Khái niệm năng lực

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỀN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐẺ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH LỚP 5 (Trang 38 - 39)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Khái niệm năng lực

Khái niệm năng lực đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong nhiều năm, do vậy có nhiều khái niệm khác nhau về năng lực.

Theo X. Roegiers (1996) cho rằng: “Năng lực là sự tích hợp các kĩ năng tác động một cách tự nhiên lên các nội dung trong một loạt tình huống cho trước để giải quyết những vấn đề do tình huống này đặt ra” [31].

Còn F.E.Weinert (2001) lại cho rằng: “Năng lực là tổng hợp các khả năng và kĩ năng sẵn có hoặc học được… cũng như sự sẵn sàng của học sinh nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh và hành động một cách có trách nhiệm, có sự phê phán để đi đến giải pháp” [39].

Dự án DeSeCo – Definition and Selection of Competncies (2002) xác định NL như là một “hệ thống các cấu trúc tinh thần bên trong và khả năng huy động các kiến thức, kĩ năng nhận thức, kĩ năng thực hành và thái độ, cảm xúc, giá trị, đạo đức, động lực của một người để thực hiện thành công các hoạt động trong một bối cảnh cụ thể” [33].

Tổ chức OECD (2002) cũng quan niệm NL là “khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể” [34].

Ở nước ta, nhiều nhà giáo dục học, tâm lí học… cũng có những định nghĩa và giải thích về NL. Theo tài liệu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018) giải thích: “Năng lực là khả năng thực hiện thành công hoạt động trong một bối cảnh nhất định nhờ sự huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… Năng lực của cá nhân được đánh giá qua phương thức và kết quả hoạt động của cá nhân đó khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống” [3].

Theo Từ điển Tiếng Việt (2005) của tác giả Hoàng Phê: “Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Năng lực là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một hoạt động nào đó với chất lượng cao” [21].

NL là thuật ngữ được sử dụng trong cả khoa học và trong ngôn ngữ hằng ngày. Có nhiều cách trình bày khác nhau về khái niệm NL cũng như sự phân tích chia nhóm NL thành phần. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nhìn chung có sự thống nhất cách hiểu về khái niệm NL: Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân bao gồm kiến

thức, kĩ năng và thái độ, phù hợp với yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có hiệu quả.

Chương trình GDPT tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018) cũng đã chia năng lực cá nhân thành hai nhóm: nhóm NL chung và nhóm NL đặc thù môn học.

NL chung là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì một người nào cũng cần có để sống, học tập và làm việc. Nhóm các NL chung bao gồm các NL: tự học, tự giải quyết vấn đề và sáng tạo, thẩm mĩ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

NL đặc thù môn học (của môn học nào) là năng lực mà môn học (đó) có ưu thế hình thành và phát triển (do đặc điểm của môn học đó). Một năng lực có thể là NL đặc thù của nhiều môn học khác nhau. Theo một số tài liệu khác, NL đặc thù môn học còn gọi là NL chuyên biệt hay NL riêng biệt.

NL chung và NL đặc thù có quan hệ với nhau, NL chung là cơ sở của NL đặc thù, nếu chúng càng phát triển thì càng dễ dàng đạt được NL đặc thù. Ngược lại sự phát triển của NL đặc thù trong những điều kiện nhất định sẽ có ảnh hưởng đối với sự phát triển của NL chung. Hai loại năng lực chung và đặc thù luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Từ các quan điểm về năng lực nêu trên, chúng tôi cho rằng, năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển dựa trên tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện; là khả năng kết hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, động cơ, niềm tin, ý chí… để thực hiện thành công một hoạt động nào đó trong những điều kiện nhất định.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỀN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐẺ TOÁN HỌC CHO HỌC SINH LỚP 5 (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)