7. Nội dung nghiên cứu
1.1.8. Các yếu tố cản trở quá trình học tập tự điều chỉnh
Trong quá trình học tập tự điều chỉnh, người học có sự chủ động với việc học của mình. Tuy nhiên rõ ràng là không phải ai cũng có khả năng tự điều chỉnh như nhau bởi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các giai đoạn tự điều chỉnh. Dưới đây là một vài yếu tố có ảnh hưởng đến SRL được đưa ra bởi Bandura (1986, 1989), đây cũng chính là những rào cản gây khó khăn cho người sử dụng SRL.
Yếu tố thứ nhất là sự yếu kém hay sự thiếu hụt về năng lực (incompetence). Bandura (1989) cho rằng trong cùng một môi trường giống nhau những người có kĩ
năng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và giỏi điều tiết động lực và hành vi của mình hơn sẽ là những người thành công hơn trong nhiệm vụ đó. Những người này có nhiều cơ hội hơn để kiểm soát việc học của mình đồng thời tăng mức độ học tập tự điều chỉnh.
Yếu tố thứ hai là những nỗi lo sợ không xác đáng. Nỗi lo sợ này có thể kể đến như sợ thất bại, sợ quyết định sai, sợ bị coi là học sinh kém … Người học ít nỗi lo sợ thường biết đưa ra quyết định trong quá trình học, do đó biết tự điều tiết việc học của mình. Ngược lại, những người sống trong sợ hãi không có đủ dũng cảm và niềm tin vào chính khả năng của bản thân khi đương đầu với các tình huống dẫn tới nhiều khó khăn khi học tự điều chỉnh.
Vẫn theo Bandura (1989), những người hay phê bình chỉ trích bản thân là những người khó mà học tập tự điều chỉnh được. Sự tự chỉ trích này có liên quan đến yếu tố bên trên về nỗi lo sợ và sự thiếu tự tin do năng lực có hạn. Mỗi lần đưa ra quyết định những người này có xu hướng phê bình bất kì mặt nào gắn với bản thân họ. Do đó họ thích đẩy việc quyết định này cho người khác ví dụ như giáo viên hay trưởng nhóm. Không đưa ra được quyết định nào lại dẫn tới khó khăn ở từng giai đoạn hay từng bước của học tập tự điều chỉnh.
Rào cản thứ tư đối với học tập tự điều chỉnh là sự tự tin về năng lực của bản thân thấp. Sự tự tin ở đây là mức độ người học tin tưởng bản thân người học có khả năng làm một việc cụ thể thành công. Người học có sự tự tin vào năng lực bản thân cao có nhiều lý do và động lực để tự điều chỉnh hoạt động học của mình. Bandura (1989) giải thích rằng sự tự tin vào năng lực bản thân một khi được nhìn nhận đúng không những làm giảm nỗi lo sợ mà còn tăng chuỗi cơ hội thành công sau đó nữa.
Thứ năm là các rào cản mang tính xã hội. Bên cạnh các yếu tố cá nhân, nhiều yếu tố xã hội gây khó khăn cho quá trình học tự điều chỉnh nếu liên tục tác động lên người học. Các yếu tố này ví dụ như sự phân biệt đối xử hay các thành kiến hoàn toàn làm giảm động lực tự điều chỉnh học tập của chủ thể.
Yếu tố thứ sáu có thể kể đến là sự thiếu động lực bên trong. Với Bandura (1989) động lực bên trong quan trọng hơn nhiều so với động lực bên ngoài. Động lực
bên trong là bệ phóng để người học đạt được kết quả học tập cao hơn và nhanh hơn. Nếu nguồn động lực này không còn, kết quả học tập sớm muộn cũng sẽ kém đi.
Yếu tố cuối cùng chính là khả năng lập mục tiêu hành động. Schunk (2001) đã vạch ra một kế hoạch nhiều bước để có thể lập mục tiêu tốt hơn bao gồm thiết lập mục tiêu dài hạn, chịa mục tiêu này thành các mục tiêu ngắn hạn, kiểm soát quá trình và tính toán các khả năng, sử dụng phương pháp thực hiện phù hợp với mục tiêu và thiết lập các mục tiêu khác khi mục tiêu ban đầu đã thực hiện xong. Các bước lập mục tiêu này giúp người học có động lực học cao hơn và dễ dàng điều chỉnh hoạt động học của mình.