Yếu tố chu quan

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TẠI THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ, TỈNH KIÊN GIANG (Trang 39 - 40)

Thiếu kiến thức và kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp

Theo Kiweewa (2018) nhận định công việc tư vấn hướng nghiệp là công việc khó khăn và gây nản lòng. Công việc đòi hỏi thời gian và kỹ năng giao tiếp đặc biệt để một người có thể kết nối với cả những học sinh khó khăn nhất và cha mẹ của các em. Nếu giáo viên thực hiện công tác hướng nghiệp tốt, họ có thể được nhìn nhận như một phụ huynh thứ cấp mà học sinh có thể tin tưởng và tâm sự; tuy nhiên, việc phân tách vai trò phải được chú ý. Kiweewa cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh có nhiều yếu tố nguy cơ. Có thể tiềm tàng các mẫu thuẫn giữa việc định hướng nghề nghiệp và ưu tiên kiến thức trong giảng dạy. Giáo viên có thể sẽ bộc lộ xu hướng độc đoán trong giảng dạy nếu ưu tiên hướng học sinh theo một khối ngành nào đó, do đó việc hướng nghiệp cần phải cân bằng thêm yếu tố hiểu về nhu cầu phát triển của học sinh và phát triển các kỹ năng phù hợp [52]. Gysbers (2004) nhấn mạnh đến kỷ luật giữa học sinh và giáo viên khi thực hiện hướng nghiệp [46].

Theo các công trình của Jennifer M Kidd, Lynda Ali and Barbara Graham và Trần Thị Minh Đức thì cán bộ thực hành hướng nghiệp cần phải có những kiến thức và kĩ năng của một nhà tham vấn, đó là: Kĩ năng thiết lập mối quan hệ; Kĩ năng lắng nghe; Kĩ năng thấu hiểu; Kĩ năng chia sẻ; Kĩ năng quan sát; Kĩ năng phản hồi; Kĩ năng khai thác thông tin; Kĩ năng phân tích, đánh giá thông tin; Kĩ năng sử dụng các trắc nghiệm tâm lý; Kĩ năng quản lý thời gian; Kĩ năng tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý HS. Do đó, nếu GV không có những kĩ năng trên sẽ không đem lại hiệu quả cao trong hoạt động tham vấn nghề [12],[42],[50].

Quan điểm chủ quan của giáo viên trong quá trình tư vấn hướng nghiệp

Tại các quốc gia đang phát triển, bước đi mạnh mẽ nhất của chương trình định hướng nghề nghiệp tại trung học là khuyến khích học sinh theo học một trường cao đẳng hoặc đại học, đặc biệt là những cơ sở đầu ngành. Trọng tâm chính của chương trình định hướng nghề nghiệp ở trường trung học trong năm cuối là chương trình “Ngày đại học” được tổ chức hàng năm, lúc đó các giảng viên các ngành nghề tại

trường Cao đẳng, Đại học sẽ trao đổi với học sinh chủ yếu về thu nhập mà không phải về ngành học. Đây là một bất cập lớn khi học sinh không có cái nhìn về nghề nghiệp dựa trên các yếu tố tâm lý cá nhân mà trên yếu tố xã hội, kinh tế [57]. Theo Ralph Kirkman một trong những vấn đề lớn của việc định hướng nghề nghiệp là chỉ tập trung vào các ngành nghề ở cấp bậc Đại học trong khi đó bỏ qua các ngành lao động phổ thông. Tình hình thường trở nên trầm trọng hơn bởi những bậc cha mẹ cảm thấy rằng con cái họ phải có một nền giáo dục đại học [51]. Do đó, GV cần phải nhận thức được các xu hướng việc làm trong xã hội bao gồm công việc phổ thông (làm được ngay sau khi tốt nghiệp THPT) và các ngành nghề chuyên sâu cần phải đào tạo ở bậc đại học.

Tư vấn hướng nghiệp trong môi trường học đường cần thực hành trên cơ sở bình đẳng để từ đó có thể phát triển thái độ tích cực và tôn trọng sự trung thực trong công việc, giúp HS xem sự nghiệp như một cách sống và giáo dục là sự chuẩn bị cho cuộc sống. Tư vấn hướng nghiệp liên quan đến việc hỗ trợ học sinh hiểu bản thân mình, cung cấp kiến thức, thái độ về mối quan hệ giữa việc học và nghề nghiệp tương lai và cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp. Người GVCN khi thực hành hướng nghiệp cần tránh việc thể hiện cảm xúc cá nhân cũng như quan điểm chủ quan của mình về nghề nghiệp. Cũng như tránh việc phê bình và nhận định về năng lực học tập của HS.

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TẠI THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ, TỈNH KIÊN GIANG (Trang 39 - 40)