Các giải pháp phát triển rau an toàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng môi trường sản xuất rau tại xã tu lý, huyện đà bắc, tỉnh hòa bình (Trang 29 - 33)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.2. Khái niệm rau an toàn và sản xuất rau an toàn

2.2.5. Các giải pháp phát triển rau an toàn

2.2.5.1. Lựa chọn giống canh tác

Chọn giống là yếu tố tiên quyết trong phát triển RAT, để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cần lai tạo ra những giống cây trồng kháng bệnh, ít sâu bệnh hại, chống chịu tốt đối với môi trường sống và nhanh chóng đưa vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp (Vũ Đình Hòa, 2005).

2.2.5.2. Sử dụng hợp lý hóa chất thuốc bảo vệ thực vật và đúng kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng

Để sản xuất trong nông nghiệp được ổn định, tồn tại và phát triển, giải pháp tốt nhất cho nông dân là áp dụng triệt để nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV.

- Nguyên tắc thứ nhất, đúng loại: Để sử dụng đúng phân bón cho cây trồng, người nông dân cần quan tâm thời điểm sử dụng, mục đích bón để làm gì, tạo và nuôi củ, thúc đọt và nuôi lá, xử lý ra hoa hay nuôi trái…

- Nguyên tắc thứ hai, đúng liều: Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn, nhưng biên độ quá lớn, như sử dụng từ 10-20ml cho bình 8 lít. Vậy khi nào thì dùng 10ml và khi nào thì dùng 20ml. Xét về giá trị kinh tế nếu dùng 10ml thì giá chừng ấy, còn dùng 20ml thì giá tăng gấp đôi.

- Nguyên tắc thứ ba, đúng lúc: Phải xác định lúc nào thì bón phân hay phun thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với việc bón phân, nên bón vào đầu giai đoạn hay đầu mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến điều kiện thời tiết, khí hậu là những yếu tố có tác động rất lớn đến quá trình hoạt động của lá, rễ. Nếu lá, rễ hoạt động kém thì khả năng sử dụng phân bón cũng kém.

- Nguyên tắc thứ tư, đúng cách: Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng không đúng thì sẽ làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng. Trong sử dụng phân bón, các nhà

khoa học luôn luôn khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây.

Nếu sử dụng đúng 4 nguyên tắc trên sẽ giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản, tạo được một sản phẩm an toàn, sạch bệnh và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, người nông dân phải có đủ kiến thức về quy luật phát sinh, phát triển của đối tượng gây hại, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cũng như tác dụng của từng loại thuốc BVTV, phân bón…(Báo Phú Yên, 2010).

2.2.5.3. Ứng dụng mô hình sản xuất rau sạch

Bên cạnh phương thức canh tác rau theo kiểu truyền thống, trong những năm trở lại đây đã có nhiều mô hình canh tác, sản xuất rau theo hướng an toàn, góp phần tăng năng suất rau, bảo vệ môi trường như mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vậy tiêu chuẩn VietGAP là gì?

Theo BNN & PTNN: VietGAP được viết tắt là (Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Với lợi ích lớn nhất khi trồng rau theo mô hình VietGAP là an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi vì các loại rau này được sản xuất và chứng nhận theo một quy trình có sự giám sát nghiêm ngặt nên đạt chất lượng cao hơn rau thông thường và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cùng với đó khi trồng rau theo hướng này góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì vậy mà ngày nay diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang có xu hướng tăng.

2.2.5.4. Sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại

Đây là nhóm chế phẩm được ứng dụng khá rộng rãi và được ứng dụng sớm nhất trong lĩnh vực cây trồng

Chế phẩm sinh học có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường như các loại thuốc BVTV)có nguồn gốc hóa học khác, đồng thời không làm cho sâu hại có khả năng nhờn thuốc, kháng thuốc…

Một số sản phẩm tiêu biểu

+ Các chế phẩm từ vi khuẩn: Thuốc trừ sâu vi sinh BT thuộc nhóm trừ sâu sinh học, có nguồn gốc vi khuẩn, phổ diệt sâu rộng và hữu hiệu đối với các loại sâu như sâu cuốn lá, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn tạp… Sâu khi ăn phải thuốc sẽ ngừng ăn sau vài giờ và chết sau 1 – 3 ngày.

+ Các chế phẩm từ nấm:

Điều chế từ nấm có sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học VIBAMEC với hoạt chất Abamectin được phân lập từ quá trình lên men nấm Steptomyces avermitilis. Diệt trừ được các loại sâu như sâu vẽ bùa, nhện, sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ, bọ phấn.

+ Các chế phẩm từ virus:

Tiêu biểu là nhóm sản phẩm chiết xuất từ virus NPV. Đây là loại virus có tính rất chuyên biệt, chỉ lây nhiễm và tiêu diệt sâu xanh da láng rất hiệu quả trên một số cây trồng như bông, đậu đỗ, ngô, hành, nho.

+ Chế phẩm từ tuyến trùng và nguyên sinh động vật:

Được coi là tác nhân có nhiều triển vọng bởi có khả năng diệt sâu nhanh, phổ diệt sâu rộng, an toàn cho người, động vật và không gây khả năng “kháng thuốc” ở sâu.

+ Chế phẩm từ thuốc kháng sinh:

Vi khuẩn, nấm và xạ khuẩn là những vi sinh vật sinh ra nhiều chất kháng sinh. Chất kasugamycin có hiệu quả trừ một số vi khuẩn và nấm gây bệnh nhưng chỉ trong sự hiện diện của dịch cây.

Validamicin là chất kháng sinh đặc hiệu đối với giống nấm Rhizoctonia. Các chất phytobacteriomicin và polimicin do xạ khuẩn tiết ra có tác dụng trừ vi khuẩn và nấm. Nấm T.roesum tiết ra trichothecin là chất kháng sinh có tác dụng phổ rộng để trừ nấm gây bệnh (Trần Thị Liên,2016).

2.2.5.5.Sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh

Phân bón hữu cơ là phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định quốc gia.

Theo Lê Thị Thu Hà (2016) thì phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón có chứa chất hữu cơ > 15 % và có chứa vi sinh vật có ích với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành, phân hữu cơ sinh học là một loại phân được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ với quy trình chế biến được áp dụng bằng các tác nhân hoặc bằng các kỹ thuật công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực của phân thương phẩm.

2.2.5.6. Một số giải pháp khác * Kỹ thuật canh tác

Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn. Trong khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án phả t ến hành rà soát, báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Áp dụng các kỹ thuật canh tác như: thủy canh, trông rau trong nhà lưới, mái che, trồng ngoài đồng, …

* Xã hội

Tuyên truyền bảo vệ môi trường nông thôn không phải là việc chỉ làm một sớm một chiều mà đòi hỏi phải thường xuyên lâu dài. Vì thay đổi thói quen của người dân là không dễ, có thể nên đưa vào giáo dục cho trẻ em ngay từ tuổi mầm non, để các em dần hình thành các thói quen tốt cho môi trường, như không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước...

Nội dung của phương pháp này là thay đổi các tập quán vốn có của người dân bằng cách tuyên truyên tập huấn.

- Đối với người sản xuất: Tập quán sử dụng nước phân tươi để tưới rau, phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mua được để trừ sâu và bệnh hại, sử dụng phân bón cho mọi nhu cầu tăng năng suất. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp như tuyên truyền hướng dẫn người nông dân cách sử dụng thuốc BVTV hợp lý, tuyên truyền các mô hình, quy trình sản xuất rau sạch.

- Đối với người tiêu dùng: Hiểu được tác hại của việc sử dụng rau ô nhiễm cũng góp phần tạo dư luận xã hội, Hướng dẫn cách phân biệt rau an toàn với rau bị ô nhiễm.

Để công tác bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện tốt phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, hướng dẫn giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng môi trường sản xuất rau tại xã tu lý, huyện đà bắc, tỉnh hòa bình (Trang 29 - 33)