Yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TẠI THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ, TỈNH KIÊN GIANG (Trang 40)

Thời gian dành cho công tác tư vấn hướng nghiệp trong kế hoạch đào tạo

Một trong những yếu tố thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực hướng nghiệp là thiếu khung làm việc và các hình thức tổ chức mà trong đó giáo viên chủ nhiệm, giám thị, học sinh và phụ huynh có thể làm việc cùng nhau để tạo điều kiện cho học sinh quyết định ngành nghề trong tương lai. Hầu hết các thông tin giáo dục được cung cấp và tài liệu được phát cho học sinh và phụ huynh đều không chú trọng đến chủ đề định hướng nghề nghiệp mà chỉ tập trung vào chương trình học phổ thông.

Ayiro (2016) và Kiweewa (2017) nhận thấy chương trình học phổ thông cũng có liên quan đến hiệu quả định hướng nghề nghiệp. Hầu hết các môn học

hiện nay đặc biệt ở năm cuối phổ thông đều không giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp [43], [52].

Tại Việt Nam, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" đã cho thấy phần nào sự quan tâm đến hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Điều này giúp cho hoạt động hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông chính thức đưa hướng nghiệp thành một hoạt động chính thức trong năm học. Tuy nhiên các hoạt động hướng nghiệp dựa theo đề án này đòi hỏi người GVCN trước hết phải có kiến thức tốt và sau đó là các kỹ năng tổ chức cơ bản. Do đó, cần phải có các chương trình tập huấn trong suốt năm học về chủ đề tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp GVCN đáp ứng về mặt chuyên môn.

Học sinh, phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến công tác hướng nghiệp

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Trường Hân (2011) thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nguồn thông tin giúp học sinh có được sự hiểu biết về nghề nhiều nhất không đến từ phía nhà trường mà từ Internet. Nghiên cứu này cũng chỉ ra có nhiều nguyên nhân khiến học sinh đánh giá không cao vai trò của nhà trường trong việc giúp các em hiểu biết nghề, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: 53,8% học sinh đánh giá hoạt động định hướng nghề nghiệp nói chung chưa hiệu quả và 10.3% cho rằng không hiệu quả. Nghiên cứu cũng chỉ ra công tác hướng nghiệp ở các trường thực hiện chưa hiệu quả nên học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Trong đó, khó khăn lớn nhất là “Không biết nghề em chọn có những yêu cầu gì về phẩm chất và năng lực” (69.5%) và "Không biết bản thân phù hợp với nghề nào” (62.3%). Thực chất, hai nội dung này liên quan mật thiết với nhau: vì học sinh không biết rõ yêu cầu của nghề nên không biết bản thân phù hợp với nghề nào hoặc phù hợp với nghề nào hơn. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác khiến học sinh khó có thể chọn được nghề phù hợp: “Không có người am hiểu về nghề để tư vấn cho em” (61.4%), “Không biết những ngành nghề xã hội, địa phương đang cần” (57.4%), “Thiếu thông tin về trường đào tạo” (56.1%) [14].

Ayiro (2016) nhận thấy tình trạng học sinh không nắm bắt được nội dung các chương trình đào tạo nghề hay chương trình học đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông [43]. Điều này cho thấy hầu hết các em không quan tâm đến việc tìm hiểu đặc điểm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, học sinh phải đối mặt với một loạt các vấn đề cá nhân mà các em phải giải quyết để hiểu được các quyết định nghề nghiệp của mình khi ở trường như năng lực học tập, mối quan hệ giữa các cá nhân, nhu cầu xã hội, v.v... Điều này gây áp lực lớn cho học sinh bên cạnh lịch học dày đặc dẫn đến căng thẳng mãn tính và kiệt sức. Do đó học sinh thường tạm gác lại việc hướng nghiệp mà tập trung cho việc học phổ thông nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu của Mghweno và cộng sự (2014) cho thấy 87,6% học sinh chọn nghề dựa trên quyết định cá nhân của 87,6% trong khi 7,8% là do cha mẹ và chỉ có 3,1% là lựa chọn sau khi gặp giáo viên hướng nghiệp. Nghiên cứu này cũng kết luận các mối quan hệ ngang cấp như bạn bè đồng trang lứa hay anh chị có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai [55].

Về phía phụ huynh, nhận thức của cha mẹ HS về việc chọn nghề còn rất phiến diện. Gần như tuyệt đại đa số phụ huynh đều tha thiết mong muốn con em mình phải đậu ĐH. Bên cạnh đó, tâm lý chọn nghề chung của HS mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo thời thượng; chọn nghề theo “mác”, “nhãn”; chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền… mà không cần biết có phù hợp với năng lực, hứng thú, điều kiện bản thân hay không [36].

Tổng kết lại, để hướng nghiệp được thực hiện một cách tốt nhất. HS và phụ huynh cần phải:

Ý thức được sự cần thiết phải đánh giá bản thân: Để xác định nghề phù hợp, HS cần phải biết tự đánh giá bản thân trên cơ sở trình độ, năng lực, tính cách, sở thích nhu cầu, nguyện vọng, động cơ, giá trị của bản thân. Dựa trên sự nhận thức đúng về bản thân, HS sẽ dễ dàng đối chiếu, so sánh để lựa chọn cho mình một nghề phù hợp trong hệ thống nghề của xã hội. Do vậy, HS càng nhận thức rõ mình bao nhiêu thì việc lựa chọn nghề càng dễ dàng bấy nhiêu.

Chủ động tích cực trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn thông tin và phân tích các thông tin: Chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm thông tin sẽ giúp cho HS

nhanh chóng tìm được những thông tin về nghề, về trường đào tạo nghề và về thị trường lao động và dần dần sẽ xuất hiện ở các em các kĩ năng tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó đòi hỏi HS cần phải có kĩ năng lựa chọn và phân tích thông tin, nghĩa là các em phải biết thông tin mình tìm được là đúng hay sai, có điểm nào tốt và có điểm nào chưa tốt, thông tin đó giúp ích gì trong việc lựa chọn nghề. Do vậy, HS càng có kĩ năng này bao nhiêu thì việc tìm ra được những ưu điểm của nghề, những yêu cầu của nghề càng dễ dàng bấy nhiêu và điều này góp phần mang lại hiệu quả cho quá trình tham vấn và trong sự lựa chọn nghề của chính các em.

Chủ động, tích cực xin ý kiến; trao đổi, chia sẻ những băn khoăn thắc mắc với thầy cô, bạn bè, gia đình về các vấn đề liên quan đến lựa chọn ngành nghề cho bản thân: Trong quá trình định hướng nghề, quá trình chọn nghề cho bản thân HS gặp rất nhiều khó khăn, nếu như bằng kinh nghiệm của bản thân các em thì các em khó có thể giải quyết được những khó khăn đó một cách tốt nhất. HS càng chủ động, tích cực và vượt qua được những e ngại để gặp gỡ GVCN đồng thời các em sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đó để cùng GVCN tìm ra được những cách giải quyết nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Công cụ (test) hỗ trợ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Các trắc nghiệm hướng nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nghề nghiệp và nền kinh tế trong thế kỷ qua. Đánh giá này thường được sử dụng bởi các cá nhân hoặc tổ chức như trung tâm dịch vụ nghề nghiệp đại học, cố vấn nghề nghiệp, công ty nhân sự, nhân viên điều hành doanh nghiệp, tham vấn viên học đường để giúp cá nhân hiểu biết nhiều hơn quyết định nghề nghiệp [63].

Công cụ (test) hỗ trợ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh dưới hình thức có cấu trúc và không cấu trúc khác, có thể rất hữu ích cho những học sinh không chắc chắn về các khả năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, có một số nhược điểm đối với mỗi loại công cụ. Các công cụ không cung cấp được kết quả chính xác nhất đối với cá nhân mà chỉ phần nào định hướng được lựa chọn cho từng học sinh. Do đó, yếu tố giáo viên hoặc chuyên gia hướng nghiệp vẫn đặt lên hàng đầu [53].

Ngoài ra, nhiều bài kiểm tra dựa trên quan điểm của một người về chính bản thân họ. Do đó, với đối tượng học sinh không có nhận thức tốt về mình, kết quả có

thể không chính xác. Công cụ chỉ cho kết quả tốt khi học sinh nhận thức được rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của họ [53]. Do đó, giáo viên khi muốn sử dụng công cụ cần phải được tập huấn.

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo

Sự quan tâm của các cấp quản lí thể hiện ở sự quan tâm đối với GV thực hiện hướng nghiệp thông qua sự động viên, khích lệ GV khi họ thực hiện công việc. Bên cạnh đó còn thể hiện ở sự nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của hướng nghiệp, xây dựng được lực lượng chuyên trách và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn cho các lực lượng này. Mặc dù đạt được những thành tựu và có sự phát triển nhất định trên khắp thế giới tuy nhiên cá chương trình tư vấn hướng nghiệp vẫn gặp phải nhiều thách thức. Giám sát kém các chương trình hướng nghiệp học đường dẫn đến hiệu quả không đồng đều, bên cạnh đó là yếu tố kinh phí duy trì các chương trình không ổn định và nhận thức vẫn chưa cao ở phụ huynh về tầm quan trọng của tư vấn hướng nghiệp [57].

Các trường THPT chưa có đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hướng nghiệp được đào tạo bài bản, đặc biệt là ở khâu tư vấn hướng nghiệp. Giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp của các trường chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm chứ chưa có giáo viên hướng nghiệp chuyên trách. Các thầy cô không có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về thế giới nghề nghiệp vốn dĩ vô cùng đa dạng và phức tạp. Điều kiện cơ sở vật chất lẫn kinh phí đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp (trong đó có tư vấn hướng nghiệp) ở phần lớn các trường THPT còn hạn chế. Nhiều trường chưa có phòng tư vấn hướng nghiệp, chưa có nguồn tài liệu phong phú về thế giới nghề nghiệp để giới thiệu đến học sinh [14].

Bên cạnh đó là sự đầu tư về cơ sở vật chất. Phòng phục vụ cho hướng nghiệp cần có đầy đủ về trang thiết bị, các phương tiện nghe nhìn, công cụ, những nguồn tài liệu, bàn ghế rời phù hợp cho việc làm việc nhóm, làm việc cá nhân.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần đầu tư, hỗ trợ, liên hệ với các cơ sở lao động, để cho các em HS có điều kiện đến học hỏi, tìm hiểu để có những lựa chọn về ngành nghề phù hợp định hướng cho tương lai.

Tiểu kết chương 1

Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu tư vấn hướng nghiệp, nhưng kỹ năng tư vấn hướng nghiệp với khách thể đặc thù là GVCN ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu.

Ngoài kiến thức nghề, thị trường lao động và xã hội thì người giáo viên rất cần được trang bị kỹ năng tư vấn hướng nghiệp để định hướng giúp các em HS lựa chọn nghề nghiệp của mình sao cho phù hợp với năng lực, sở thích, nhu cầu của xã hội.

Ngoài công tác giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp là một trong những công việc của giáo viên. Hướng nghiệp có thể tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau: lồng ghép vào nội dung chương trình giảng dạy các môn học, các hoạt động tham quan các cơ sở lao động, tư vấn trực tiếp hoặc qua email giữa GV – HS.

Kỹ năng tư vấn hướng nghiệp của GVCN được đánh giá thông qua việc tự đánh giá của chính GV và dựa trên phản hồi của HS qua các kỹ năng thành phần bao gồm: (1) Kỹ năng tiếp cận và đánh giá học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, (2) Kỹ năng tìm kiếm thông tin liên quan đến lĩnh vực chọn nghề của học sinh, (3) Kỹ năng tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh và (4) Kỹ năng tự kiểm tra và đánh giá kết quả công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Ngoài những thuận lợi và thành công của công tác hướng nghiệp những năm gần đây do đã được đầu tư, đẩy mạnh các cấp chính quyền và ban ngành thì việc triển khai tại cấp THPT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn bao gồm các yếu tố chủ quan như tình trạng thiếu kiến thức và kỹ năng về nghề nghiệp ở GVCN cũng như việc quá trình hướng nghiệp bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của chính GV, đặc biệt là bởi chuyên môn giảng dạy của GV. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác hướng nghiệp ở GVCN bao gồm thời gian dành cho công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong kế hoạch đào tạo chưa thật sự nhiều, chính học sinh và phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến công tác hướng nghiệp, thiếu các trắc nghiệm và công cụ hỗ trợ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Chương 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Tổ chức nghiên cứu

2.1.1. Địa bàn và khách thể nghiên cứu

2.1.1.1. Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đây một trong những địa phương đang phát triển và có những bước tiến đáng kể về kinh tế, văn hóa, chính trị, giáo dục trong những năm gần đây.

Ba trường được lựa chọn để khảo sát bao gồm:

- Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt là một trong những trường lớn nhất, và cũng là trường chuyên duy nhất của tỉnh Kiên Giang. Được thành lập năm 1989, nhà trường không ngừng đầu tư, phát triển về cơ sở vật chất, số lượng học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trường cũng đã được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia tại tỉnh Kiên Giang. Ngoài việc bố trí các phòng học sạch sẽ, rộng rãi, với các thiết bị đầy đủ như máy chiếu, ti vi, các thiết bị âm thanh hỗ trợ giảng dạy... trường cũng có đầu tư đầy đủ các phòng chức năng như: phòng thí nhiệm, phòng tin học, thư viện, khu liên hợp thể dục, thể thao, nhà văn hóa... đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để hỗ trợ các em HS có môi trường học tập tốt nhất.

- Trường THPT Nguyễn Trung Trực là trường THPT đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Tháng 10 năm 1951, trường được phép thành lập và đi vào hoạt động với tên “Collège de Rạch Giá” gồm hai lớp đệ thất có 90 học sinh (63 nam và 27 nữ), dạy tại hai phòng học mượn của Trường Nam tiểu học Tỉnh lỵ (nay là Trường trung học cơ sở Hùng Vương thị xã Rạch Giá), giảng dạy đầu tiên bằng tiếng Pháp. Bằng sự nỗ lực, phát triển không ngừng, đến nay trường đã có thêm ba dãy phòng học 3 tầng, nhà đa năng, sân thể dục thể thao… Hiện nay nhà trường có tất cả 115 cán bộ, giáo viên và công nhân viên, có 2580 học sinh chia làm 48 lớp (khối 10 có 15 lớp, khối 11 có 17 lớp, khối 12 có 16 lớp. Công tác chuyên môn luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, hằng năm được đầu tư thiết bị đáp ứng tốt công việc dạy và học, nhà trường đã có nhiều biện pháp đồng bộ nâng cao phẩm

chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên.

- Trường THPT Phó Cơ Điều được thành lập vào năm 1963, toạ lạc lô K3-8 Lê Hồng Phong, phường An Hòa, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (gần Khu đô thị Phú Cường). Khuôn viên trường THPT Phó Cơ Điều hiện nay diện tích rộng rãi, có sân chơi bãi tập có nơi sinh hoạt tập thể, sân trường xanh sạch đẹp; có phòng máy vi tính, thư viện, hầu hết phòng học đều được trang bị TV màn hình lớn phục vụ việc giảng dạy và học tập có ứng dụng công nghệ thông tin. Trong suốt những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song, thầy và trò Trường THPT Phó Cơ Điều đã đạt

Một phần của tài liệu KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM TẠI THÀNH PHỐ RẠCH GIÁ, TỈNH KIÊN GIANG (Trang 40)