Khái niệm, đặc điểm pháp luật về xử lý rác thải y tế

Một phần của tài liệu Vũ Lân Dũng_LKT_820076 (3.2022) (Trang 28 - 33)

a) Khái niệm pháp luật về xử lý rác thải y tế:

Vấn đề ô nhiễm môi trường trong suốt nhiều năm vừa qua luôn là một trong những vấn đề nóng hổi và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Rất nhiều những hội nghị, hội thảo về môi trường đã được tổ chức, các tổ chức được thành lập để giải quyết các tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra nhưng vẫn chưa thể nào tìm ra được một phương pháp thực sự hiệu quả để có thể dứt điểm tình trạng này. Khi đứng trước

một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết, một trong những phương pháp thường được đề cập đến là sử dụng pháp luật. Những quy định mang tính bắt buộc áp dụng, những chế tài để răn đe những hành vi vi phạm dù ít hay nhiều vẫn sẽ thể hiện được sự hiệu quả, ngoài ra sử dụng pháp luật còn giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền định hướng, hướng dẫn cho các đối tượng phải áp dụng luật.

Hiện nay, Việt Nam đang có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khá lớn liên quan đến bảo vệ môi trường từ luật, nghị định, thông tư. Điển hình có thể kể đến Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hay Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT năm 2015 quy định về quản lý chất thải y tế giữa Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với phạm vi nghiên cứu mà bài viết tiếp cận, pháp luật về xử lý rác thải y tế được xác định là một bộ phận trong tổng thể pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể hơn pháp luật về xử lý rác thải y tế sẽ nằm trong các quy định, chế tài của luật về quản lý chất thải y tế. Từ định nghĩa của pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành nói riêng, có thể đưa ra định nghĩa về pháp luật về xử lý rác thải y tế như sau: “Pháp luật về xử lý rác thải y tế là một bộ phận nằm trong pháp luật về quản lý chất thải y tế, bao gồm hệ thống những quy tắc chung điều chỉnh trực tiếp việc xử lý rác thải y tế và các vấn đề liên quan, có tính chất bắt buộc áp dụng được cơ quan có thẩm quyền ban hành và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước”.

Có thể thấy, dù là một bộ phận của pháp luật quản lý chất thải y tế, nhưng pháp luật về xử lý rác thải y tế vẫn mang đầy đủ những đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng của pháp luật thông thường.

Pháp luật là tập hợp những quy tắc xử sự mà nhà làm lập dựa theo ý chí của Nhà nước soạn thảo phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện xã hội theo từng giai đoạn, vì thế pháp luật về xử lý rác thải y tế sẽ được điều chỉnh để đáp ứng với những thay đổi thực tế của hoàn cảnh và điều kiện của quốc gia đó. Những số yếu tố sau đây được xem là những yếu tố cơ bản, chủ đạo, có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định thay đổi các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế27:

Một là, đường lối, chính sách của quốc gia trong từng thời kỳ. Pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, thông qua công cụ đó thể hiện ý chí, định hướng của mình lên toàn xã hội. Ở từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, mỗi quốc gia sẽ có từng đường lối, chính sách cụ thể phù hợp với thực tiễn và mục tiêu phát triển. Để đưa những đường lối, chính sách đó vào thực tiễn, Nhà nước sẽ thể chế chúng vào luật pháp, đưa chúng vào từng quy định cụ thể, áp đặt và hướng dẫn thi hành để chúng phục vụ ý chí của mình. Việc đưa những định hướng của mình vào các văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng quan trọng, vì chỉ khi như vậy thì Nhà nước mới có thể sử dùng quyền lực chính trị của mình để bắt buộc xã hội tuân theo.

Hai là, điều kiện kinh tế - xã hội. Nhà nước sau từng giai đoạn, thời kỳ nhất định sẽ thực hiện đánh giá, nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, tình hình phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng, từ đó xem xét đưa ra những thay đổi phù hợp, kịp thời để thích ứng với những sự biến động mới. Lấy ví dụ như trước đây, thời kỳ mà nước ta chưa thực sự để ý đến tình trạng phát thải rác thải y tế nên chưa có những quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đến khi tình hình kinh tế - xã hội thay đổi, các cấp quản lý dành những sự quan tâm nhiều hơn đến tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải y tế không được xử lý gây ra. Từ đó đã bắt đầu manh nha xuất hiện những quy định về quản lý, xử lý rác thải y tế, rồi đến sự ra đời của các văn bản luật cụ thể, kết hợp với các quyết định, thông tư của các bộ, ban ngành có thẩm quyền để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm này. Kết hợp với những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế song song với đó là bảo vệ môi trường, sẽ càng ngày càng có nhiều hơn các quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đề ra.

Ba là, yêu cầu từ hội nhập quốc tế. Rõ ràng khi một quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận được với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì cần phải tiến hành giao lưu, hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới, tham gia vào những diễn đàn, tổ chức phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Mỗi một diễn đàn, tổ chức hay công ước quốc tế đều có những “luật chơi” riêng, những quy định mà khi bất kỳ quốc gia nào khi tham gia đều phải tuân theo. Đó không phải là những quy

định mà Việt Nam chỉ thỏa thuận, đồng ý trên giấy tờ thông thường mà còn phải có những cam kết rằng mình sẽ thực hiện theo đúng những gì mà luật chơi chung đề ra. Để tạo ra một khối thống nhất, một sân chơi chung cho toàn bộ các quốc gia thành viên mà ở đó không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào thì hệ thống pháp luật của từng quốc gia sẽ phải có những sự điểu chỉnh, thay đổi để đưa những quy định đã cam kết vào thực tiễn, phù hợp với cam kết. Điển hình có thể kể đến những Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là những hiệp định mà những cam kết của chúng vượt ra khỏi phạm vi hợp tác đầu tư, thương mại thông thường, trong những hiệp định này còn có cả những cam kết về bảo vệ con người, bảo vệ môi trường mà Việt Nam phải tuân thủ.

b) Đặc điểm của pháp luật về xử lý rác thải y tế:

Đặc điểm của pháp luật về xử lý rác thải y tế nhìn chung sẽ có những sự tương đồng đối với đặc điểm của pháp luật thông thường. Pháp luật về xử lý rác thải y tế có các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, là hệ thống các quy tắc xử sự và mang tính chất bắt buộc chung

Pháp luật ra đời chính là tạo ra cho con người những chuẩn mực, những quy định mà bất kỳ một ai, nếu muốn sống và làm việc trong cộng đồng hay quốc gia đề ra pháp luật đều phải tuân theo mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Hệ thống những quy tắc này không phân biệt bất kỳ ai, nam - nữ, già - trẻ, giàu - nghèo tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều sẽ phải chịu những chế tài xử lý giống nhau nếu có hành vi vi phạm pháp luật. Những quy tắc xử sự về vấn đề xử lý rác thải y tế chính là những quy định, hướng dẫn bắt buộc mà các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý rác thải phải tuân theo và áp dụng, nếu không tuân thủ sẽ bị áp dụng những hình thức xử phạt thích hợp.

Thứ hai, do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành.

Đây là điều bắt buộc với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nếu muốn có hiệu lực, mọi quy định hay chế tài mà không phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì sẽ không có tính bắt buộc chung mà chỉ áp dụng cho một vài đối tượng xác

định. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì do cơ quan lập pháp của Việt Nam là quốc hội ban hành, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì do Chính Phủ ban hành, còn Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT 2015 quy định về quản lý chất thải y tế thì là do Bộ trưởng Bộ Y tế kết hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành. Cùng là các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên từng cấp văn bản khác nhau thì sẽ do một cơ quan có thẩm quyền tương ứng chịu trách nhiệm.

Thứ ba, thể hiện ý chí của Nhà nước.

Nhà nước sử dụng pháp luật, thông qua pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà Nhà nước thấy là cần thiết phải điều chỉnh theo ý chí của mình, từ đó bảo vệ lợi ích của giai cấp lãnh đạo. Mỗi quy định được đưa ra đều thể hiện cách nhìn nhận, quan điểm của Nhà nước về một vấn đề nhất định, đó có thể là các vấn đề liên quan đến phân loại rác thải y tế, xử lý rác thải y tế theo những nguyên tắc nào, đó cũng có thể là cách mà giai cấp lãnh đạo phạt, răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích công cộng… tất cả để duy trì quyền lực nhà nước và đảm bảo trật tự xã hội phải tuân theo ý chí nhà nước.

Thứ tư, đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.

Pháp luật được các cơ quan của Nhà nước trực tiếp hoặc chịu trách nhiệm ban hành, là hệ thống những quy định được đề ra để bảo đảm lợi ích và quyền lực chính trị của Nhà nước, song song với đó còn là giữ gìn, bảo đảm trật tự, công bằng trong xã hội. Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại đến quyền lực Nhà nước hay trật tự xã hội đều sẽ bị áp dụng những chế tài xử phạt mà Nhà nước cho rằng đó là thích đáng và đủ sức cảnh cáo, răn đe để hành vi đó khó có khả năng tái diễn. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về xử lý rác thải y tế bao gồm: phạt tiền, yêu cầu bồi thường và nặng hơn cả có thể là phạt tù nếu xét thấy hành vi vi phạm gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích, hình ảnh của quốc gia, của giai cấp lãnh đạo hoặc tới xã hội.

Một phần của tài liệu Vũ Lân Dũng_LKT_820076 (3.2022) (Trang 28 - 33)