4. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài
1.3.2. Thực trạng sử dụng bao bì nilon ở Việt Nam
Ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng; người bán sẵn sàng đưa thêm một hoặc vài chiếc túi nilon cho người mua khi được yêu cầu; người mua ít khi mang theo vật
đựng (túi xách, làn…) vì biết chắc chắn rằng khi mua hàng hóa sẽ có túi nilon kèm theo để xách về.
Việt Nam được xem là một trong các quốc gia sản xuất nhiều túi nilon các loại nhất và cũng là quốc gia dùng túi nilon lãng phí nhất. Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng chỉ sử dụng túi nilon một lần rồi thải ra môi trường. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam nhưng đã có một số khảo sát, ước tính về số lượng này. Tuy có sự khác nhau về con số nhưng nhìn chung lại là con số này rất lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý ở hầu hết tất cả các khâu của vòng đời túi nilon: từ sản xuất, lưu thông phân phối, sử dụng cho đến thải bỏ, thu gom, xử lý cũng chưa được quan tâm, giám sát. Theo ước tính số lượng bao nilon con người thải ra trong một năm sẽ phủ kín bề mặt trái đất tấm nilon khổng lồ dày tới 0,8 mm. Chỉ tính riêng nước ta, với con số ước lượng như trên thì trong một năm số lượng túi trải ra trên bề mặt cả nước là 9,1 chiếc/m2.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII ngày 15/10/2010 ước tính, mỗi năm, Việt Nam sử dụng 12.000 tấn bao bì nilon.
Kết quả điều tra, khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm năm 2010 đối với 263 người tại 5 tỉnh/thành phố đại diện cho 3 vùng miền của Việt Nam cho thấy, gần 50% số hộ sử dụng 8 bao bì nilon trở lên, trong đó có 35,1% số hộ sử dụng trên 10 bao bì/ngày. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 223 bao bì/tháng (khoảng 7,5 bao bì/hộ/ngày), tương đương 1kg bao bì nilon/hộ/tháng, trong đó, 98,7% là bao bì nilon khó phân hủy.
Kết quả phân loại mẫu rác thải sinh hoạt tại một số thành phố lớn của Việt Nam cho thấy tỷ lệ khối luợng nhựa phế thải trong rác sinh hoạt dao động trong khoảng từ 6-11% trong đó, tỷ lệ tại Hà Nội là 7,2-7,8%; TP. Hồ Chí Minh là 7,4- 11,0%; Hải Phòng là 6,0%; Đà Nẵng là 5,7%; trong đó tỷ lệ LDPE chiếm 75-80%, HDPE chiếm 6-10%, PVC chiếm 5-8%, PET chiếm 3-6%, PP chiếm 2-5%, PS chiếm 2-3%. Như vậy, bao bì nilon chiếm 81-90% tổng khối lượng nhựa chứa trong rác thải sinh hoạt.
Theo kết quả khảo sát của Quỹ tái chế chất thải TP. Hồ Chí Minh thực hiện tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đầu năm 2008, có khoảng 34 - 60 tấn bao bì nilon được dùng trong một ngày tại TP. Hồ Chí Minh tương đương với 5 – 9 triệu túi/ngày từ các hộ dân. Trong đó, 72% lượng túi nilon được tiêu thụ ở 229 chợ, kế đến là siêu thị 22%, trung tâm thương mại là 3%.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thấy người dân đã quá phụ thuộc vào túi nilon với 93% người khi đi mua hàng hoàn toàn không mang theo túi vì cho rằng “được phát miễn phí thì sao lại không dùng”, 1/4 số này cho rằng sẽ rất bất tiện nếu mang theo túi từ nhà mỗi khi đi mua sắm. Có đến 71% số người được điều tra cho biết là vứt ngay sau lần sử dụng đầu tiên (vứt vào sọt rác), chỉ có 19% rửa sạch và cất đi để lần sau dùng lại.
Theo ông Lê Lộc - Công ty Phúc Lê Gia, hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có hơn 10.000 cơ sở tư nhân sản xuất bao bì nilon đang hoạt động. Trong khi đó, tổng số lượng cơ sở sản xuất bao bì giấy hoặc các loại túi đựng làm từ chất liệu khác được sử dụng nhiều lần chưa bằng 1/5 số lượng cơ sở sản xuất bao bì nhựa. Mỗi ngày, ở TP. Hồ Chí Minh có hơn 120 tấn bao bì các loại được tiêu thụ cho tất cả các mục đích sử dụng như đóng gói hàng hóa, chứa sản phẩm, chứa rác hay các yêu cầu đặc biệt cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế,... Trong khối lượng bao bì đáng kể nêu trên, chủ yếu là bao bì làm từ chất dẻo (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ tức khoảng gần 80 tấn/ngày). Ngoài ra, còn một số loại bao bì khác cũng được sử dụng, đó là bao bì giấy hoặc các loại bao bì được sử dụng nhiều lần.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi khí hậu (SCC) vào tháng 9/2008 trên 200 khách hàng tại Hà Nội cho thấy, bình quân mỗi gia đình sử dụng 11,3 túi nilon/ngày và đại bộ phận số túi này chỉ sau một lần sử dụng bị thải ra môi trường. Theo tính toán, nếu mỗi túi nilon trị giá trung bình 200 đồng thì với khoảng 800.000 gia đình Hà Nôi (số liệu cũ) sẽ thải ra 9 triệu túi nilon/ngày, 270 triệu túi/tháng, 3240 triệu túi/năm tương ứng với số tiền bị lãng phí là 1,8 tỷ đồng/ngày, 54 tỷ đồng/tháng, 648 tỷ đồng/năm. Tại chợ Đồng Xuân, mỗi hộ kinh doanh tiêu thụ khoảng 200 - 300 bao bì/ngày để gói hàng cho khách.
Song, cùng theo thống kê của Sở TN & MT Vĩnh Phúc cho thấy: với 250.000 hộ dân, mỗi ngày người dân Vĩnh Phúc sẽ thải ra môi trường khoảng 2 triệu túi nilon đã qua sử dụng, tương đương 400 tấn/tháng. Chưa kể lượng túi nilon phát sinh trong các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn phần lớn bị vứt bỏ khắp nơi. Việc này không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn là hiểm hoạ khôn lường cho con người và môi trường.
Theo bà Nguyễn Ánh Hồng – giám đốc hệ thống Maximark, toàn bộ hệ thống siêu thị này tiêu thụ bình quân 10 tấn nilon/tháng. Nếu tính trung bình 1kg nilon khoảng 100 túi, mỗi tháng hệ thống cho ra thị trường khoảng 1 triệu túi, mỗi năm là 12 triệu túi. Hệ thống BigC cũng tiêu tốn khoảng 20 tấn/tháng tương đương với 3 triệu túi (150 túi/kg).