Những người phu mỏ, một ngày họ làm quần quật để được 6 goòng than đầy. Nếu không đủ sẽ bị cai phạt trừ tiền lương. Mà tiền công của người phu mỏ có nhiều gì cho cam, đủ để họ mua gạo sống qua ngày. Số goòng than mà bọn chủ Tây thu được mỗi ngày là mồ hôi, xương máu của biết bao người thợ. Những người thợ ở đây họ cùng chung số phận nghèo khổ, bần cùng. Để duy trì sự sống, họ chấp nhận cái chết rình rập. Trong Lầm than, ta có thể thấy, có những goòng than chan đầy máu và nước mắt của người thợ mỏ. Đó là vợ của anh Nhỡ, do nhà nghèo nên bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh vẫn phải xuống hầm, chẳng may bị xe goòng cướp đi sự sống của hai mẹ con. Hay mẹ Tép chống chết vì sập lò,
bản thân bà bị bệnh tật, yếu đau... Và những goòng than đầy ấy, có thể lên đến mặt đất, đã đổi lấy biết bao mạng sống nữa như của già Mẫn, Dương mi-nơ, Nhỡ, Thông... Đó là bản án tố cáo chế độ ấp bức bóc lột, luật pháp và chính quyền thuộc địa đè nén trên đôi vai người lao động
Trong tiểu thuyết Lầm than, ngoài những người thợ, số lượng những nhân vật đại diện cho giai cấp bóc lột cũng không nhiều nhưng chỉ cần một chân dung cai Tứ, một tên chủ mỏ ngoại quốc, một tên sếp Cẩm và một vị quan tòa cũng đủ nói lên khá rõ bộ máy thống trị của giai cấp tư sản thuộc địa. Những nhân vật ấy cũng đủ tạo cho chúng ta hiểu sâu sắc về thế lực cầm quyền, hiểu được người lao động bị ách kìm kẹp ra sao. Sự xuất hiện của cai Tứ từ ngoại hình đến hành vi, ngôn ngữ và thủ đoạn cho thấy, y thục sự là công cụ thích hợp cho bọn tư sản thực dân, bòn rút tài nguyên và sức lực người dân bản địa. Cai Tứ xuất hiện là một kẻ có uy quyền, nhận thợ và giãn thợ; y có bề dày bóc lột bằng nhiều thủ đoạn gian manh như mộ phu vào lúc nông dân mất mùa do thiên tai bão lụt; bớt xén công thợ, trừ tiền công cụ lao động, xép hạng công, cắt công thợ và thường xuyên liên lạc với chủ Tây để báo công. Bề ngoài y được miêu tả: “Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi đọ bốn nhăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại. Dưới cặp lông mày lởm chởm trên gò xương, lấp lánh đôi mắt gian hùng. Mũi lão gồ sống mương nhòm xuống bộ ria mép lúc nào cũng hình như giấu giếm, đạy điệm cái mồm toe toét tối om như cái cửa hang, trong đó đỏm đang mấy chiếc răng vàng hợm của” (tr 76). Ngoài ra, lão này đối với gái thì vung tiền không tiếc, đối với thợ thì tính từng đồng, từng cắc một, hay ra oai, hay bắt nạt kẻ dưới. Chính quyền thực dân đã tạo nên một tên tay sai đắc lực. Chính những tên tay sai đắc lực này tạo ra một chỗ đứng vững chức cho bọn thực dân đế quốc. Hắn ta không từ mọi thủ đoạn để làm lợi riêng cho chính bản thân. Trong khi gia đình người thợ mỏ, nhà tan cửa nát, cai Tứ vẫn đến nhà riêng dụ dỗ Tép đến hầu ông chủ. Chính việc làm ấy, đã tố cáo bản chất hám tiền, nô lệ, nham hiểm và độc ác của bọn
người bóc lột. Bên cạnh đó, người đọc có thể hiểu được vì sao những người phu mỏ làm quần quật, có lúc đổi lấy cả tính mạng của mình những vẫn không đủ sống, vẫn không thể nào thoát khỏi cảnh lầm than.
Đồng hành với tên cai Tứ chính là chân dung tên chủ mỏ ngoại quốc. Hắn là điển hình cho bọn thống trị thực dân trên mảnh đất thuộc địa, vừa có uy quyền, vừa có sức mạnh trực tiếp điều hành bọn tay sai bóc lột xương máu những người thợ. Trong Lầm than hình ảnh chủ Tây xuất hiện không nhiều những để lại ấn tượng sâu về tính cách. Bên cạnh cai Tứ, chủ Tây là kẻ bề trên, nhưng cử chỉ, hành vi và ngôn ngữ của y lại hiện rõ chân dung của một con quỷ dâm dục, nham hiểm và độc ác. Thoạt trông thấy Tép, người con gái hiếu thảo nhưng xinh đẹp đã nảy sinh trong lòng hắn ham muốn cuồng nhiệt. Dựa vào mưu kế, sự xảo quyệt của cai Tứ, lợi dụng cảnh ngộ éo le của người con gái đang khốn cùng, mẹ ốm không có tiền chữa bệnh, công gánh đất “hào rưỡi một ngày”, y đã dùng lời lẽ giả dối, tiền bạc và sức mạnh để cưỡng hiếp cô: “Ông chủ yêu cô... cô đẹp lắm” (tr 128). Hành động đó đã để lại vết nhơ cho người con gái lương thiện. Khi biết người phụ nữ đó đã có một gia đình yên ấm, con quỷ dâm dục vẫn chưa nguôi nỗi thèm khác. Trong lần gặp Tép tình cờ giữa chợ, qua cái nhìn khác thường và câu nói: “Độ này cô Tép trông đẹp hơn xưa”(tr 207). Chúng ta có thể thấy, dù khi người con gái đã có chồng, có con, có một gia đình hạnh phúc nhưng ham muốn của ông chủ Tây vẫn không giảm, vẫn muốn phá hoại hạnh phúc của người khác. Khi chồng cô đang trong cảnh tù đày, cai và chủ vẫn bám theo, hòng mua chuộc, dụ dỗ. Dù trong hoàn cảnh nào, thế lực ấy vẫn không hề muốn tha cho người dân. Họ vẫn muốn làm theo ý thích của mình, bất chấp những người dâ ấy ra sao. Chủ Tây còn là kẻ coi rẻ mạng người lao động bản địa. Khi lò sập, phu chết thê thảm, “Chủ Tây sai cai Tứ đi mua sáu chiếc áo quan bằng gỗ tạp để soạn sửa chôn cất cho nạn nhân, một mặt ông làm giấy trình các nhà chuyên trách đến khám nghiệm... Mọi việc sắp đặt đến khoảng ba giờ thì xong. Người ta đem chôn sáu cái
xác một cách lặng lẽ không kèn, không trống, và sau khi đã an táng thi hài của sáu anh phu mỏ, ông chủ truyền gọi thân nhân họ lên giảng dụ và cho mỗi người hai mươi đồng. Món tiền hai mwoi đồng không thể bù được sự thiệt thòi về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất mà mỗi gia đình nạn nhân phải chịu. Nhưng đó còn khá lắm, ông chủ này còn là nhân dức lắm, chứ lần trước xảy ra tai nạn trước, mỗi nhà chỉ có được năm đồng!”(tr 211). Có lẽ việc sập lò xảy ra thường xuyên lắm, việc bồi thường thiệt hại cũng vậy, nên văn câu nhà văn viết không tỏ gì ngạc nhiên. Sự việc giống như xảy ra cơm bữa hằng ngày, thế nhưng những người phu mỏ, gia đình phu mỏ vẫn chấp nhận đi làm công việc ấy. Những goòng than đầy ấy, không biết đã nhuốm đỏ máu của bao mạng người và đã ướt đẫm nước mắt của bao người thân thiết.
Khi sập lò, hắn còn tỏ ra một thứ nhân nghĩa giả dối, cho gọi người thân của nạn nhân đến răn bảo và “bố thí” cho những đồng tiền rẻ mạt. Như vậy, cai thầu và chủ mỏ trong thế giới Lầm than là hai thế lực khoác lên đầu, lên cổ người thợ mỏ ách áp bức, bóc lột nặng nề, hàng ngày, họ phải đổ mồ hôi, xương máu, cái chết luôn rình rập và đến cả cái hạnh phúc đơn sơ của họ cũng luôn bị lũ mặt người dạ thú làm cho tan cửa nát nhà. Đó là tấn bi kịch não nùng của cuộc đời người công nhân mỏ trong xã hội thuộc địa.
Những người thợ mỏ ở đây, ngoài việc chịu chính sách lao động nặng nề, tiên lương ít ỏi, họ không được hưởng bất kì quyền gì của người lao động. Họ lầm lũi làm việc của mình, hết ngày này qua ngày khác, không làm thì không có lương. Chính sách khai thác thuộc địa mà thực dân Pháp đã dựng lên còn là bộ máy cai trị hà khắc cùng hệ thống “nhà tù nhiều hơn trường học” để làm công cụ đàn áp những con người có chí hướng tự do.
Hình ảnh anh thợ mỏ Nguyễn Đình Thuật bị bắt tại nhà riêng, đã phơi bày bộ mặt tàn bạo, độc ác của bọn đế quốc và tay sai đối với người lao động. Anh Thuật là một người thợ hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng. Thế nhưng chỉ vì muốn bảo
vệ vợ mình, hạnh phúc gia đình mình mà bị bắt, bị đổ oan. Bọn chúng xông đến nhà anh: “Hai người phu lít vồ lấy anh như chộp một con thú dữ khi họ nghe cai Tứ trở vào anh và nói: Chính nó đấy, Thuật không kháng cự, cũng không nói năng gì. Anh chỉ giương mắt nhìn và nhận thây ngoài hai người phu lít, cai Tứ, chủ mỏ, còn một viên cẩm Tây, vẻ mặt rất dữ tợn” (tr 230)”. Rồi hành vi vu oan giá họa “cả vú lấp miệng em” của bọn mặt người, dạ thú: “Nguyễn Đình Thuật!... Mày can tội chực ăn cướp tiền ở nhà ông cai tứ rồi lại hành hung đánh người bề trên”(tr 231), Thuật cãi, những cuối cùng vẫn bị bắt im lặng và nhận lấy tội không phải do mình gây ra. Thuật biết rằng đó là “sự đoạn tuyệt giữa anh với mỏ... Trước mặt anh mở ra một cai tương lai đen tối” (tr 230). Như vậy, trong một xã hội lẽ phải không cưỡng nổi áp lực của cường quyền, sự thật không thắng nổi kẻ áp bức, và cái đúng luôn thuộc về kẻ mạnh. Tội lỗi mà Thuật gây ra chỉ do bị ép vào đường cùng trở thành một tội to lớn, không thể tha thứ. Thuật hy vọng rằng mình có thể được minh oan nhờ vào pháp luật, nhưng chính bản thân Thuật cũng không ngờ, luật pháp ấy khoogn bao giờ đứng về lẽ phải.
Bọn quan tòa với danh nghĩa là cán cân công lý nhưng thực chất bọn này là công cụ bảo vệ quyền lợi cho thực dân và tay sai. Bề ngoài quan tòa được miêu tả:
“Nghe giọng nói bình thường và nhìn vẻ mặt thản nhiên”, nhưng rồi từ từ từng bước, vị quan tòa tưởng chừng như khả kính ấy khép tội người lương thiện. Ban đầu quan tòa cũng tỏ vẻ khách quan cho “bị cáo tường trình”, cho bị cáo được trình bày sự việc lại một lần. Màn kịch “vải thưa che mắt thánh” ấy, dần dần cũng được hạ màn. Vị quan tòa sau đó đưa ra lời vu oan giá họa để nghị án đẩy người thợ vào ngục tối. Hành vi của bọn chúng được vạch trần quan lời bình luận của những người lính ngục, hơn ai hết họ là những người phải thi hành những bản án oan sai: “Chuyện, bao giờ người ta chẳng vị nhau! Ai lại vì một thằng khố rách bao giờ (tr 244). Và cả Thuật, anh luôn tin tưởng vào sự công minh của quan tòa, vào lẽ phải cũng sụp đổ, sự thật lại trái ngược với suy nghĩ ngây thơ của anh. Qua
đây, ta thấy quan tòa thực chất là bình phong chở che cho tội ác và bất công của chế độ thuộc địa.
Hình tượng nhà tù trong “Lầm than” là địa ngục của cõi chết, là nơi đày đọa con người; người lương thiện và kẻ tội lỗi cùng chung số phận. Thuật, người phu mỏ lương thiện được giam cùng với mấy kẻ trộm trâu. Đó là nơi tử biệt sinh ly, giá lạnh, tàn tạ và chết chóc, con người với con người trở thành loài dã thú. Cảnh tượng đó diễn ra trước mắt Thuật: “Anh bần thần nhìn những người tù kia ăn vội ăn vàng và tranh cướp nhau chẳng khác đàn gấu đói... Không hiểu tại sao ở đây người ta lại có thể trở nên thô tục, độc dữ như thế được? Thuật không thể tượng tượng được rằng chỉ cách nhau có một bức tường mà hai nhân loại cách xa nhau đến thế?” (tr 245). Sự thật trước mắt làm Thuật hụt hẫng, đau đớn và bàng hoàng. Phải chăng, những gì Thuật gặp phải cũng là bức tranh chung của biết bao con người lao động khác, cùng chung cảnh ngộ, khi chưa thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thuộc địa?
Có thể thấy: Cai thầu, chủ mỏ, cẩm Tây, quan tòa và nhà tù thực dân đã khép thành một vòng vây bóng tối dày đặc bao phủ lấy người lao động lương thiện, hòng biến những người thợ thành những công cụ biết nói ở nơi địa ngục trần gian. Sự thật đó dưới cây bút của nhà văn Lan Khai đã hiện lên sống động. Không màu mè, không cầu kì, các sự việc diễn ra chậm và từ từ nhưng đã bóc trần bộ mặt dã thú của chế độ thực dân. Ngoài ra, cuộc sống ảm đảm, bị đè nén của người thợ mỏ cũng hiện lên một cách rất sắc nét.