- Cỡ mẫu: là tất cả bệnh nhân có chẩn đoán xác định lao phổi AFB(+) có đăng ký hộ khẩu hay hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
4.3.2.2. Yếu tố liên quan bệnh kết hợp trong quá trình điều trị
Trong nghiên cứu của chúng tôi tìm hiểu các bệnh kết hợp trong quá trình điều trị. Bệnh kết hợp đồng nhiễm lao - HIV tỷ lệ cao nhất là 2,63%; bệnh tiểu đường 1,58%; viêm gan 0,26%; các bệnh khác 0,52%.
So sánh với tác giả Đậu Minh Quang nghiên cứu tại tỉnh Nghệ An năm 2007 kết quả các bệnh kết hợp kèm theo lao tái phát là bệnh tiểu đường có tỷ lệ 18,4%; viêm gan 15,8%; nhiễm HIV 5,3%; có dị ứng thuốc lao là 2,6% cao hơn nghiên cứu của chúng tôi, điều này được lý giải là tác giả chọn đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa lao của bệnh viện nên khi bệnh nhân đến đã có triệu chứng của các bệnh kết hợp. Điều đáng quan tâm trong nghiên cứu của chúng tôi là bệnh lao kết hợp với nhiễm HIV làm ảnh hưởng kết quả điều trị và tình hình dịch tễ lao địa phương. Theo nhận định các chuyên gia chống lao trên thế giới những người đã bị
nhiễm lao nếu họ đồng nhiểm HIV thì nguy cơ mắc bệnh lao là 50% trong cuộc đời, trong khi nếu họ không nhiểm nguy cơ mắc lao là 5-10%; phản ứng thuốc lao thường xảy ra phổ biến nhiều hơn ở bệnh nhân lao/HIV. Đại dịch HIV góp phần đáng kể vào xu hướng tăng tỷ lệ mắc lao đồng thời tăng tỷ lệ tử vong bệnh lao và ước tính mỗi năm có khoảng 14,2% bệnh nhân lao tử vong có kèm nhiễm HIV và tiếp tục tăng trong giai đoạn 10 năm tới [8], [62], [79].
4.3.2.3.Yếu tố liên quan tác dụng phụ của thuốc lao
Trong quá trình điều trị chúng tôi theo dõi tác dụng phụ của thuốc lao, bệnh nhân lao phổi AFB(+) các thể tỷ lệ 1,18%; lao phổi mới tỷ lệ là 1,23%; lao tái phát tỷ lệ là 1,06%. Thuốc dị ứng thường gặp nhất là Streptomycine tỷ lệ 0,78%; các loại thuốc khác như Rifamycine, Isoniazid, Pyrazinamid là 0,13%. So sánh với nghiên cứu của tác giả Bùi Đức Dương nghiên cứu năm 2003 tại tỉnh Hà Tây kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân lao mới bị tác dụng phụ của thuốc chống lao là 2%. Theo tác giả Đậu Minh Quang nghiên cứu tại tỉnh Nghệ An năm 2007 kết quả nghiên cứu là bệnh nhân tái phát có tỷ lệ tác dụng phụ thuốc lao 2,6%. Tương tự theo tác giả Nguyễn Thị Thuỷ nghiên cứu năm 2007 tỷ lệ tác dụng phụ của thuốc lao là 34,92% trong đó có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt là 1,59%. So sánh với nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh lao bị tác dụng phụ của thuốc lao thấp hơn nghiên cứu các tác giả trên.
So sánh với tác giả Đinh Văn Thông có 13,79% bệnh nhân lao dùng thuốc lao có tác dụng phụ, thời gian xảy ra tuần đầu tiên dùng thuốc là 53,13%; tháng đầu điều trị là 90,62%; thuốc thường gặp nhất streptomycin là 15,63%; PZA là 15,63%; Rifamicine là 9,38%; biểu hiện lâm sàng viêm gan là 12,5%; phản ứng ở da 46,8%; xử trí tác dụng phụ dùng thuốc thay thế 12,5%; cắt thuốc 15,63%. Như vậy so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc lao thấp hơn nhiều so với tác giả [31], [62], [74], [75].