Sở dĩ bạn không để dành được đồng tiền nào không phải vì bạn kiếm được quá ít mà vì thói quen sinh hoạt của bạn (chủ yêu là thói quen chi tiêu) vẫn chưa được xác định. Những thói quen này sẽ thay đổi tùy theo tình hình thu nhập của bạn, hơn nữa do còn trẻ nên bạn chưa ý thức được những khó khăn có thể xảy ra, vẫn chưa có kế hoạch khi nghỉ hưu và không quan tâm tới số tiền cần có mỗi khi gặp tình huống khó khăn.
Ngược lại, nếu bạn đã xác định được thói quen sinh hoạt, bạn nên duy trì khoản chi tiêu cố định mỗi tháng, khi thu nhập tăng lên, tài sản của bạn cũng sẽ tăng lên.
Bất cứ thu nhập nào cũng có thể khiến bạn trở thành người có tiền, do đó đừng bao giờ coi thường những khoản thu nhập nhỏ bé của mình, chỉ cần sử dụng hợp lý, thu nhập ít cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được tiền.
Khi bố mẹ Tuyết Nhi cằn nhằn và yêu cầu cô nên có một khoản tiền nho nhỏ, cô bèn nói là tiền lương hàng tháng chỉ đủ tiêu chứ không thể nào bớt ra được, hơn nữa mỗi tháng cứ trước khi được lĩnh lương là cô đã tiêu hết sạch tiền của tháng lương cũ.
Thực ra Tuyết Nhi cũng biết mình chi tiêu như thế là hơi phung phí, mỗi tháng khi nhận lương, cô cũng nghĩ đủ mọi cách để mình tiết kiệm ăn uống, nhưng chỉ được dăm ba ngày là ham muốn tiêu tiền của cô lại dâng cao, trong lòng lại nghĩ “Mặc kệ nó, tháng sau rồi tính!”. Cứ như thế, tháng này qua tháng khác, Tuyết Nhi vẫn không thể nào thực hiện được bài học “quản lý tiền bạc”.
Sau đó, công ty của Tuyết Nhi bị phá sản, cô chuyển sang công ty khác làm việc. Lần này, tiền lương của Tuyết Nhi ít hẳn đi, chỉ còn lại 4424 USD mỗi tháng. Đương nhiên, hàng tháng Tuyết Nhi vẫn tiêu không còn một đồng nào, cũng như trước kia, cứ tới cuối tháng là mong tới ngày lĩnh lương.
Hai năm sau đó, thật may mắn, dựa vào kinh nghiệm mấy năm công tác và năng lực, Tuyết Nhi lập tức được thăng chức lên làm quản lý, tiền lương hàng tháng cũng tăng theo, mỗi tháng lên tới 11060 USD.
Tuyết Nhi nghĩ bụng, như thế, chắc chắn cô sẽ tiết kiệm được một ít tiền, ít nhất thì cũng mua một ít cổ phiếu, lên kế hoạch cho cuộc sống của mình khi nghỉ hưu. Nhưng không ngờ, nửa năm trôi qua, khoản tiền tiết kiệm của Tuyết Nhi vẫn chỉ là con số 0.
Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra? Vì sao cho dù Tuyết Nhi kiếm được mỗi tháng 6320, 4424 hay là 11060 USD thì cô cũng chỉ cân bằng đủ thu chi, không để dành được đồng nào. Thực ra nguyên nhân là vì tính “đàn hồi” trong chi tiêu của Tuyết Nhi quá lớn, nếu thu nhập cao, cô sẽ chi tiêu mạnh tay hơn, nếu thu nhập thấp, tiềm ý thức của cô sẽ tự nhiên điều chỉnh ham muốn chi tiêu của cô, giúp cô vẫn duy trì được mức độ chi tiêu cân bằng.