Chương 45 Bé tiêu ra máu

Một phần của tài liệu Ebook Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng: Phần 2 (Trang 40 - 42)

* Lúc còn thực tập tại bệnh viên Nhi Đồng, có lần tôi nhận vào một bé sơ sinh mới ba ngày bị ra máu ở hậu môn. Máu đỏ tươi ướt đẫm tã lót. Tôi hốt hoảng không kém gì bà mẹ bé, vội chạy đến hỏi vị bác sĩ trưởng khoa, bác sĩ khám xong gọi cô y tá chích cho bé một mũi thuốc rồi quay sang nói với tôi:

 Lần sau đừng có hốt hoảng như vậy! Vụ này thỉnh thoảng vẫn thấy ở trẻ sơ sinh, thường gặp ở các trẻ sinh thiếu tháng. Lý do là gan của bé còn non nớt chưa tạo đủ các chất đông máu nên bé bị xuất huyết.

Về sau gặp lại những “ca” như thế tôi không còn sợ hãi nữa, dĩ nhiên nếu gặp trường hợp xuất huyết ở não thì lại là chuyện khác!

Thực ra có rất nhiều bệnh có thể bắt đầu bằng chứng tiêu ra máu. Từ bệnh bón thông thường, phân khô cứng làm rách hậu môn đến bệnh lồng ruột hay sốt thương hàn, sốt xuất huyết... Vấn đề rất phức tạp và sự quan sát mô tả kỹ lưỡng của bà mẹ sẽ giúp cho bác sĩ định bệnh mau chóng dễ dàng hơn.

* Một bà mẹ ẵm đứa bé trai khoảng 8, 9 tháng, bụ bẫm đến xin khám bệnh “kiết”. Hỏi tại sao bà biết là kiết thì bà nói cháu bị đau bụng từ sáng sớm, đau từng cơn và trưa nay tiêu ra máu với đàm.

 Cháu có nóng không?

 Không.

 Có ói mửa gì không?

 Có, mới ói hai lần.

142 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com

 Đau dữ lắm, khóc la, lăn lộn, toát mồ hôi, dỗ không nín. Một lúc rồi bớt những rồi lại đâu nữa.

Đau bụng thình lình, dữ dội, đau từng cơn, ở một bé trai đang khỏe mạnh, bụ bẫm, rồi ói mửa, lại ra máu ở hậu môn, lôi thôi rồi đấy!

Tôi thăm hậu môn bé, trên găng còn dính tí máu:

 Phải cho cháu đi chụp X quang rồi gởi qua Khoa ngoại mổ ngay, cháu bị lồng ruột rồi chớ không phải kiết đâu!

* Chúng ta thường có thói quen định bệnh dễ dãi là “kiết” khi thấy bé tiêu ra máu như thế. Vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bé tiêu ra máu đen là bệnh khác, máu đỏ là bệnh khác; máu ra sau phân là bệnh khác, mà máu trộn trong phân với đàm nhớt là bệnh khác nữa...

Chẳng hạn trường hợp xuất huyết ở bé sơ sinh, máu đỏ tươi chảy ra ở hậu môn, có khi ở cả bộ phận sinh dục như đã tả ở trên. Trường hợp lồng ruột, máu ở hậu môn là thứ máu hơi hồng, loãng hơn, thường không có phân nhưng có nhớt. Trường hợp đó đã nặng. Đáng lẽ ngay từ khi bé khóc thét từng cơn, lăn lộn một cách bất thường thì phải khám ngay và bác sĩ thăm hậu môn có thể nghi ngờ bé bị lồng ruột sớm, trước khi có triệu chứng ói, và ra máu hậu môn như vậy!

* Trong chứng bón, phân khô, cứng, chặt, có thể làm rách màng nhày (niêm mạc) ở hậu môn làm chảy máu. Thứ máu này là máu tươi chảy ra từng giọt, sau khi phân đã ra. Trong trường hợp này, chỉ cần chữa chứng bón thì bé hết tiêu... ra máu.

* Bé cũng có thể tiêu ra máu vì trĩ nhưng rất hiếm ở trẻ con. Nếu bé bị sướt (toét) hậu môn thì mỗi lần bé đi cầu rất đau đớn và cũng có khi làm chảy máu dễ lầm là kiết.

* Trong bệnh sốt thương hàn, biến chứng thường nhất là xuất huyết ở bộ tiêu hóa, và gần đây, thứ bệnh gieo kinh hoàng là sốt xuất huyết cũng làm bé mửa và tiêu ra máu. Thường là máu đen, xanh xám, cũng có khi máu đỏ tươi.

* Thứ bệnh đáng lẽ phải nói trước tiên trong chương này là bệnh kiết thì đến bây giờ tôi mới nói vì nó hơi dài dòng một chút.

Ta gọi kiết, khi bé đi tiêu khó khăn, đau bụng, rặn mới ra phân, có khi đau khơi khơi, bé đòi đi cầu mà không ra phân, phân rất ít mà lẫn đàm, máu nhiều. Bệnh kiết do loại a – míp (Amibe) gây ra tương đối hiếm ở trẻ con. Nó là một thứ bệnh của ruột già nên máu ra đỏ, lẫn với mủ, đàm nhớt (do ruột tiết ra). Bệnh ít làm nóng không cấp tính như loại kiết do trực trùng Shigella. Bệnh trở thành kinh niên khó chữa, nhất là khi Amibe bỏ ruột mà chui vào trú ẩn trong gan, có khi làm mủ trong gan (áp xe gan).

Thứ kiết do trực trùng (Shigella) gây ra thường gặp ở trẻ con hơn. Bé thường bị ở khoảng tuổi từ hai đến sáu. Bệnh cấp tính, nóng dữ dội, đau bụng, bắt rặn. Có thể chết vì mất nước và rối loạn các chất điện giải trong máu, nhưng cũng dễ chữa nếu chữa sớm và đúng.

* Tóm lại, phải quan sát kỹ lưỡng phân của bé để trình bày giúp bác sĩ định bệnh dễ dàng, mau chóng. Nên mang cả phân bé nếu thấy bé tiêu ra máu cho bác sĩ coi. Nhưng dù là do nguyên nhân nào đi nữa khi thấy bé tiêu ra máu cũng phải tức khắc mang đến bác sĩ khám ngay bởi vì ta không thể biết là bé chỉ bị bón thông thường hay bị lồng ruột cần mổ gấp mới cứu kịp.

143 Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com

Một phần của tài liệu Ebook Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng: Phần 2 (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)