TRỢ LÝ CHỦ TỊCH PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI)

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 1 (Trang 139 - 143)

Khi 14 tuổi xuống Hà Nội học trường chuyên ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ rồi may mắn được vào trường Đại học Ngoại giao, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ với các bạn sinh viên nước ngoài. Các bạn thường dành một, hai năm để đi đến một nước đang phát triển, làm những chương trình thiện nguyện. Tôi thấy rằng đó là một nghĩa cử vô cùng đẹp. Chính vì vậy khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành cán bộ Ngoại giao hoặc ít nhất là làm việc cho một tổ chức nước ngoài như Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nơi tôi từng có cơ hội được làm một vài dự án.

Thế nhưng, tôi đã quyết định quay trở về Hà Giang. Sự quay trở về đó vừa là một chút đóng góp cho Hà Giang, nhưng đó cũng là cơ hội để tôi học hỏi rất nhiều. Tôi biết về chương trình xóa đói giảm nghèo, biết làm thế nào để nâng cao đời sống người Mông, người Lô Lô ở biên giới Hà Giang. Sự trở về lần đầu tiên đó là sự trở về khó khăn nhất bởi vì đó là đi ngược đường. Tất cả mọi người đều đi xuôi, từ miền núi về miền xuôi, hoặc từ Việt Nam đi ra nước ngoài nhưng tôi đã làm ngược lại.

Sự trở về thứ hai có lẽ là sự trở về có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi được học bổng Fulbright, một học bổng danh giá, sang Mỹ học. Lúc này tôi trở lại với ngành học mà mình vẫn yêu quý đó là học về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Khi trở về lúc đó, tôi có cơ hội lớn nhất trong đời là vận động hành lang đối với chính phủ Hoa Kỳ và cùng hợp tác với chính phủ Việt Nam để khởi động chương trình tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Đây là chương trình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đi để trở về

Úc là quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi và chồng cùng hai con đang sinh sống, làm việc. Năm 2017, Việt Nam là nước chủ nhà trong hội nghị APEC và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là đơn vị chủ nhà tổ chức hội nghị lớn nhất cho các Tổng giám đốc của APEC. Đây là sự kiện ngoại giao kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tôi được mời là người giúp việc cho ông Chủ tịch với tư cách là hỗ trợ kỹ thuật cho VCCI. Công việc lúc này của tôi là tham gia cùng với các anh chị em ở VCCI tiến hành những chương trình xúc tiến thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các thị trường chiến lược như là Úc, Mỹ, EU.

Trước đây thì tôi nghĩ rằng quê hương mỗi người chỉ một, nhưng sau này đi nhiều rồi, đi miết, đi mãi thì thấy rằng là: Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở, nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Tôi đã đến khoảng 70 quốc gia, và cảm thấy rằng mình mang trong người hơn 70 quốc gia, đó là tình cảm, văn hóa của hơn 70 dân tộc đó. Lúc này, quê hương không chỉ còn lại ở Úc và Việt Nam nữa mà quê hương là những nơi nào mà mình đã đến, đã yêu, tất cả mọi nơi đều là nhà. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng: Các bạn hãy đi, các bạn hãy trải nghiệm, các bạn đi để về, các bạn về để đi, các bạn đi để làm mới mình, các bạn đi để yêu thương hơn, để về, để hội ngộ. Việc đi hay về nó chỉ là một khái niệm tương đối trong tâm tưởng của chúng ta. Các bạn hãy đi, rồi các bạn sẽ về.

Một phần của tài liệu Vì một Việt Nam cất cánh: Phần 1 (Trang 139 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)