V. KHUYẾN NGHỊ KẾ THỪA, SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
2. Khuyến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách
2.3. Bổ sung chính sách khoán bảo vệ RPH và RDD
- Tăng kinh phí khoán bảo vệ rừng bình quân lên 500.000 đồng/ha/năm, mức khoán gấp 1,5 lần cho rừng ven biển và cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo miền núi; mức cụ thể do cấp có thẩm quyền quyết định. Một số lý do đề xuất tăng mức khoán bảo vệ rừng như sau:
+ Phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội: đầu tư cho ngành Lâm nghiệp càng ngày càng tăng; kinh tế Lâm nghiệp càng ngày càng phát triển với nguồn thu ngày càng nhiều, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.
+ Kinh phí khoán bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm chỉ tương đương với 01 công lao động kỹ thuật; mức này sẽ thu hút cộng đồng tham gia và các hộ gia đình và cộng đồng nhận khoán tăng cường thêm trách nhiệm trong các hoạt động tham gia bảo vệ rừng; mức này cũng hỗ trợ các hộ gia đình có thêm thu nhập đáng kể hơn so với các mức trước đây.
32
Hình 7. Làm việc với tổ bảo vệ rừng Trạm Kiểm lâm Hòn Giao - VQ Bidoup-Núi Bà
- Làm rõ nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng từ ngân sách hay từ chi trả DVMTR hoặc cho phép lồng ghép các nguồn kinh phí cho khoán bảo vệ rừng, trong đó có các nguồn từ Nghị quyết 30a, ngân sách nhà nước phân bổ theo các chính sách đầu tư phát triển rừng, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Nên gộp tất cả các nguồn kinh phí trên, trong đó sử dụng chủ đạo là nguồn kinh phí Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để thực hiện khoán bảo vệ rừng. Trong trường hợp Quỹ của các tỉnh không đủ thì nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Rút ngắn khoảng cách mức tiền chi trả DVMTR theo lưu vực trên cùng một địa phương để tránh những thắc mắc, giảm trách nhiệm của người nhận khoán bảo vệ rừng. Thực chất các hoạt động bảo vệ rừng của hộ gia đình trong việc nhận khoán bảo vệ rừng từ các BQL rừng có tính chất tương tự nhau. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và cấp tỉnh có thể điều tiết được vấn đề này.
- Hỗ trợ quản lý tài chính hộ gia đình từ nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng. Dành một nguồn kinh phí giống như lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng (có thể 30.000 đồng/ha cho năm đầu) hoặc kinh phí quản lý của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để tập huấn và hướng dẫn người nhận khoán bảo vệ rừng quản lý tài chính hộ gia đình.
- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch và triển khai các hoạt động
tuần tra bảo vệ rừng, chia sẻ lợi ích từ quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt chú trọng sự tham gia của giới bao gồm: phụ nữ, dân tộc ít người, hộ nghèo trong khoán bảo vệ rừng.
- Cho phép các BQL RPH & RDD tự nhận tiền khoán bảo vệ rừng để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng ở các vùng đầu nguồn sâu xa khu dân cư của RPH, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt xa khu dân cư của RDD. Yêu cầu phải xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động này cũng là một trong những khuyến khích để các BQL rừng thực hiện tự chủ trong giai đoạn tới.