2.3.2.1 Tốc độ tăng trưởng (GDP)
Không thể phủ nhận, môi trường kinh tế vĩ mô kéo theo một số lực lượng có thể tạo ra cơ hội hoặc mối đe dọa quan trọng cho các ngân hàng. Trước hết, tốc độ tăng trưởng (GDP) được đánh giá là có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng. Theo Petria và cộng sự (2015), Dietrich và Wanzenried (2011), tỷ lệ tăng trưởng GDP cao hơn một mặt dẫn đến nhu cầu dịch vụ ngân hàng cao hơn và mặt khác xác suất vỡ nợ thấp hơn, trong khi các ngân hàng cũng có thể áp đặt phí và lãi suất cao hơn cho các dịch vụ của họ dẫn đến lợi nhuận cao hơn. Họ cho rằng tăng trưởng GDP có tác động tích cực đến kỳ vọng của cả ngân hàng và khách hàng, khi trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, không chỉ nhu cầu của khách hàng đối với các khoản vay mới và dịch vụ tài chính tăng lên mà đồng thời các ngân hàng cũng háo hức hơn trong việc tăng nguồn cung cho vay. Tuy nhiên, Brahmaiah (2018) và Ariyadasa và cộng sự (2017) chỉ ra rằng trong trường hợp suy thoái kinh tế, chất lượng danh mục cho vay kém đi dẫn đến tổn thất tín dụng và hậu quả là lợi nhuận ngân hàng thấp hơn.
2.3.2.2 Tỷ lệ lạm phát
Tỷ lệ lạm phát cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát cao đi kèm với lãi suất tiền vay cao và do đó khả năng sinh lời cao. Theo Perry (1992) ảnh hưởng của lạm phát đến hoạt động ngân hàng phụ thuộc vào việc lạm phát được dự đoán trước hay không, nếu tỷ lệ lạm phát được dự đoán đầy đủ và lãi suất được điều chỉnh phù hợp sẽ có ảnh hưởng tích cực tới lợi nhuận. Ngoài ra, lạm phát tăng cao bất ngờ gây ra khó khăn về dòng tiền cho người đi vay có thể dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng vay sớm và dẫn đến lỗ khoản vay. Do đó, nếu các ngân hàng chậm chạp trong việc điều chỉnh lãi suất, có khả năng chi phí ngân hàng có thể tăng nhanh hơn thu nhập của ngân hàng.