Chương 46 Ban

Một phần của tài liệu Ebook Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng: Phần 2 (Trang 42 - 44)

Ban là gì?

Ban là một từ thông dụng đến nỗi không ai biết rõ nghĩa của nó là gì nữa! Bé nóng vài ba hôm là ban, bé nóng đi nóng lại là ban, bé ho lâu lâu một chút là ban, nổi vài nốt đỏ trên da là ban, nốt trắng cũng là ban, nốt đen càng là ban... Bé gầy ốm tong teo là ban, bé xanh xao còm cõi là ban, mà rụng tóc tróc da cũng là ban nữa!

Tôi đã được nghe rất nhiều lần các bà mẹ trả một cách quả quyết, tin tưởng như dao chém đá, khi được hỏi:

 Cháu đau gì đó?

 Cháu đau ban!

Nhưng trăm lần như một khi hỏi đau ban là đau làm sao thì ai cũng ấp úng trả lời không trôi. Tuy vậy, cũng có những bà mẹ rất thành thạo, trả lời rành mạch:

 Cháu bị ban đỏ, đi thầy Ba uống thuốc, ra ban đen, sau thành ban trắng, đi thầy Bảy, bắt uống nước cháo cả tháng bây giờ thành ban khỉ...

Mà khỉ thật! Bé nằm đó, thoi thóp thở, mắt lõm sâu, hai gò má nhô cao, chiếc sọ lủng lẳng trên cái cổ dài nối liền với một bộ xương đếm đủ từng cái một, cổ tay cổ chân đeo đủ các loại bù niệt, trên cổ toòng teng một bàn tay khỉ (để chữa ban khỉ). Có bé thì mắt còn sáng long lanh nhìn mọi người nhu van nài miếng cơm, giọt nước; có bé, khốn nạn hơn, đôi mắt đã đục mờ, vì thiếu sinh tố A. đứa khác da lở loét từng mảng, nhiều nhất ở miệng, ở nách, háng, chung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn và bàn tay, bàn chân. Nhiều khi nhìn bé trong tình trạng đó rồi nhìn lại bà mẹ mập mạp hồng hào đang cuống quít lo lắng cho bé, tôi tức nghẹn:

 Còn bà, bà thử uống nước cháo một tháng xem có trở thành “ban khỉ” như nó không!

Một bà mẹ trẻ vừa khóc vừa tâm sự:

 Tôi khổ lắm bác sĩ, tôi muốn mang cháu đi nhà thương lâu rồi mà bà nội cháu nhất định không cho. Bà khó lắm. Bà nó nó bệnh ban, phải chữa Thầy chớ đi nhà thương chích thuốc tây là chêt1 Tôi liều lén đi đây, bà chưa biết. Bác sĩ làm ơn cứu giùm cháu!

Còn làm gì được nữa! Bé vừa ốm đói, thiếu ăn, vừa bị viêm phổi nặng, đang trong tình trạng hấp hối. Cuối cùng bé chết. Đúng như lời bà nội bé nói đau ban mà vào nhà thương là... chết, không sai!

Phải, ban, cả một điệp khúc từ bao nhiêu thế kỷ rồi trên đất nước ta. Ban đỏ, ban đen, ban trắng, ban cua, ban bạch, ban khỉ, ban... con rít! Nếu khéo pha màu một chút ta sẽ có đến 36 thứ ban đủ màu sắc, từ rực rỡ đến u ám. Đã có bao nhiêu trẻ con ở xứ ta chết vô tôi vạ vì tiếng ban oan nghiệt này?

Và nhờ cái sự hàm hồ, không rõ nghĩa của tiếng ban, mà nó trở nên phong phú không ngờ! Nó là nỗi ám ảnh không nguôi của các bà mẹ thương con, nó là niềm hãnh diện của các bà hàng xóm giàu lòng từ thiện sẵn sàng định bệnh và chỉ thầy ban cho bé, nó cũng là ân nhân của các ông thầy trước một căn bệnh “bí” tìm không ra.

144 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com

Ban dưới mắt một bác sĩ:

Một bác sĩ được đào tạo theo Tây y khó lòng “thông cảm” được tiếng ban huyền diệu này! Nhiều vị đã nổi nóng, rầy oan bà mẹ. (Sự nổi nóng này mới đáng yêu làm sao: nó chứng tỏ ông ta còn có chút lương tâm nghề nghiệp!) Gì chớ rõ ràng bé bị viêm phổi nặng, màng phổi có mủ mà bà mẹ cứ nhất định là ban! Rõ ràng bé bị viêm tai giữa hoặc bị lao phổi, nóng dây dưa không chịu chữa, chỉ đi thầy ban vì cho là có gốc ban! Rõ ràng bé bị sốt thương hàn mà bà mẹ nhất định đi cắt, đốt, uống bùa vì cho là ban cua để rồi vài tuần sau bị biến chứng lủng ruột mới chịu vào nhà thương mổ. Nhưng bi thảm hơn cả là bé bị bỏ đói nhiều tháng chỉ còn da bọc xương rồi cho là ban khỉ, chặt bàn tay khỉ đeo lủng lẳng để chữa! Và căn bệnh sốt xuất huyết giết chết dễ dàng trẻ nhỏ nếu không được chữa đàng hoàng cũng bị gọi là... ban, vì có khi nổi các nốt đỏ ở da! Dĩ nhiên các bà mẹ bị rầy oan cũng buồn lòng không kém. Chỉ vì yêu thương con, kiêng cữ cho con, nghe lời chỉ dẫn của “người có kinh nghiệm” cho con đi Thầy, Bà, bây giờ lại còn bị rầy? Tiếng ban bao lâu đã an ủi rất nhiều cho các bà mẹ đủ sức chịu đựng sự đau ốm triền miên của con, bỗng nhiên bị đả phá, làm sao không buồn! Các bà mẹ nghe nói khi bé nóng dây dưa là ban, ban thì phải cữ ăn, phải uống thuốc nam, chớ uống thuốc Tây thì chết! Những thành kiến sai lầm như thế đóng thành từng lớp qua bao nhiêu thế hệ rồi, dễ gì gạt bỏ. Tôi không nói quá đâu! Không phải chỉ người bình dân mới có những thành kiến đó. Một sốc các bà mẹ “trí thức” cũng bị ám ảnh. Các bà này cũng bế con đi bà Sáu, thầy Bảy như ai?

Một vị bác sĩ lớn tuổi rất đông thân chủ nói với tôi khi được hỏi ý kiến về vụ ban:

 Để làm vui lòng các bà mẹ đó, mình cũng phải nói theo họ là con họ bị ban, nhưng mình cứ chữa theo phương pháp của mình.

Chắc cũng có nhiều vị bác sĩ áp dụng phương pháp này để khỏi làm phiền lòng... thân chủ.

Một bác sĩ khác, bạn tôi, cũng áp dụng phương pháp đó, nói với một bà cụ – bà ngoại – của bé bệnh rằng bé mắc bệnh ban cua (bác sĩ muốn nói bệnh thương hàn) nhưng vừa nghe đến hai tiếng ban cua, bà cụ đùng đùng xin cho cháu xuất viện! Một số công ty Dược cũng “áp dụng” phương pháp này, trong bao thuốc họ ghi trị ban đỏ, ban cua, ban nóng... cho dễ bán!

Tôi không rõ thái độ thẳng thắn giải thích cho bà mẹ rõ bệnh của bé và nói chiều lòng bằng tiếng ban mơ hồ đó, thái độ nào nên hơn? Một bác sĩ ngoại quốc trách một số bác sĩ trẻ Việt Nam không chịu học các tiếng bình dân trong việc chẩn định nên thiếu cảm thông với người bệnh. Ý ông khuyên dùng những chữ ban, phong, hàn, nhiệt, biểu, lý... được sử dụng từ lâu và được quần chúng quen dùng. Tôi không dám lạm bàn về Đông y, một ngành học mà tôi cho là rất cao quý, có một y lý vững vàng từ mấy ngàn năm, nhưng lạm dụng các danh từ hiểu một cách mơ hồ để lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân có nên không? Dĩ nhiên đó chỉ là vấn đề danh từ. Nghĩ vậy, tôi tra từ điển. Các từ điển Hán – Việt không giải thích rõ ràng, chỉ nói ban là “nhiều màu trộn lẫn”. Tôi hỏi một vị đông y sĩ tóc bạc phơ, nhiều năm trong nghề, có dịch sách, viết sách về đông y. Ông đã bỏ ra nửa giờ kết tội bọn lợi dụng chữ ban để giết trẻ con vô tôi vạ, nhưng ông không làm sáng tỏ chữ ban hơn. Ông cho “ban” là các vết ở ngoài da của một thứ bệnh bên trong cơ thể. Và ông cũng cho là có năm thứ ban theo năm màu sắc, trong đó ban đen là nguy hiểm hơn cả.

145 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com

Chấp nhận như thế, tôi kết luận “ban” là một từ chỉ triệu chứng của rất nhiều thứ bệnh. Bổn phận bác sĩ là phải tìm ra bệnh đó để chữa chớ không phải ngừng lại ở chữ ban. Và ý thức như thế bà mẹ sẽ đi chữa bệnh cho con khi con có bệnh chớ đừng vin vào chữ ban mà không chịu chữa. Ban không phải là bệnh! Nó là một triệu chứng. Cũng như nóng, như nhức đầu, đau bụng. Đau bụng có thể do ăn không tiêu, do lãi, do bón hay do viêm ruột dư, viêm tụy tạng, đau bao tử, lộn ruột, nghẹt ruột, đau thận, đau túi mật, đau bàng quang, sốt xuất huyết, sốt thương hàn... và … Nghĩa là có cả trăm thứ bệnh đều có thể gây đau bụng. Nóng sốt cũng vậy, không biết có bao nhiêu thứ bệnh đều bắt đầu bằng triệu chứng nóng. Hiểu như vậy ta giải quyết được vấn đề. Ta sẽ không bao giờ đưa bé đi một ông thầy... đau bụng, hay ông thầy nóng sốt thì cũng sẽ không bao giờ đưa bé đi một thầy ban. Đừng chờ bé đến lúc hấp hối, ngáp ngáp rồi mới mang vào bệnh viên rồi kết tôi bệnh viện là “mồ chôn” trẻ con!

Một phần của tài liệu Ebook Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng: Phần 2 (Trang 42 - 44)