3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
2.3.3. Trường hợp hợp đồng phải được đăng ký
Đây là hình thức giao kết hợp đồng được pháp luật hiện hành quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau và tập trung vào một số hoạt động như các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ dân sự. Điều 298, BLSD (2015) quy định: “biện
pháp đảm bảo được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch đảm bảo có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định”. Như vậy, ngoài trường hợp do các bên thỏa thuận, đăng ký biện pháp
đảm bảo chỉ bắt buộc và có hiệu lực khi “luật có quy định”. Quy định này là phù hợp với nội dung của Điều 119, BLDS (2015): “trường hợp luật quy định giao dịch
dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”. Điều 297, Khoản 1, BLDS (2015) cũng quy định:
“trường hợp được đăng ký thì biện pháp đảm bảo phát sinh hiệu lực đối kháng đối
với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Để cụ thể hóa quy định này, Điều 23,
Khoản 2, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Dân sự (2015) về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự quy định: “trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân
sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba”. Ngoài ra, trong lĩnh vực đất đai cũng có quy
định các trường hợp giao dịch phải được đăng ký bao gồm: “việc chuyển đổi,
chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính” (Điều 188, Khoản 3, Luật
Đất đai 2013). Điều luật này khẳng định rõ hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính nhưng chưa chỉ ra được hiệu lực trong mối quan hệ với các chủ thể hay đối với chủ thể thứ ba.
Ngoài ra trong hoạt động thương mại, một số loại hợp đồng phải được đăng ký, thí dụ như hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Điều 148, Khoản 1 và 2, Luật Sở hữu trí tuệ (2005) và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định: “hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi
đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp” và “hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp”. Quy định này không chỉ thể hiện
rõ vai trò của việc đăng ký hợp đồng trong mối quan hệ với bên thứ ba mà còn thể hiện vai trò trong mối quan hệ giữa hai chủ thể của hợp đồng. Vấn đề này ít được thể hiện trên thực tế bởi phần lớn các quy định yêu cầu hợp đồng phải được đăng ký nhưng không cho biết vai trò của đăng ký trong mối quan hệ giữa các bên. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng việc để đăng ký hợp đồng ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng giữa các bên như trên là không có tính thuyết phục99. NCS đồng tình với quan điểm này, bởi mục đích của đăng ký hợp đồng là để công khai hợp đồng đối
99 Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam, Bản án và Bình luận bản án, NXB Hồng Đức, Hà Nội, Tr. 843
với người thứ ba. Còn đối với các chủ thể giao kết hợp đồng, việc xác lập hợp đồng hoàn toàn dựa trên sự tự do ý chí, sự tự do thỏa thuận của các bên và các bên đều nhận thức được sự tồn tại của hợp đồng mà các bên giao kết. Vì vậy, việc đăng ký hợp đồng hay không đăng ký hợp đồng cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng trong mối quan hệ giữa các bên. Hiện nay, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Chương II, Mục 1, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Nhìn chung, thủ tục đăng ký đối với hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã được pháp luật quy định cụ thể. Để cụ thể hóa các quy định này, Cục sở hữu trí tuệ đã có văn bản hướng dẫn, ví dụ như “Hướng dẫn đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp” với 3 phần: Phần I. Thông tin cơ bản về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Phần II. Cách thức lập và ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và Phần III. Cách thức đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp100. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quy định pháp luật về đăng ký chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Theo pháp luật hiện hành, hợp đồng theo mẫu cũng cần phải được đăng ký. Theo quy định, hợp đồng theo mẫu đối với 9 loại hàng hóa, dịch vụ phải được đăng ký bao gồm: cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sạch; truyền hình trả tiền; thuê bao cố định mặt đất; dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức trả tiền trước và sau); dịch vụ truy cập internet; vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt và mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý chung cư cung cấp101. Những hàng hóa, dịch vụ này được xác
100https://ipvietnam.gov.vn Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ, “Hướng dẫn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng công nghiệp”, truy cập ngày 22/5/2021
101 Xem Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-1-2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Quyết định số 35/2015/QĐ- TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 1 năm 2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 5 tháng 9 năm 2018 sửa đổi ; Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20-8-2015; Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2019 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-1-2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
định là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nhưng trong các văn bản pháp lý lại không giải thích rõ cụm từ “thiết yếu”. Theo từ điển tiếng Việt (1992) của Viện
ngôn ngữ học “thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Căn cứ vào Điều 4, Khoản 3, Luật Giá (2012) có thể hiểu “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng
hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Dựa trên
khái niệm này, có quan điểm cho rằng một số hàng hóa, dịch vụ được liệt kê là nhằm nâng cao giá trị cuộc sống cho con người như dịch vụ truy cập internet và mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp mà không thể hiện được tính chất “rất cần thiết, không thể thiếu được” như trong định nghĩa “thiết yếu” của Viện ngôn ngữ học102. NCS đồng tình với quan điểm này ở điểm, không nên coi mua bán căn hộ chung cư thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Mặc dù hiện nay nhu cầu mua bán căn hộ chung cư diễn ra phổ biến, nhưng không có nghĩa là việc mua bán chung cư là “rất cần thiết
và không thể thiếu được”. Đối với dịch vụ truy cập Internet thì NCS lại thừa nhận
đây là dịch vụ thiết yếu, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh như hiện nay. Công việc được triển khai thông qua việc truy cập Internet, học tập của con người cũng được thực hiện thông qua việc truy cập Internet. Bên cạnh đó, vận chuyển hành khách bằng đường bộ so với vận chuyển hành khách bằng đường sắt và vận chuyển hành khách bằng đường hàng không chiếm thị phần khá cao chiếm khoảng 71.7% (trong khi đó vận chuyển hành khách bằng đường hàng không là 31.4% và vận chuyển bằng đường sắt là thấp nhất)103. Trong khi vận chuyển hành khách bằng đường sắt và vận chuyển hành khách đường hàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng vận chuyển hành khách bằng đường bộ thì không. Đây là một thiếu sót trong quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện nay, việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với 9 loại hàng hóa, dịch vụ này là nghĩa vụ bắt buộc của các
Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20-8-2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ- TTg ngày 13-1-2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch
102 Nguyễn Thị Hằng Nga (2012), “Một số bất cập của pháp luật về đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung”, Tạp chí Nghề luật, số 4, Tr. 25
103 Khuất Việt Hùng (2020), “Tái cơ cấu vận tải, nâng cao cạnh tranh và cải thiện an toàn giao thông”, Báo Nhân dân điện tử, ngày đăng tải ngày 23/9/2020
chủ thể trước khi áp dụng. Pháp luật hiện hành cũng chưa đưa ra được chế tài cụ thể để áp dụng, nếu các chủ thể soạn thảo hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ đăng ký. Thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu được thực hiện theo Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/10/2011, cụ thể là từ Điều 10 đến Điều 14. Ngoài ra, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung còn phải tuân theo quy định pháp luật về mặt hình thức, ngôn ngữ và nội dung của hợp đồng. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải được thể hiện dưới hình thức văn bản truyền thống (nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng phải tương phản nhau), ngôn ngữ được sử dụng phải rõ ràng, dễ hiểu, cỡ chữ 12 (Điều 7, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP). Nhìn chung, việc quy định về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của pháp luật Việt Nam thể hiện rõ quan điểm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc thực thi quy định pháp luật về đăng ký hợp đồng theo mẫu hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu giữa Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng với các Sở công thương chưa có sự thống nhất liên quan đến kết luận về nội dung, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký và đăng tải hợp đồng theo mẫu lên trang cá nhân. Thí dụ: cùng một hợp đồng mẫu nhưng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ra thông báo không chấp nhận, nhưng lại được Sở công thương chấp nhận. Ngoài ra, trong một số trường hợp Cục cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai kiểm tra đối với hồ sơ đã được Sở công thương chấp nhận đăng ký thì phát hiện ra một số điều khoản chưa đảm bảo theo đúng yêu cầu của pháp luật104. Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký ở các chủ thể có thẩm quyền này cũng khác nhau. Đối với những trường hợp được thông báo không chấp nhận đăng ký hồ sơ, Cục cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hướng dẫn những nội dung chưa phù hợp và phương hướng khắc phục cụ thể. Nhưng một số Sở công thương thì lại không làm việc này. Điều đó làm cho chủ thể đăng ký hợp đồng theo mẫu lúng túng, gặp phải những khó khăn nhất định, không biết nên chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp. Việc đăng tải hợp đồng theo mẫu được được chấp nhận lên trang thông tin điện tử của các chủ thể có thẩm quyền cũng chưa thống nhất và đầy đủ. Việc tạo lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát hợp
104 Bộ công thương (2020), Báo cáo tổng kết thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn – Phụ lục 05 Công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thời kỳ 2012 – 2019 và một số vấn đề đặt ra, Tr.32
đồng theo mẫu còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thường xuyên. Từ năm 2013 đến nay, số lượng vi phạm đăng ký hợp đồng theo mẫu của Cục cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn ít, có khoảng 5 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính, gần 20 doanh nghiệp bị xử phạt với mức trung bình là 100 triệu đồng/ 1 doanh nghiệp. Ở các Sở công thương, từ năm 2012 đến nay cũng đã thành lập nhiều tổ công tác thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động này. Riêng năm 2014, các Sở công thương trên cả nước đã kiểm tra trên 600 doanh nghiệp, tỷ lệ tuân thủ chỉ đạt khoảng 82%105. Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt đông đăng ký hợp đồng theo mẫu chưa thật sự được quan tâm và chưa được tiến hành thường xuyên. Trong hợp đồng theo mẫu, rủi ro có thể xảy ra đối với người tiêu dùng, thí dụ như bên soạn thảo hợp đồng đưa ra những thông tin không đầy đủ, những thông tin có lợi cho người soạn thảo…mà những nội dung này vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký hợp đồng mẫu. Trong một số trường hợp khác, người tiêu dùng không đọc kỹ nội dung hợp đồng, chỉ tập trung vào một số điều khoản cụ thể, không rà soát các điều khoản có liên quan khác mặc dù Điều 17, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ “khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”.
Cũng có trường hợp, hợp đồng theo mẫu có nhiều thuật ngữ pháp lý nên người tiêu dùng chưa có sự hiểu biết cặn kẽ, dẫn đến rủi ro cho bản thân trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những vấn đề này của người tiêu dùng cần được tiếp tục khắc phục để quyền lợi của người tiêu dùng thật sự được đảm bảo trong thời gian tới.
Nhìn chung, yêu cầu của pháp luật hiện nay đối với một số loại hợp đồng phải đăng ký cũng được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau từ đời sống xã hội. NCS cho rằng quy định giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến vấn đề này là cần thiết, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo được quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan.
105 Nguyễn Thị Vân Anh, Trần Diệu Loan (2020), “Kiểm soát hợp đồng theo mẫu trong quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 9. Tr.70 -71