Những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất rau an toàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng môi trường sản xuất rau tại xã tu lý, huyện đà bắc, tỉnh hòa bình (Trang 27 - 29)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.2. Khái niệm rau an toàn và sản xuất rau an toàn

2.2.4. Những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất rau an toàn

2.2.4.1. Thuận lợi

- Cây rau được coi là cây mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của khách hàng.

- Nước ta có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên phù hợp với hầu hết các chủng loại rau trên thế giới.

- Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về sản xuất rau an toàn đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển rau an toàn.

- Người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây rau, nguồn lao động dồi dào, có trình độ.

2.2.4.2. Khó khăn

- Do ruộng đất giao cho người nông dân, nên sản xuất rau chủ yếu do người nông dân thực hiện mang tính cá thể, chính sự phát triển phân tán, tự phát rất khó áp dụng các kỹ thuật công nghệ mới theo tiêu chuẩn làm cho chất lượng và VSATTP của rau không đồng đều.

- Tuy có thể sản xuất rau quanh năm, nhưng Việt Nam vẫn co hai thời điểm giáp vụ trên rau xen vào vụ đông xuân và vụ hè thu, do đó vào thời gian này thường nhập khẩu rau có nguồn gốc ôn đới từ các nước mà chủ yếu là Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch.

- Phân bố diện tích rau không đồng đều, rau chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long tới 47,91% diện tích và 53,82% sản lượng rau của cả nước. Nên đôi khi gây ra tình trạng dư thừa rau ở vùng này, nhưng lại thiếu hụt, khan hiếm rau ở vùng khác như vùng Tây Bắc và Nam Trung Bộ (Tổng cục thống kê, 2010).

- Đến năm 2009, diện tích rau cả nước là 735.335 ha, diện tích rau sản xuất theo quy trình an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước (65.503,5 ha) (Tổng cục thống kê, 2010). Việc kiểm soát chất lượng và VSATTP đối với rau xanh còn rất hạn chế, TP.HCM chỉ kiểm soát được 20-30% nhu cầu rau xanh của thành phố. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau quả tại Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP.HCM vào cuối năm 2008 của dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm cho thấy trong 76 mẫu rau thì 40 mẫu (chiếm 52,6%) nhiễm E.coli vượt quá giới hạn cho phép (Bộ NN& PTNT, 2010).

- Hầu hết các cơ sở chưa xây dựng được thương hiệu, nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Giá tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu nội tiêu, thị trường xuất khẩu chưa mở rộng và chưa ký được hợp đồng dài hạn.

- Người sản xuất thiếu vốn đầu tư sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Công nghệ thu hoạch, bảo quản chưa được áp dụng rộng rãi, chất lượng rau chỉ đáp ứng được phần cơ bản yêu cầu thị trường.

- Công tác quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hóa chưa rõ trong phạm vi toàn quốc và từng vùng sinh thái, các địa phương lúng túng trong hoạch định lâu dài chiến lược phát triển các loại cây trồng nói chung và cây rau hoa quả nói riêng, trong đó có chiến lược về diện tích sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng môi trường sản xuất rau tại xã tu lý, huyện đà bắc, tỉnh hòa bình (Trang 27 - 29)