Lầm than có một sức sống đặc biệt trong lòng bạn đọc không chỉ giai đoạn ấy mà đến bây giờ, tác phẩm vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình trong dòng văn học Viêt. Dù bị kiểm duyệt rất gắt gao, nhưng tác phẩm vẫn có thể được truyền đi rộng rãi, không chỉ vì nó bộc lộ rõ những hiện thực gần gũi với người
dân lúc đó, mà tác phẩm có một sức sống mãnh liệt vì nó cho họ thấy, dù trong bùn than đen tối, nhưng vẫn có những tâm hồn như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Qua Lầm than con người có thể thêm yêu thương con người, có thể cảm thông cho nhau và chia sẻ cho nhau nhiều khó khăn trong địa ngục. Mỗi nhân vật trong tác phẩm có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau. Dù suy nghĩ, lời nói của họ nhiều lúc rất dân dã, bình dị, nhưng dưới ngòi bút của mình Lan Khai cho người đọc cảm nhận được những tâm hồn rất bình dị, đầy lòng nhân ái. Lan Khai không đi miêu tả, không đi kể lể, không tăng bốc họ. Ông thể hiện những tâm hồn đẹp ấy qua suy nghĩ, hành động của chính họ.
Ví như Dương min-nơ bề ngoài anh được miêu tả: “Tầm vóc cao lớn, đầu tròn, tóc húi ca- rê, mắt lồi và hung hung, mũi đỏ nổi một núm tròn như quả quýt đặt trên bộ ria mép khum khum kiểu ghi – đông xe đạp. Giọng nói của anh ta bình tĩnh, êm ái và khi nói anh hay nhìn thẳng vào mặt người nghe, nhìn một cách chân thực và vui vẻ bông lơn dễ yêu lạ” (tr 103). Dương là nhân vật điển hình về một người thợ từng trải, anh phải chịu số phận long đong, nguy hiểm, phải sống độc thân. Do cọ xát với cuộc đời khắc nghiệt, anh là người có nhiều kinh nghiệm, có suy nghĩ và nhận thức, có tình người, biết phán xét cuộc đời. Dù cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, nhiều niềm không vui, nhưng Dương vẫn biết yêu thương bạn bè, biết trân trọng và bảo vệ tình yêu chân chính. Dương không chán ghét cuộc đời dù có những lúc không tin tưởng vào ngày mai. Thấy hoàn cảnh đáng thương của Tép, Dương không hề trêu đùa mà còn giúp Tép và Thuật đến được với nhau. Giúp đôi bạn trẻ xây dựng được một tình yêu hạn phúc.
Những người thợ trong Lầm than mỗi người một tính. Thuật thật thà ngay thẳng, đôi khi còn ngây thơ, anh biết căm ghét bất công, giàu tinh thần phản kháng, là người biết nhìn rõ cái đẹp và cái thiện của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong môi trường than bụi, anh là người độ lượng luôn luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của người lao động. Ngọn lửa tình yêu trong anh hồn nhiên, ấm áp và chân
thành, từ xúc cảm ban đầu khi gặp Tép, người con gái xinh đẹp bất hạnh, đến khi tình yêu nhen nhóm, Thuật không hề chứa chất trong mình những mặc cảm và định kiến từ miệng lưỡi thế gian, mọi lời đàm tiếu về người con gái có “số phận bỏ đi”, Thuật thẳng thắn bênh vực người phụ nữ bất hạnh này. Khi yêu, anh cũng hồi hộp, thẹn thùng và tưởng tượng ra một gia đình hạnh phúc: “Vậy hai người sẽ sống chung với nhau dưới một nóc nhà tranh”( tr150). Yêu Tép, anh đấu tranh thẳng thắn với những thành kiến và hủ tục quanh mình và cả những người thân khi chưa hiểu rõ ngọn nguồn về người mình yêu. Kết hôn với Tép, Thuật là người chồng tốt bụng, anh là người thương yêu cha mẹ vợ con bằng tình cảm bình dị của những người lao động. sau lúc nóng giận, anh tự mình hối hận. Thuật là người biết yêu thương đồng đội, anh đau đớn cho bạn bè không may gặp nạn sập lò, anh khóc và hồi tưởng lại từng câu nói của bạn bè: “Những nhời thảm đạm mỗi lúc một gần lại, một rõ rệt, một như mũi kim lạnh buốt đâm vào tim anh”(tr 214). Khi bị cai Tứ lập mưu lừa gạt trong hai lần gặp Thuật, anh bình tĩnh, tỉnh táo nhận rõ bộ mặt lòng lang dạ sói của kẻ thù, của hạnh phúc gia đình. Anh đã đáp lại cai Tứ bằng những lời lẽ mộc mạc nhưng sắc bén, ở một đoạn văn đầy kịch tính: “Vợ ông, ông còn muốn giữ thì vợ tôi, tôi cũng tiếc chứ lại! Cớ sao ông lại đem cái điều chính ông không thích mà xui tôi làm?
Cai Tứ ngồi nhỏm dậy:
- Cái ấy đã hẳn. Một thằng khố rách như anh ví với tôi thê nào được!
- Một thằng khố rách những nó là người thì nó không bao giờ lại ví được với giống mặt người dạ chó” (tr 225).
Qua đó đủ thấy bản lĩnh của một người lao động biết trọng nghĩa khinh tài, không bị tiền tài mua chuộc, không bị rượu chè, thuốc phiện làm lung lạc. Khi đụng độ với cai thầu và chủ mỏ, biết tai họa sẽ xảy ra, Thuật trăn trở thương vợ, thương con. Là con người ngay thẳng và dũng cảm, nhưng Thuật cũng ngây thơ tin vào luật pháp và lẽ phải trong xã hội thuộc địa – một chế đạo vô nhân đạo ấy. Khi bị
giải vào nhà pha, “Thuật lẳng lặng bước vào, yên trí rằng mình đã không có tội gì thì pháp luật sẽ minh xét và rồi thể nào cũng được tha bổng” (tr 239). Lan Khai đã làm toát lên những đức tính tốt đẹp, trong sáng của người lao động trong chốn bùn lầy bằng những việc làm rất đơn giản. Họ sống với nhau bằng tình cảm của con người. Họ luôn có tinh thần bảo vệ những người thân yêu, găn bó với nhau không phải vì tiền mà vì tình cảm giữa con người với con người, biết che chở, săn sóc ho nhau. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn có nhân phẩm, có lòng tự trọng của chính mình. Đói khổ là thế, họ vẫn tin tưởng vào tương lai, vào lẽ phải, vẫn sống xứng đáng là một con người có ích cho xã hội.
Không những vậy, Thuật còn là một người đa sầu, đa cảm, càng nhận rõ kẻ thù phá hoại hạnh phúc của mình, anh hối hận không giết được cai Tứ. Thuật là hình tượng điển hình về người công nhân nghèo khổ bị bóc lột và áp bức đến tận cùng, nhưng ở anh không mất đi cái thiên lương quí giá và tinh thần phản kháng mạnh mẽ của người lao động, luôn trân trọng và bảo vệ đến cùng hạnh phúc dù nhỏ nhoi của đời người. Đánh lại cai thầu và chủ mỏ là chống lại áp bức, tuy là hành động tự phát, nhưng điều này cũng nói lên ý thức về quyền sống và hạnh phúc của người lao động đã thức tỉnh, con người đó có tiềm năng để hòa mình vào những cơn lốc của sự đổi đời, nếu như có một phong trào cách mạng nhóm lên ở nơi “địa ngục”.
Kề bên Thuật là nhân vật Tép. Một người con gái đại diện cho thế giới đầy than bụi ấy. Tép lại là người bất hạnh vì sớm mồ côi cha, cha cô chẳng may mất vì nạn sập lò, tép phải tìm đến cai Tứ vay tiền thuốc than cứu mẹ, bị rơi vào tay chủ Tây, Tép bị chủ Tây dùng tiền và sức mạnh cưỡng đoạt sự trong trắng của người con gái. Là người có ý thức nhân phẩm, Tép đau xót phải mang tai tiếng với bao thành tiếng khắc nghiệt, bao lời thóa mạ ác độc không chỉ của người đời mà của cả những người thợ mỏ. Tép thầm yêu Thuật những mặc cảm với thân phận của mình, cô không dám mơ ước. Cô mong người ta không khinh mình là tốt rồi. Là
người nhạy cảm luôn khao khát có một tình yêu chân chính, Tép vẫn có những suy nghĩ, những khát khao riêng của mình. Như bao người phụ nữ khác, vẫn muốn có một gia đình đầm ấm, một tình yêu trọn vẹn. Hàng ngày lam lũ, vất vả, cô bị o ép cả về tinh thần và thể xác. Rồi khi biết Thuật có ý với mình, Tép sung sướng. Trong đêm tối của hầm mỏ, tình yêu nảy nở, đơm hoa, kết trái với hạnh phúc của đôi trai gái trẻ. Ngòi bút của nhà văn đã làm sáng lên những ước mơ bình dị, những gì đẹp nhất của một con người.
Cũng như bao người phụ nữ trên mảnh đất Việt Nam, thiên chức làm mẹ, làm vợ, vun vén cho gia đình in sâu trong tâm hồn, tính cách của Tép. Khi Thuật bị bắt, bao ác mộng, bao sự lo lắng chập chờn trong từng giác ngủ của Tép. Tép là một phụ nữ dịu hiền, nhưng lại chứa đựng trong mình một tiềm năng phản kháng. tức nước vỡ bờ, Tép đã vạch trần bộ mặt xấu xa của tên cai thầu đểu cáng, khi hắn tiếp tục đến nhà dùng tiền mua chuộc Tép làm trò vui cho chủ:
“Tép bỗng hoạt động hẳn lên, dữ dội một cách phi thường. Chị giật phăng tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ
- Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì! Bước ngay đi, đồ chó!” (tr 250).
Sức mạnh tinh thần của người phụ nữ nhỏ bé được nhân lên gấp bội, bởi vì khi người lương thiện bị chạm tới vết thương trong lòng và bị xô đẩy vào vực thẳm; đó là sức mạnh của phẩm giá làm người, cô đã lột trần bản chất lòng dạ lang sói của tên cai thàu bóc lột – ket thù của mọi sự bình yên hạnh phúc. Sau này chúng ta bắt gặp tinh thần phản kháng ấy ở chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Tép là chân dung người phụ nữ lao động nghèo khổ nhưng tâm hồn trong sáng hướng thiện, biết tìm ra hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc, nhưng thế lực đen tối đã cướp đi nguồn hạnh phúc nhỏ bé của Tép và đẩy cô vào cảnh vợ lìa chồng, con lìa cha vì dục vọng thấp hèn của bọn lang sói. Để rồi hành động cuối cùng “tức nước vỡ bờ” là Tép đã ném tiền vào mặt cai Tứ và chủi hắn “cút đi”. Qua đó, ta thấy
cũng như Thuật, Tép khi có ánh sáng và niềm tin mới, sức mạnh trong cô bùng lên cũng dữ dội và rất mãnh liệt.
Bên cạnh Tép, còn có những người mẹ, người vợ của những người phu mỏ. Họ cùng chung số phận người nghèo khổ bần cùng, nhưng lại có nhiều đức tính lương thiện. Họ nhất mực thương con, thương người đồng cảnh ngộ. Cuộc sống tuy nhọc nhằn khổ ải nhưng các bà mẹ ở đây không mang những thành kiến nặng nề về hủ tục. Họ cùng nhau vun đắp hạnh phúc cho con cái, lấy đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc cho cuộc sống riêng của mình. Ta không thể không nhắc đến các nhân vật quần chúng lao động, tuy cuộc sống than bụi nghèo nàn nhưng họ vẫn sẵn sàng tập hợp lại bên nhau để bênh vực cho lẽ phải. Khi gia đình Tép Thuật gặp oan trái, mọi người kéo tới tỏ thái độ đồng tình với người lao động lương thiện và phản kháng những hành vi bỉ ổi của bọn áp bức: “Đám đông im lặng, cảm động. Có người chùi nước mắt. Có người nắm tay hằn học XII”.
Qua đó để thấy được, quần chúng lao động là những người hơn ai hiểu rõ bản chất của tầng lớp thống trị. Chính tội ác chúng gây ra đã thức tỉnh quyền sống làm người của họ. Không những vậy, những con người lương thiện này, chính tâm hồn họ làm cho cuộc sống trong chốn bụi than trở nên trong sáng, bớt ngột ngạt hơn. Có thể thể hiện được những phẩm chất và tính cách của người thợ nói riêng và của nhân dân lao động một cách tinh tế như vây, ta có thể hiểu sự gắn bó, yêu thương, đồng cảm của nhà văn. Nhà văn phải có một sự đồng cảm, xót xa, phải sống, ăn ở cùng với họ mới có thể thấy được những thiên lương tốt đẹp của những con người suốt ngày giam mình trong hầm tối. Dù công việc của họ không cho họ tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, nhưng tâm hồn họ còn sáng hơn ánh mặt trời trên cao.