Tôi hay xuất hiện trên truyền hình, hay là trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, hay nói những thông điệp về an toàn giao thông, thường là những lời cảnh báo về mối nguy hiểm khi tham gia giao thông và đặc biệt là nguy cơ gặp tai nạn giao thông khi chúng ta có hành vi tham gia giao thông không đúng. Nhiều khi thông điệp của tôi rất mạnh mẽ và rất rắn, về hình phạt mà các bạn có thể gặp phải nếu như các bạn vi phạm.
Tôi vừa trở về từ Lai Châu lúc 2 giờ sáng ngày hôm nay (ngày 16/9/2018). Tất cả chúng ta đều biết, sáng ngày 15/9/2018 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe bồn và xe khách làm 13 người chết và 3 người bị thương. Trong số người chết có cả anh lái xe bồn. Có lẽ anh lái xe bồn và gia đình cũng rất mong có cơ hội được nói điều giá như. Rồi chúng ta sẽ nghe những kết luận rất lạnh lùng của các cơ quan chức năng rằng ai đúng ai sai, ai gây ra vụ tai nạn. Nhưng là người đến hiện trường, là người nhìn thấy người chết ở vụ tai nạn thì tôi luôn luôn có niềm tin rằng người lái xe nào cũng mong được một lần giá như, kể cả những người đã gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Trong hai năm, 2015 và 2016 chúng tôi làm những nghiên cứu rất lớn về an toàn giao thông cho trẻ em ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Con số học sinh phổ thông liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông tức là nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông chết và bị thương là khoảng 83% nhưng 90% số nạn nhân là học sinh THPT.
Chúng ta đang đi như thế nào?
Khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc thiếu chú ý quan sát và chuyển hướng sai quy định. Xe máy, xe đạp điện có ưu thế là rất linh hoạt nên khi chuyển làn bất ngờ, không nhìn phía sau và tai nạn sẽ xảy ra khi xe phía sau lao lên. Chúng tôi gửi thông điệp: Ai chưa có gương thì ngày mai lắp gương lên xe mô tô, xe máy và xe đạp điện nhé.
Hiện nay, tại các quốc gia phát triển, vi phạm nồng độ cồn không phải là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động đã chiếm tới 33%. Ở Mỹ, đây là nguyên nhân số một dẫn đến tai nạn giao thông. Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, 39,2% số vụ tai nạn giao thông là do sử dụng rượu bia hay nói cách khác là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Ở tỉnh Bến Tre, 6 tháng đầu năm năm 2016, riêng một bệnh viện đa khoa có 325 nạn nhân cấp cứu thì có tới 195 người điều khiển phương tiện. Cả 195 người này đều có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.
Chúng ta hay nói, học sinh bây giờ nghịch lắm, bướng lắm, phá cách lắm, đặc biệt là học sinh THPT. Thế nhưng tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến những hành vi nguyên nhân của con số 90% trên kia, không phải từ chính các em. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do người lớn. Người lớn đi xe máy chở con mình, bố thì đội mũ rất nghiêm chỉnh nhưng lại không đội mũ cho con. Bố vừa lái xe vừa nghe điện thoại hay uống vài vại bia xong vẫn chở con mình như bình thường. Hỏi rằng anh có yêu con anh không? Chắc chắn là có rồi, nhưng chúng ta quên rằng tình yêu đang ngồi phía sau, đang bị đe dọa. Tôi không nhớ rằng mình đã đến thăm bao nhiêu gia đình có trẻ em là nạn nhân, nghe được bao nhiêu lần từ giá như. Những vị phụ huynh đang chở con mà vi phạm hay các cháu học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông thì cảnh sát giao thông cũng ngại khi mà dừng xe, nhắc nhở. Bởi vì việc đầu tiên mà các
chiến sĩ cảnh sát giao thông đối mặt đấy là dư luận. Tôi đã từng tâm sự với một cảnh sát giao thông, anh ấy đã cương quyết khi truy đuổi hai bạn trẻ lạng lách đánh võng. Nhưng hai bạn này lại gặp phải tai nạn lúc bị truy đuổi. Anh cảnh sát rất day dứt và nói rằng: Điều đau khổ nhất là những người xung quanh lên án, chỉ trích. Có lẽ chúng ta đang góp phần nào đó vô hiệu hóa, làm giảm hiệu lực của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tháng 9 hàng năm không phải là tháng an toàn giao thông như xưa mà tháng 9 đã trở thành tháng cao điểm an toàn giao thông đưa học sinh đến trường. Chúng tôi rất mong tất cả các vị phụ huynh hãy làm một việc quan trọng nhất là nêu gương tuân thủ pháp luật an toàn giao thông. Nếu như trẻ em nhìn thấy chính người mình yêu thương, kính trọng nhất cũng không coi pháp luật ra gì thì các bạn ấy rất dễ dàng hình thành thói quen không tốt. Ngày xưa thường nói: Đi rồi thành đường, văn hóa là thói quen. Văn hóa giao thông là thói quen tham gia giao thông của từng con người chúng ta. Văn hóa giao thông chính là giá trị văn hóa mà cả xã hội cùng thừa nhận cách thức tham gia giao thông. Mong rằng mỗi người chúng ta có một thói quen tuân thủ luật lệ giao thông để nó trở thành một phần văn hóa giao thông cho chính bản thân mình.