7. Nội dung nghiên cứu
2.1.2. Bối cảnh diễn ra nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành vào học kì 1 năm học 2020-2021 tại 2 lớp Kĩ năng đọc hiểu do Bộ môn Thực hành tiếng phụ trách. Thời gian cho học phần này kéo dài từ 19/10 đến 11/12 năm 2020. Mỗi tuần các em sinh viên tham gia 2 buổi học với thời lượng mỗi buổi là 2 tiết. Đây là 2 lớp thuộc học phần thực hành do nhóm nghiên cứu trực tiếp giảng dạy. Do vậy giờ thực hành có giáo viên hướng dẫn trên lớp của các em là 30 và giờ tự học ở nhà là 60.
Giáo trình cho kĩ năng đọc là Reading for IELTS của Els Van Geyte do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017. Các em sinh viên được giới thiệu 8 bài với 8 chủ điểm (family matters, healthcare, getting an education, water, non-verbal clues, scientist at work, the job market và twenty-somethings).
Để áp dụng phương pháp học tập tự điều chỉnh có sự hỗ trợ của ICT, ngay buổi đầu tiên nhóm nghiên cứu đã tiến hành giới thiệu nội dung, ý nghĩa và các bước cụ thể của phương pháp này tới sinh viên lớp 20116. Lớp cũng được chia làm 8 nhóm. Yêu cầu cho các nhóm là xây dựng một tập tài liệu học gồm 1 bài đọc IELTS có làm đáp án và giải nghĩa từ/cụm từ và 1 đoạn test IELTS thực tế đã làm tương ứng với 8 chủ đề của sách giáo trình. Đây là bài nhóm chuẩn bị ở nhà mỗi tuần và được nộp theo tuần, sau khi kết thúc một đơn vị bài học. Giáo viên theo dõi bài tập, đưa nhận xét cũng theo tuần để giúp các em tiến bộ nhanh hơn. Trước khi giao nhiệm vụ, giáo viên có đưa hướng dẫn và yêu cầu các nhóm có phần tự nhận xét đánh giá. Hướng dẫn này được soạn theo mô hình SRL mà Zimmerman (2002) gồm 3 phần chuẩn bị, thực thi và đánh giá phản hồi.