Hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế là vô cùng cần thiết và phù hợp chung với yêu cầu thực tế về việc hoàn thiện pháp luật nói chung. Phải thường xuyên xem xét, đánh giá lại những quy định pháp luật hiện hành đã thực sự bám sát thực tế, giải quyết được các vấn đề, các quan hệ xã hội cần điều chỉnh hay chưa. Để hoàn thiện các quy định cần phải lưu ý những điều sau:
Thứ nhất, phải đặt sức khỏe của con người và đảm bảo một môi trường sống trong lành lên hàng đầu khi hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế.
Khi hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế, luôn phải đặt sức khỏe của con người và đảm bảo một môi trường sống trong lành lên hàng đầu bởi đây chính là mục tiêu, cũng là động lực để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các quy định một cách phù hợp. Giữ cho môi trường sống xanh, sạch, đẹp vừa là những nhu cầu cơ bản trong quyền con người, vừa là yêu cầu cấp bách và quan trọng đối với tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thứ hai, luật phải luôn song hành và không tách rời với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế cụ thể của đất nước.
Các quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế phải được hoàn thiện gắn với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Kinh tế của đất nước phát triển, kéo theo chất lượng sống của con người tăng lên, việc sử dụng các dịch vụ cũng tăng theo, điển hình là dịch vụ khám, chữa bệnh. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến khối lượng rác thải y tế mỗi ngày được thải ra sẽ càng nhiều hơn, áp lực xử lý rác thải cũng vì thế mà gia tăng. Hoàn thiện các quy định sẽ phải tính đến việc vừa phải có cơ chế, phương pháp xử lý lượng rác thải y tế tăng lên một cách hiệu quả, vừa phải đảm bảo không hạn chế việc sử dụng các dịch vụ y tế theo nhu cầu của mọi người dân. Việc gia tăng sử dụng dịch vụ y tế cũng sẽ giúp phát triển lĩnh vực y tế của đất nước, nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực để có thể đem đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho toàn xã hội.
Thứ ba, các quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế phải được hệ thống hóa một cách đồng bộ, tránh gây khó khăn khi áp dụng.
Hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế không được gây chồng chéo, khó hiểu khi áp dụng vào thực tế, phải đảm bảo không có sự mâu thuẫn với bất kỳ văn bản pháp luật về xử lý rác thải nào khác. Duy trì một hệ thống quy định pháp luật thống nhất, từ các quy định về kỹ thuật, quản lý cho đến các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm. Mỗi khi các quy định của luật được áp dụng thì phải rõ ràng và thống nhất, không được gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn hay khác biệt nào về cách hiểu và cách vận dụng trong thực tế.
Thứ tư, luật phải dự báo được nhiều nhất có thể các trường hợp diễn ra ngoài thực tế.
Pháp luật về xử lý rác thải y tế phải mang tính dự báo và ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có nghĩa là các nhà làm luật phải nằm bắt được tình hình thực tế về xử lý rác thải y tế đang diễn biến ra sao, từ đó phải dự đoán được nhiều trường hợp, tình huống nhất có thể, các vấn đề liên quan đến rác thải y tế sẽ có thể diễn ra trong một khoảng thời gian nào đó trong tương lai. Điều này đảm bảo được tính bao quát của quy định pháp luật, tránh sự thay đổi luật quá nhiều, làm mất đi sự ổn định, gây tốn kém thời gian và các loại chi phí khi phải thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định hay thậm chí là soạn thảo ra luật mới.
Thứ năm, luật trong nước phải thể hiện sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Pháp luật về xử lý rác thải y tế luôn phải phù hợp, bám sát với những cam kết tại các tổ chức, điều ước quốc tế, tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Điều này sẽ giúp chúng ta gây dựng và duy trì được niềm tin đối với các thành viên khác, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam là một đất nước luôn sẵn sàng tuân thủ luật chơi, những quy định chung, cùng với các quốc gia khác hợp tác, cùng nhau phát triển.