Khái niệm năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu 2462_012750 (Trang 25 - 26)

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có nhiều những khái niệm về năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại như:

Theo M.Porter (1985, 1998) thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt lợi nhuận cao của doanh nghiệp. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, năng lực cạnh tranh là quá trình sử dụng các tài sản, nguồn lực mà ngân hàng có thông qua khả năng của đội ngũ quản trị để xây dựng, cấu trúc, phối hợp, chúng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho ngân hàng và đạt mục tiêu đề ra.

Theo Nguyễn Thị Quy (2008), “Năng lực cạnh tranh của một ngân hàng là khả năng ngân hàng đó tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế nhằm duy trì và mở rộng thị phần; đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành và liên tục tăng, đồng thời đảm bảo hoạt động an toàn và lành mạnh, có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”. Với khái niệm này tác giá đang đề cập đến sức mạnh nội sinh của một NHTM và mối quan hệ của nó với sự phát triển của hệ thống ngân hàng trên cơ sở phát triển hoạt động dựa trên nền tảng vốn có nhằm đạt được tối ưu hóa lợi ích mang lại. Ngoài ra, khái niệm trên đang khích lệ sự linh động trong việc áp dụng chiến lược cạnh tranh của NHTM khi phải nhanh chóng thích nghi và phát huy những lợi thế trong sự thay đổi của môi trường kinh doanh để làm nền tảng hoạch định các chính sách và phát triển những lợi thế cạnh tranh sẵn có của mình.

Theo Nguyễn Văn Thụy (2015): “Khả năng cạnh tranh của một NHTM là khả năng (năng lực) mà ngân hàng có thể duy trì vị trí của nó một cách lâu dài trên thị trường cạnh tranh thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và đảm bảo việc thực hiện một tỷ lệ lợi nhuận ít nhất bằng tỷ lệ đòi hỏi cho việc tài trợ những mục tiêu, đồng thời thực hiện được những mục tiêu mà ngân hàng đề ra”.

Theo Hoàng Nguyên Khai (2014), “Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng kiểm soát các điều kiện kinh doanh thuận lợi của ngân hàng so với NHTM và tổ chức tài chính khác trong một môi trường nhất định nhằm thu được lợi nhuận tối đa”. Định nghĩa cho thấy việc nắm chắc các lợi thế cạnh tranh phát huy từ bên trong sẽ giúp cho các nhà quản trị sẽ dễ dàng đưa ra các chính sách phát triển phù hợp với khả năng hiện tại. Từ đó, sẽ có được những sức mạnh trong những trường hợp cụ thể để đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh và thu được lợi nhuận tối đa cho tổ chức.

Qua đó cho thấy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTM cần thiết phải phối hợp nhuần nhuyễn các lợi thế từ bên trong và tận dụng các lợi thế có được bên ngoài. Việc phát huy các lợi thế phải đồng thời với việc đầu tư, liên tục làm mới, khắc phục các hạn chế, từng bước hoàn thiện bên trong nội tại của ngân hàng. Các diễn biến hoạt động phải diễn ra liên tục, được thực hiện một cách hợp lý để tạo nên một nền tảng cạnh tranh một cách bền vững. Từ đó, tác giả đưa ra quan điểm năng lực cạnh tranh của ngân hàng là:”Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng sử dụng các nền tảng kinh doanh của Ngân hàng để cung ứng sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh nhằm thu được lợi nhuận tối đa”. Tuy nhiên, do hoạt động của NHTM là kinh doanh tiền tệ và các sản phẩm tài chính nên các tiêu chí đo lường năng lực cạnh tranh sẽ có sự khác biệt nhất định. Trong đó, các hệ thống lý thuyết về cạnh tranh sẽ là trục trung tâm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng lực cạnh tranh của NHTM.

Một phần của tài liệu 2462_012750 (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w