CHƯƠNG 5 THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM
5.4. Nội dung thực nghiệm
Căn cứ vào kế hoạch giảng dạy ở cấp tiểu học, nội dung chương trình SGK toán lớp 5 và thời gian thực nghiệm, chúng tôi chọn các bài thực nghiệm theo đúng tiến trình kế hoạch năm học quy định, cụ thể như sau:
5.4.1. Giáo án 1: Cộng số đo thời gian (Phụ lục 3)
Giáo án được thiết kế theo hướng dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề gồm 4 hoạt động chính:
HĐ1: Trò chơi khởi động
Trò chơi tạo không khí vui tươi, sảng khoái cho HS trước khi vào học bài mới. Ngoài ra còn giúp HS củng cố lại một số kiến thức cần thiết (Cụ thể: đổi đơn vị đo thời gian cần thiết cho kiến thức mới).
HĐ2: Hình thành kiến thức mới
Vì dạy học theo hướng phát hiện và giải quyết vấn đề nên các hoạt động chủ yếu là do HS tự phát hiện vấn đề, tự thảo luận tìm cách giải quyết, từ đó hình thành được kiến thức mới. GV chỉ là người hướng dẫn, dẫn dắt và chốt kiến thức.
HĐ3: Thực hành luyện tập
HS chủ yếu hoạt động dưới nhiều hình thức: cá nhân, nhóm. Tự phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề và kiểm tra, đánh giá kết quả. GV đánh giá sau cùng.
HĐ4: Vận dụng sáng tạo
HS không chỉ vận dụng kiến thức mới vào giải quyết các vấn đề tương tự mang tính chất luyện tập, thực hành (HĐ3); hoạt động này đòi hỏi HS phải suy nghĩ, tìm tòi giải pháp để giải quyết các bài toán chứa tình huống thực tế trong cuộc sống.
Ngoài bốn hoạt động chính nêu trên còn có hoạt động củng cố. Hoạt động củng cố khá nhẹ nhàng, HS nêu lại cách cộng số đo thời gian và trả lời thêm câu hỏi mở rộng của GV nhằm củng cố lại kiến thức và rèn luyện khả năng vận dụng toán học vào thực tế cuộc sống.
Trong giáo án tích hợp các biện pháp nhằm phát triển NLGQVĐTH đã đề cập ở chương 4 của luận văn là:
Biện pháp 1: Sử dụng câu hỏi chứa tình huống thực tế trong dạy học môn Toán để HS vận dụng (ở hoạt động hình thành kiến thức mới và hoạt động vận dụng sáng tạo).
Biện pháp 4: Rèn cho HS thói quen tự kiểm tra, đánh giá kết quả, phát hiện sai lầm và đưa ra biện pháp khắc phục (xuyên suốt bài học).
5.4.2. Giáo án 2: Quãng đường (Phụ lục 4)
Tương tự giáo án 1, giáo án 2 cũng được thiết kế theo hướng dạy học phát hiện các biện pháp nhằm phát triển NLGQVĐTH đã đề cập ở chương 4 của luận văn là:
Biện pháp 2: Rèn luyện cho học sinh tiểu học khả năng nhận diện, phát hiện vấn đề cần giải quyết bằng toán học (Qua phân tích các bài toán trong bài học mới, HS nắm được cái gì đã cho, cái gì cần tìm, từ đó phát hiện ra vấn đề cần giải quyết).
Biện pháp 3: Tập luyện cho học sinh tìm tòi, khám phá cách thức, giải pháp giải quyết vấn đề không có sẵn quy trình,phương pháp (Thông qua việc tìm giải pháp để giải các bài toán trong bài, đặc biệt là bài tập số 3 ở HĐ Luyện tập tương đối khó).
Biện pháp 4: Rèn cho HS thói quen tự kiểm tra, đánh giá kết quả, phát hiện sai lầm và đưa ra biện pháp khắc phục (xuyên suốt bài học).
5.4.3. Kiểm tra đánh giá kết quả thực nghiệm (Phụ lục 5)
Sau thực nghiệm sư phạm, ở lớp thực nghiệm và lớp đối chứng đều có bài kiểm tra (khoảng 40 phút) để so sánh mức phát triển NLGQVĐTH và kết quả học tập môn Toán ở cả hai nhóm đối tượng.