III. TUYẾN ĐIỂM CỤ THỂ
3.1.1. Tổng quan về tỉnh Khánh Hoà
– Diện tích: 5.217,7km2
– Dân số: 1.231.107 người (Tính đến 01/04/2019). – Tỉnh lỵ: Thành phố Nha Trang.
– Dân tộc: Kinh, Ra Glai, Hoa, Cơ Ho,... – Đơn vị hành chính:
+ Thị xã: Cam Ranh
+ Huyện: Vạn Ninh, Ninh Hoà, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Trường Sa, Cam Lâm.
Khánh Hoà là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có quần đảo Trường Sa nằm ở điểm cực Đông Việt Nam, nơi nhận được ánh nắng ban mai sớm nhất nước, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây hội đủ các dạng địa hình cơ bản: vùng núi bán sơn địa, đồng bằng duyên hải, biển, bờ biển và các đảo, quần đảo, như một hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ, có rừng núi, đồng bằng, miền ven biển, hải đảo. Đặc điểm này tạo điều kiện cho Khánh Hoà phát triển kinh tế toàn diện và quan trọng nhất là thế tổng hợp kinh tế biển.
Khánh Hoà nằm trên các đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và thế giới. Đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nối liền Khánh Hoà với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đường quốc lộ 26 nối liền Khánh Hoà với các tỉnh Tây Nguyên. Sân bay Cam Ranh, Nha Trang và các cảng Cam Ranh, Nha Trang, Hòn Khói nối liền Khánh Hoà với cả nước và quốc tế.
Bờ biển dài 385km, có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo thuộc huyện Trường Sa có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng. Biển Khánh Hoà có nhiều đặc sản như tôm, mực, các loại cá biển Bắc, biển nhiệt đới,... đặc biệt là yến sào, một đặc sản có giá trị quý như vàng, khiến từ lâu vùng quê này được mệnh danh “xứ trầm, biển yến”. Vào tháng 5/2003, vịnh Nha Trang đã được công nhận là thành viên chính thức của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.
Khánh Hoà không chỉ là một trong những tỉnh có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng mà còn là nơi có truyền thống văn hoá lâu đời và truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Khánh Hoà còn có những công trình kiến trúc lâu đời có giá trị như Tháp Bà, Kim thân Phật tổ; tỉnh cũng có nhiều trường Đại học, Học viện, các Trung tâm Khoa học lớn có tầm quan trọng cả nước như Viện Pasteur, Viện Vắc – xin, Viện nghiên cứu biển, Đại học thủy sản,...
Người dân Khánh Hoà sống trong cảnh vật mà thiên nhiên ban tặng cho một vùng duyên hải với những bãi cát trắng mịn, những rạng san hô kỳ ảo dưới lòng đại dương và những công trình cổ kính,... đã tạo nên tính cách chân thành, thân thiện, hiếu khách, cần cù và giản dị của người dân Khánh Hoà – giống như vùng biển Khánh Hoà kín gió, sóng nhẹ.
Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử – văn hoá đã đem lại cho tỉnh Khánh Hoà một tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Thành phố Nha Trang, Trung tâm Chính trị – Kinh tế – Văn hoá của Khánh Hoà hiện được xác định là một trong top 10 trung tâm dịch vụ lớn của cả nước.
3.1.2. Lịch sử hình thành
Khánh Hoà là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, tại đây đã từng tồn tại một nền văn hoá Xóm Cồn, có niên đại lâu trước cả Sa Huỳnh.
Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1653 vua Chăm là Bà Thắm sai quân quấy nhiễu biên cảnh, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc chống giữ, nhân đêm tối vượt núi Thạch Bi, tiến đến tận sông Phan Lang (Rang). Vua Chăm sai con mang thư hàng và xin dâng đất cho chúa từ phía Đông sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa Nguyễn chấp thuận, đặt dinh Thái Khang chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh gồm 5 huyện là Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương (thuộc phủ Diên Ninh) ở phía Nam; huyện Tân Định, Quảng Phước (thuộc phủ Thái Khang), giao cho Hùng Lộc trấn thủ.
Như vậy, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính, chúa Nguyễn đã đưa vùng đất Khánh Hoà ngày nay hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Sự kiện lịch sử này được coi như là mốc thời gian mở đầu cho sự hình thành địa phận hành chính tỉnh Khánh Hoà ngày nay.
Tên tỉnh Khánh Hoà được xác lập vào năm 1832 dưới triều Minh Mạng. Trong tiếng Hán, chữ “Khánh” thuộc bộ tâm, quy định nét nghĩa liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, tính cách… nghĩa gốc là “mừng” rồi chuyển loại mang nghĩa “chúc mừng” và “việc mừng, lễ mừng”. Chữ Hòa tạm hiểu là đồng thuận, hòa hợp. Khánh Hoà bao gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Điền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hoà gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Định.
Trải qua triều Nguyễn, thời thuộc Pháp, tỉnh lỵ đóng tại thành Diên Khánh. Đến đầu 1945 chuyển về đóng tại thị xã Nha Trang (nay là thành phố Nha Trang) cho đến nay.
Sau khi miền Nam hoàn toàm giải phóng, ngày 29/10/1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà được hợp nhất thành một tỉnh mới là tỉnh Phú Khánh.
Ngày 30/3/1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố Nha Trang. Ngày 28/12/1982, Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ 4 đã quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 30/6/1989, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 5 đã quyết định chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh mới là Khánh Hoà và Phú Yên.
Cho đến nay, Khánh Hoà có sáu huyện là Vạn Ninh, Ninh Hoà, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Trường Sa; thị xã Cam Ranh và thành phố Nha Trang. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Nha Trang. Khánh Hoà có hai huyện miền núi là Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và một huyện đảo Trường Sa.
3.1.3. Tài nguyên du lịch tự nhiên
❖ Địa hình:
Do bị một số dãy núi phân cắt, cho nên địa hình đồng bằng Khánh Hoà đã hình thành 3 vùng riêng biệt:
+ Đồng bằng Vạn Ninh – Ninh Hoà: Diện tích khoảng 200km2, độ cao tuyệt đối 5 – 15m, bề mặt địa hình nghiêng về phía Đông Nam.
+ Đồng bằng Diên Khánh – Nha Trang: Diện tích gần 300km2, phần phía Tây dọc sông Chò từ Khánh Bình đến Diên Đông bị bóc mòn, độ cao tuyệt đối từ 10 – 20m, phần phía Đông là địa hình tích tụ độ cao tuyệt đối dưới 10m, bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dòng chảy.
+ Đồng bằng Cam Ranh: Diện tích khoảng 200km2 bằng phẳng, ít phân cắt, độ cao tăng dần về phía Tây từ 20 – 30km.
So với cả nước, Khánh Hoà là một tỉnh có địa hình tương đối cao, độ cao trung bình so với mực nước biển của tỉnh Khánh Hoà khoảng 60m. Núi ở Khánh Hoà tuy hiếm những đỉnh cao chót vót, phần lớn chỉ trên dưới 1.000m nhưng gắn với dải Trường Sơn, lại là phần cuối phía cực Nam nên địa hình núi khá đa dạng, tạo ra nhiều cảnh đẹp. Phía Bắc và Tây Bắc tỉnh có dãy Tam Phong cùng với dãy núi Đại Lãnh làm thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Ngoài dãy Tam Phong, vùng này còn có các núi khác có độ cao từ 1000m như: núi Dốc Mõ, núi Đại Đa Đa, núi Hòn Chảo, Hòn Chát,....
Các núi thuộc đoạn giữa của tỉnh về phía Nam thuộc các địa phận Ninh Hoà, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh thường có độ cao kém hơn, có nhiều nhánh đâm ra sát biển, tạo nên nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, gắn với những huyền thoại dân gian và di tích lịch sử, cách mạng của địa phương như núi Chúa, Hòn Ngang, Hòn
Bà, Hòn Cù Lao, Hòn Chồng, Hòn Dung, Hòn Dữ, núi Đồng Bò, núi Xưởng (đồi Trại Thủy), núi Sinh Trung, núi Chụt,...
Hai huyện miền núi phía Tây tỉnh là Khánh Sơn, Khánh Vĩnh núi rừng chiếm hầu hết diện tích, có nhiều núi cao hiểm trở, trong đó có các đỉnh núi cao trên 1.000m như: Hòn Giao (2.062m), núi Chư Tông (1.717m), Chư Bon Gier (1.967m), Chư Bon Giang (1.418m), Hòn Tiêu Quang (1.743m), Hòn Gia Lo (1.812m),...
❖ Khí hậu:
Khánh Hoà là một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song, khí hậu Khánh Hoà có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh, thành phía Bắc từ Đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở Khánh Hoà tương đối ôn hoà hơn. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, tập trung vào 2 tháng 10 và 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hoà cao khoảng 26,7°C riêng trên đỉnh núi Hòn Bà (cách Nha Trang 30km đường chim bay) có khí hậu như Đà Lạt và SaPa. Độ ẩm tương đối khoảng 80,5%. Từ tháng 1 đến tháng 8, có thể coi là mùa khô, thời tiết thay đổi dần. Những tháng đầu mùa, trời mát, nhiệt độ từ 17 – 25°C, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 trời nóng nực, nhiệt độ có thể lên tới 34°C (ở Nha Trang) và 37 – 38°C (ở Cam Ranh). Tháng 9 đến tháng 12, được xem như mùa mưa, nhiệt độ thay đổi từ 20 – 27°C (ở Nha Trang) và 20 – 26°C (ở Cam Ranh).
Khánh Hòa là vùng ít gió bão, tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển nước ta, các trận bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa trong những năm gần đây thường lệch hướng vào Nam hoặc tan ngay khi gần vào bờ. Tuy vậy, do địa hình sông suối có độ dốc cao nên khi có bão kèm theo mưa lớn, làm nước dâng cao nhanh chóng, trong khi đó sóng bão và triều dâng lại cản đường nước rút ra biển, nên thường gây ra lũ lụt, tác hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
❖ Thủy văn:
Sông ngòi ở Khánh Hòa nhìn chung ngắn và dốc, cả tỉnh có khoảng 40 con sông dài từ 10km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày. Hầu hết, các con sông đều bắt nguồn tại vùng núi phía Tây trong tỉnh và chảy xuống biển phía Đông. Dọc bờ biển, cứ khoảng 5 – 7km có một cửa sông.
Mặc dù hướng chảy cơ bản của các sông là hướng Tây – Đông, nhưng tùy theo hướng của mạch núi kiến tạo hoặc do địa hình cục bộ, dòng sông có thể uốn lượn theo các hướng khác nhau trước khi đổ ra biển Đông. Đặc biệt là sông Tô
Hạp, bắt nguồn từ dãy núi phía Tây của huyện Khánh Sơn, chảy qua các xã Sơn Trung, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi chảy về phía Ninh Thuận. Đây là con sông duy nhất của tỉnh chảy ngược dòng về phía Tây. Hai dòng sông lớn nhất tỉnh là Sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa):
+ Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) có chiều dài 79km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Sông Cái Nha Trang có 7 phụ lưu, bắt nguồn ở độ cao từ 900 – 2.000m nhưng lại rất ngắn, thường dưới 20km nên độ dốc rất lớn tạo nhiều ghềnh thác ở thượng lưu. + Sông Dinh chảy ngang qua huyện Ninh Hòa chảy ra cửa biển Hà Liên đổ vào vịnh Nha Phu.
Bờ biển tỉnh Khánh Hòa kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385km (tính theo mép nước) với nhiều cửa lạch, đầm vịnh, với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa. Dọc theo bờ biển từ Đại Lãnh trở vào đến Ghềnh Đá Bạc, Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, vịnh Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh. Trong đó nổi bật nhất vịnh Cam Ranh với chiều dài 16km, chiều rộng 32km, thông với biển thông qua eo biển rộng 1,6km, có độ sâu từ 18 – 20m, và thường được xem là cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á.
Vịnh Cam Ranh là một địa thế quân sự quan trọng, được quân Pháp dùng làm căn cứ hải quân, quân Nga sử dụng vào chiến tranh Nga – Nhật vào đầu thế kỷ XX, quân Nhật dùng để xâm chiếm Malaysia vào Đệ nhị thế chiến và được quân đội Hoa Kỳ phát triển thành một khu căn cứ quân sự trong thời chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, vịnh này được cho quân đội Liên Xô thuê làm căn cứ đến năm 2004. Từ đó đến nay, cảng Cam Ranh không còn là cảng quân sự và đã được chính phủ khai thác để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
❖ Các điểm tham quan du lịch:
Vịnh Cam Ranh
Vịnh Cam Ranh thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km² và độ sâu trung bình 18 – 20m nước.
Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ mang trải dài như một dải lụa xanh thẳm, chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn – được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm. Du thuyền trên vịnh như “đi trên thảm”
bởi không có sóng lớn... Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.
Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... Xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ). Cảng thương mại trong vịnh Cam Ranh có tên là cảng Đá Bạc tại thị trấn Ba Ngòi, vì vậy còn có tên là cảng Ba Ngòi.
Bãi Dài
Bãi biển Bãi Dài (Cam Ranh) uốn quanh dài trên 10km, nhìn xa tít là những hòn đảo chắn biển. Vẻ hoang sơ của nó khiến du khách phải nao lòng....
Bãi Dài như nàng công chúa bị đánh thức sau bao năm nằm ngủ. Từ khi con đường dài 21km nối liền khu vực nam sông Lô, Nha Trang đến sân bay Cam Ranh được đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2004 thì Bãi Dài trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Theo quy hoạch, trong tương lai khu vực Bãi Dài sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm phía nam Khánh Hoà với tổng diện tích 200ha. Tại đây sẽ hình thành các khu du lịch với những resort 3 – 4 sao. Nhưng đó là tương lai xa, còn bây giờ bạn vẫn có thể đến Bãi Dài để tận hưởng vẻ đẹp lạ lùng của một vùng biển hoang sơ.
Bãi biển Bãi Dài có cát mịn và rất sạch. Trong những ngày biển êm, triều rút xa thì biển lộ ra cả một vùng cát rộng mênh mông (thế nên có tên gọi là Bãi Dài). Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi gặp những chú còng biển nhỏ, xinh xinh cứ nô đùa trên cát mà chẳng hề sợ người. Bãi tắm ở đây cạn, an toàn, kể cả những người không biết bơi. Thú tắm biển ở Bãi Dài khác với thú tắm biển ở Nha Trang, vì bạn có cảm giác như biển ở đây gần như chưa có ai đến. Sát ngay bãi cát biển, mỗi hộ buôn bán đều đào một giếng nước ngọt với độ sâu chừng 2m, du khách được sử dụng miễn phí.
Cuộc hành trình đến Bãi Dài còn phải là một cuộc hành trình khám phá. Cát ở đây rất trắng, một màu trắng thuần khiết tạo nên những ngọn đồi cát tuyệt đẹp. Những rừng cây nhỏ, dây leo chằng chịt bám víu vào cát tạo ra những thảm xanh tươi mát. Cây dương được trồng nhiều ở đây tạo thành những cánh rừng lãng mạn trốn trong đồi cát trắng. Leo lên đồi, rồi chọn bóng mát dưới rừng dương, bạn đã có dịp tận hưởng một ngày riêng với Bãi Dài.
Vịnh Vân Phong