Thỉnh thoảng tình cờ sờ thấy mấy cục hạch nổi lên đâu đó trong người bé, ba má bé hốt hoảng, không biết nó mắc bệnh gì và vội vàng mang đến bác sĩ. Thực ra, trong trường hợp bình thường, một số vị trí trong cơ thể con người có các hạch bạch huyết đó “trú đóng”. Gọi trú đóng vì nó giống như các “trạm gác” nằm trên các vị trí ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng: ở cổ, ở nách, ở háng... Khi có một cuộc tấn công ở vùng nào trong cơ thể, các hạch ở vùng đó sưng to lên, ta gọi là nổi hạch. Chẳng hạn khi chân bé bị toét, làm độc hay có ghẻ mủ thì ở háng có các hạch nổi lên. Các hạch đó bình thường đã có, nhưng nhỏ thôi, sờ kỹ mới thấy, khi đụng chuyện mới sưng to lên.
* Ở bé thường thấy nhất là nổi hạch cổ, gáy. Bất cứ một chứng bệnh nào ở vùng này cũng thường làm sưng hạch cổ như viêm a-mi-đan kinh niên, thường đi kèm hạch hai bên cổ, ở dưới hàm; chứng thúi tai, nhọt lỗ tai, nhọt mủ ở da đầu thì sưng các hạch sau tai, hạch ở ót (gáy)... Như vậy, sưng hạch thường đi kèm một thứ bệnh nào đó, cần chữa đúng bệnh thì hạch cũng sẽ hết sưng. Thường thường bệnh khỏi rồi phải một thời gian sau các hạch mới trở lại bình thường được. Chứng lao
135 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com
hạch – mà ta thường gọi là hạch đàm – là một thứ bệnh lao thường thấy ở trẻ con, phải được chữa cẩn thận, đúng đắn vì nếu không bé không lớn nổi hoặc sẽ chết. Hạch nổi thường ở một bên cổ, trên bắp thịt nối dài từ mang tai đến đầu xương ức, lăn tròn dưới ngón tay.
* Ở các bé sáu, bảy tháng trở đi, thường sờ thấy hạch nổi lên lổn ngổn ở vùng ót, vì bé bị bệnh Rubéole (Rubella) một loại “ban đỏ” nhẹ. Bé hơi sốt, uể oải và nổi đốm đỏ lấm tấm ở bụng, ngực và nổi hạch ót, khi các đốm đỏ đã lặn hết thì các hạch ót vẫn còn đến mấy tháng sau mới mất.
* Một thứ “hạch” khác thỉnh thoảng mới thấy ở một vài bé thường gây nhiều lo lắng cho ba má, đó là hạch cổ lớn, như hạt xí muội, cứng và không có ranh giới rõ rệt, không đau đớn, nổi lên cũng trên bắp thịt ở cổ. Thực ra đó không phải là hạch mà chỉ là bướu máu (hématome) thường có trong trường hợp sinh khó (sinh ngược, sinh lâu)... “Hạch” này không cần dùng thuốc men gì, trong một thời gian cũng khỏi. Tuy vậy, nếu thêm chứng trẹo cổ thì phải đem đến bệnh viện.
* Những lúc lau tắm bé, bà mẹ vô tình sờ thấy ở nách bé một cái hạch lớn, cứng. Cái hạch đó là do bé được chích ngừa lao (BCG) lúc còn nằm ở nhà hộ sinh. Cơ thể bé đã phản ứng lại với thuốc chủng (BCG) bằng cái hạch đó. Có khi hạch loét ra, chảy nước vàng rồi mới teo lại. Không sao cả!
* Ở chi dưới cũng vậy, khi bé bị ghẻ nhọt trầy sướt nhiễm trùng, hạch ở háng nổi lên. Nếu hạch nổi to, đỏ, đau nhức và bé bị sốt thì phải khám ngay vì sợ bệnh dịch hạch.
Trường hợp không hiếm là chứng nổi hạch vì mèo quào. Các em bé thường chơi với mèo bị mèo quào cũng có thể bị nổi hạch hằng tháng mà không tìm ra bệnh gì cả.
Dĩ nhiên, còn cả chục thứ bệnh khác cũng có nổi hạch, nhưng ở trẻ con các thứ nổi hạch thông thường đã được kể trên. Không có gì đáng lo âu cả trừ hạch lao và dịch hạch.