III. TUYẾN ĐIỂM CỤ THỂ
3.1.3. Tài nguyên du lịch tự nhiên
❖ Địa hình:
Do bị một số dãy núi phân cắt, cho nên địa hình đồng bằng Khánh Hoà đã hình thành 3 vùng riêng biệt:
+ Đồng bằng Vạn Ninh – Ninh Hoà: Diện tích khoảng 200km2, độ cao tuyệt đối 5 – 15m, bề mặt địa hình nghiêng về phía Đông Nam.
+ Đồng bằng Diên Khánh – Nha Trang: Diện tích gần 300km2, phần phía Tây dọc sông Chò từ Khánh Bình đến Diên Đông bị bóc mòn, độ cao tuyệt đối từ 10 – 20m, phần phía Đông là địa hình tích tụ độ cao tuyệt đối dưới 10m, bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dòng chảy.
+ Đồng bằng Cam Ranh: Diện tích khoảng 200km2 bằng phẳng, ít phân cắt, độ cao tăng dần về phía Tây từ 20 – 30km.
So với cả nước, Khánh Hoà là một tỉnh có địa hình tương đối cao, độ cao trung bình so với mực nước biển của tỉnh Khánh Hoà khoảng 60m. Núi ở Khánh Hoà tuy hiếm những đỉnh cao chót vót, phần lớn chỉ trên dưới 1.000m nhưng gắn với dải Trường Sơn, lại là phần cuối phía cực Nam nên địa hình núi khá đa dạng, tạo ra nhiều cảnh đẹp. Phía Bắc và Tây Bắc tỉnh có dãy Tam Phong cùng với dãy núi Đại Lãnh làm thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Ngoài dãy Tam Phong, vùng này còn có các núi khác có độ cao từ 1000m như: núi Dốc Mõ, núi Đại Đa Đa, núi Hòn Chảo, Hòn Chát,....
Các núi thuộc đoạn giữa của tỉnh về phía Nam thuộc các địa phận Ninh Hoà, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh thường có độ cao kém hơn, có nhiều nhánh đâm ra sát biển, tạo nên nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, gắn với những huyền thoại dân gian và di tích lịch sử, cách mạng của địa phương như núi Chúa, Hòn Ngang, Hòn
Bà, Hòn Cù Lao, Hòn Chồng, Hòn Dung, Hòn Dữ, núi Đồng Bò, núi Xưởng (đồi Trại Thủy), núi Sinh Trung, núi Chụt,...
Hai huyện miền núi phía Tây tỉnh là Khánh Sơn, Khánh Vĩnh núi rừng chiếm hầu hết diện tích, có nhiều núi cao hiểm trở, trong đó có các đỉnh núi cao trên 1.000m như: Hòn Giao (2.062m), núi Chư Tông (1.717m), Chư Bon Gier (1.967m), Chư Bon Giang (1.418m), Hòn Tiêu Quang (1.743m), Hòn Gia Lo (1.812m),...
❖ Khí hậu:
Khánh Hoà là một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song, khí hậu Khánh Hoà có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh, thành phía Bắc từ Đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở Khánh Hoà tương đối ôn hoà hơn. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, tập trung vào 2 tháng 10 và 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hoà cao khoảng 26,7°C riêng trên đỉnh núi Hòn Bà (cách Nha Trang 30km đường chim bay) có khí hậu như Đà Lạt và SaPa. Độ ẩm tương đối khoảng 80,5%. Từ tháng 1 đến tháng 8, có thể coi là mùa khô, thời tiết thay đổi dần. Những tháng đầu mùa, trời mát, nhiệt độ từ 17 – 25°C, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 trời nóng nực, nhiệt độ có thể lên tới 34°C (ở Nha Trang) và 37 – 38°C (ở Cam Ranh). Tháng 9 đến tháng 12, được xem như mùa mưa, nhiệt độ thay đổi từ 20 – 27°C (ở Nha Trang) và 20 – 26°C (ở Cam Ranh).
Khánh Hòa là vùng ít gió bão, tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển nước ta, các trận bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa trong những năm gần đây thường lệch hướng vào Nam hoặc tan ngay khi gần vào bờ. Tuy vậy, do địa hình sông suối có độ dốc cao nên khi có bão kèm theo mưa lớn, làm nước dâng cao nhanh chóng, trong khi đó sóng bão và triều dâng lại cản đường nước rút ra biển, nên thường gây ra lũ lụt, tác hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
❖ Thủy văn:
Sông ngòi ở Khánh Hòa nhìn chung ngắn và dốc, cả tỉnh có khoảng 40 con sông dài từ 10km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày. Hầu hết, các con sông đều bắt nguồn tại vùng núi phía Tây trong tỉnh và chảy xuống biển phía Đông. Dọc bờ biển, cứ khoảng 5 – 7km có một cửa sông.
Mặc dù hướng chảy cơ bản của các sông là hướng Tây – Đông, nhưng tùy theo hướng của mạch núi kiến tạo hoặc do địa hình cục bộ, dòng sông có thể uốn lượn theo các hướng khác nhau trước khi đổ ra biển Đông. Đặc biệt là sông Tô
Hạp, bắt nguồn từ dãy núi phía Tây của huyện Khánh Sơn, chảy qua các xã Sơn Trung, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi chảy về phía Ninh Thuận. Đây là con sông duy nhất của tỉnh chảy ngược dòng về phía Tây. Hai dòng sông lớn nhất tỉnh là Sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa):
+ Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) có chiều dài 79km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Sông Cái Nha Trang có 7 phụ lưu, bắt nguồn ở độ cao từ 900 – 2.000m nhưng lại rất ngắn, thường dưới 20km nên độ dốc rất lớn tạo nhiều ghềnh thác ở thượng lưu. + Sông Dinh chảy ngang qua huyện Ninh Hòa chảy ra cửa biển Hà Liên đổ vào vịnh Nha Phu.
Bờ biển tỉnh Khánh Hòa kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385km (tính theo mép nước) với nhiều cửa lạch, đầm vịnh, với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa. Dọc theo bờ biển từ Đại Lãnh trở vào đến Ghềnh Đá Bạc, Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, vịnh Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh. Trong đó nổi bật nhất vịnh Cam Ranh với chiều dài 16km, chiều rộng 32km, thông với biển thông qua eo biển rộng 1,6km, có độ sâu từ 18 – 20m, và thường được xem là cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á.
Vịnh Cam Ranh là một địa thế quân sự quan trọng, được quân Pháp dùng làm căn cứ hải quân, quân Nga sử dụng vào chiến tranh Nga – Nhật vào đầu thế kỷ XX, quân Nhật dùng để xâm chiếm Malaysia vào Đệ nhị thế chiến và được quân đội Hoa Kỳ phát triển thành một khu căn cứ quân sự trong thời chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, vịnh này được cho quân đội Liên Xô thuê làm căn cứ đến năm 2004. Từ đó đến nay, cảng Cam Ranh không còn là cảng quân sự và đã được chính phủ khai thác để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
❖ Các điểm tham quan du lịch:
Vịnh Cam Ranh
Vịnh Cam Ranh thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh được xem là một trong ba vịnh thiên nhiên tốt và đẹp nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60km² và độ sâu trung bình 18 – 20m nước.
Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ mang trải dài như một dải lụa xanh thẳm, chỗ hẹp nhất khoảng 10km, rộng nhất 20km. Vịnh gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây. Phía nam vịnh là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn – được ví như một cánh tay ôm lấy vịnh, tạo thành một vành đai nên mặt nước luôn êm đềm. Du thuyền trên vịnh như “đi trên thảm”
bởi không có sóng lớn... Quanh năm nắng ấm chan hòa, bầu trời trong xanh tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.
Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... Xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ). Cảng thương mại trong vịnh Cam Ranh có tên là cảng Đá Bạc tại thị trấn Ba Ngòi, vì vậy còn có tên là cảng Ba Ngòi.
Bãi Dài
Bãi biển Bãi Dài (Cam Ranh) uốn quanh dài trên 10km, nhìn xa tít là những hòn đảo chắn biển. Vẻ hoang sơ của nó khiến du khách phải nao lòng....
Bãi Dài như nàng công chúa bị đánh thức sau bao năm nằm ngủ. Từ khi con đường dài 21km nối liền khu vực nam sông Lô, Nha Trang đến sân bay Cam Ranh được đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2004 thì Bãi Dài trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Theo quy hoạch, trong tương lai khu vực Bãi Dài sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm phía nam Khánh Hoà với tổng diện tích 200ha. Tại đây sẽ hình thành các khu du lịch với những resort 3 – 4 sao. Nhưng đó là tương lai xa, còn bây giờ bạn vẫn có thể đến Bãi Dài để tận hưởng vẻ đẹp lạ lùng của một vùng biển hoang sơ.
Bãi biển Bãi Dài có cát mịn và rất sạch. Trong những ngày biển êm, triều rút xa thì biển lộ ra cả một vùng cát rộng mênh mông (thế nên có tên gọi là Bãi Dài). Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi gặp những chú còng biển nhỏ, xinh xinh cứ nô đùa trên cát mà chẳng hề sợ người. Bãi tắm ở đây cạn, an toàn, kể cả những người không biết bơi. Thú tắm biển ở Bãi Dài khác với thú tắm biển ở Nha Trang, vì bạn có cảm giác như biển ở đây gần như chưa có ai đến. Sát ngay bãi cát biển, mỗi hộ buôn bán đều đào một giếng nước ngọt với độ sâu chừng 2m, du khách được sử dụng miễn phí.
Cuộc hành trình đến Bãi Dài còn phải là một cuộc hành trình khám phá. Cát ở đây rất trắng, một màu trắng thuần khiết tạo nên những ngọn đồi cát tuyệt đẹp. Những rừng cây nhỏ, dây leo chằng chịt bám víu vào cát tạo ra những thảm xanh tươi mát. Cây dương được trồng nhiều ở đây tạo thành những cánh rừng lãng mạn trốn trong đồi cát trắng. Leo lên đồi, rồi chọn bóng mát dưới rừng dương, bạn đã có dịp tận hưởng một ngày riêng với Bãi Dài.
Vịnh Vân Phong
Vịnh Vân Phong cách Nha Trang về phía Bắc hơn 30km theo đường chim bay, 60km đường bộ và 40 hải lý theo đường biển.
Hòn Quéo – Mỹ Giàng, Hòn Tai – Mũi Cò, Mũi Gành - Hòn Trâu Nằm, Khải Lương – bán đảo Hòn Gốm, Hòn Đô – Vạn Thạnh, Đầm Môn, Xóm Cồn, Mũi Hòn Ngang, Vĩnh Yên – Vạn Thọ, Tân Phước, Hải Triều, Ninh Lâm, Vạn Thắng – Xóm Hộ, Vạn Giã, Xuân Tự, Xuân Hòa, Xuân Mỹ, Ninh Hải – Đông Hải, Ninh Thủy, Bãi Tre, Hòn Lớn, Vạn Thạnh, Mũi Gành Rồng, Hòn Đen, Hòn Me, Hòn Dung, Hòn Vung, Hòn Bịp – Mũi Đá Son.
Phía Tây vịnh Vân Phong (cách bờ vịnh 20 – 30km) là phần kéo dài của dãy Trường Sơn. Phía Đông Nam cửa Vịnh rộng 17km thông ra biển Đông. Phía Đông Bắc là bán đảo Hòn Gốm gồm các dãy núi nhỏ và cồn cát kéo dài nên tránh được sóng. Phía Đông Nam nằm giữa bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và đảo Cổ Cò, là dải nước hẹp có chiều rộng 200m có độ sâu trung bình 25m, là kênh đào tự nhiên rất thuận lợi. Tổng diện tích khu vực này khoảng 150.000ha; trong đó diện tích mặt nước vùng vịnh khoảng 80.000ha và diện tích đất liền khoảng 70.000ha. Khu vực này có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát hấp dẫn và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhà nghiên cứu đầu tư phát triển thì Vân Phong là nơi có tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á để phát triển du lịch sinh thái, có sức thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Hiện nay trong khu vực này có nhà máy đóng tàu biển Huyndai - Vinashin; Xí nghiệp tuyển cát xuất khẩu và cảng cát Đầm Môn...; Nông nghiệp có nuôi trồng thủy sản (năm 2002 có 900ha nuôi tôm sú, thu 1.500 tấn và có 5.100 lồng nuôi tôm hùm, cá mú được 250 tấn); về du lịch có các khu du lịch Dốc Lết, Đại Lãnh, Hòn Sơn – Suối Hoa Lan, Hòn Ông – Đầm Môn.
Hòn Ông
Hòn Ông là một đảo nhỏ nằm trong vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là điểm du lịch của Khánh Hòa vẫn giữ được vẻ hoang sơ với những dải cát trắng mịn bên bờ biển xanh tinh khiết. Biển ở đây sạch và xanh đến lạ kỳ. Nếu đến đây vào khoảng giữa tháng hai và tháng năm (mùa ruốc) hoặc sứa sinh sản, du khách sẽ được chứng kiến cảnh đàn cá voi tung tăng đùa giỡn gần bờ để săn mồi chúng yêu thích. Dải cát trắng mịn thoai thoải theo triền các gờ đá nổi lô nhô tạo nên một phong cảnh nên thơ, êm ả. Hương biển tinh khiết quyện với hơi gió mặn mòi phả vào mặt đem lại cho ta cảm giác dễ chịu khó quên. Sau khi đắm mình trong thiên nhiên, tận hưởng thú du ngoạn thuyển buồm, bơi lặn, câu cá..., bạn có thể lên núi thăm nhà sàn dân tộc với kiểu kiến trúc độc đáo ngay trên đảo, thưởng thức những món ăn hải sản tươi rói như: tôm hùm hấp, rắn biển chiên, xào, sò nướng mỡ hành thơm nức mũi…
Thú nhất là được tắm biển sớm, ngắm bình minh lên giữa bầu không khí trong lành. Nghỉ ngơi một chút lại có mặt trên thuyền ra khơi tham quan thế giới san hô đủ màu sắc có những bầy cá hiền hòa bơi lội xung quanh.
Ðảo Hòn Ông nhỏ nhắn phủ đầy một màu xanh, trông xa chỉ thấy hàng dừa vươn cao lá, nghỉ ngơi tại đây để có giây phút bình yên sau những tất bật mệt nhọc của đời thường.
Khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu, Hòn Lao, Hòn Thị
Khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu, Hòn Lao, Hòn Thị thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố biển Nha Trang 15km về phía Bắc. Vịnh Nha Phu quanh năm sóng lượn êm đềm, giữa biển trời trong xanh, cụm đảo thơ mộng như những cánh buồm no gió lao ra biển khơi xa.
Ở đây có Hòn Lao, Hòn Thị đã trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến xứ Trầm Hương. Hòn Lao còn có tên “Đảo Khỉ” bởi ở đây có hàng trăm con khỉ sống theo tập tục bầy đàn trong khu rừng còn hoang sơ, có khỉ Chúa, Hoàng Hậu… và chúng rất thân thiện với con người. Đến với Hòn Lao, quý khách được thưởng thức các trò vui chơi, giải trí: tắm biển, đua thuyền, cưỡi ngựa, câu cá, thưởng ngoạn công viên hoa, chim, cá cảnh, đặc biệt các tiết mục xiếc của những diễn viên: voi, gấu, khỉ, chó và mèo.
Tại đây còn có nhà nghỉ mát dọc bãi biển và nhà nghỉ lưu trú được xây dựng độc đáo mang đậm màu sắc Việt Nam. Tiếp đến, phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Hòn Thị như gọi mời du khách dừng chân. Nơi đây có rừng cây bạt ngàn xanh tốt, giữ nguyên được nét hoang sơ. Trên Hòn Thị còn có khu chăn nuôi đà điểu và các loại thú khác như: hươu, nai...
Khu du lịch sinh thái Ba Hồ
Khu du lịch sinh thái Ba Hồ nằm trên địa phận huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang gần 30km.
Địa danh Ba Hồ nổi tiếng hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp thiên nhiên còn giữ nguyên nét hoang sơ, lãng mạn của sông hồ, rừng núi. Ba Hồ là một con suối cao trên 660m bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích rồi đổ ra đầm Nha Phu. Suối mang tên Ba Hồ vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.