp theo. Trên cơ sở này, NCS khái quát hóa kết quả, thành tựu nghiên cứu mà các học giả đã đạt được trong công trình nghiên cứu của mình, đồng thời chỉ ra một số vấn đề chưa được đề cập hoặc được đề cập chưa đầy đủ. Từ đó, NCS chỉ ra những vấn đề được luận án kế thừa, phát triển và tiếp tục đặt ra mục tiêu nghiên cứu ở các chương tiếp theo.

Kế thừa những thành quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu có liên quan, kết hợp với lý thuyết nghiên cứu và cùng với việc đặt ra các câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, NCS đặt ra những định hướng nghiên cứu tiếp theo bao gồm: (i) nghiên cứu bổ sung các vấn đề lý luận về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại (ngoài những vấn đề lý luận đã được các công trình trước đó đề cập đến), nhằm hệ thống hóa một cách toàn diện những vấn vấn đề lý luận cơ bản về giới hạn tự do hợp đồng nói chung; (ii) Phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, đồng bộ thực trạng pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại với thực tiễn thực thi pháp luật về vấn đề này trong thời gian qua; (iii) Nghiên cứu và đề xuất một số phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIỚI HẠN TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ KHÁI QUÁT

PHÁP LUẬT VỀ GIỚI HẠN TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN GIỚI HẠN TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI.

Một phần của tài liệu Giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)