2.2. Về thế giới nhân vật 1. Hình tượng nhân vật nữ
2.2.1.1. Nhân vật nữ mang đậm bản sắc nữ
Phụ nữ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác nổi bật của văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới. Có thể nói, chưa bao giờ người phụ nữ lại dành được sự quan tâm lớn của đông đảo người cầm bút như hôm nay. Dường như khuôn mặt phụ nữ trong văn xuôi sau chiến tranh được nhìn bằng cái nhìn gần gũi và đa chiều hơn.
Việc xác lập vị trí của người phụ nữ trên địa hạt văn chương là nỗ lực của các cây bút nữ. Với bản lĩnh, tài năng và những trải nghiệm cuộc sống, họ mong muốn vẽ nên những đường nét chân thực nhất, gần gũi nhất về những nhân vật nữ của mình. Họ muốn bộc lộ một quan niệm văn chương mới mẻ đó là viết như hành trình khám phá chính mình, viết để khẳng định niềm tin riêng của mình. Và ý thức nữ quyền đã trở thành sự biểu hiện cụ thể và sinh động của quan niệm này trong những sáng tác của các nhà văn nữ. Từ khao khát khẳng định vai trò của nữ giới, cỏc nhà văn nữ tỏ rừ khả năng đi sõu khỏm phỏ nhõn vật nữ với những phương diện mang đậm bản sắc nữ tính. Bản sắc nữ dù được nói lên trực tiếp hay gián tiếp thông qua những câu chuyện thường ngày, vẫn sẽ là niềm mơ ước bấy lâu nay của người phụ nữ đã được giải tỏa. Không chỉ khẳng định vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ, việc xây dựng nhân vật nữ mang đậm bản sắc nữ còn thể hiện một ý nghĩa khác đó là giúp người phụ nữ ý thức được về những gì giới mình được sở hữu. Bởi vì, xét cho đến cùng, ý thức nữ quyền không chỉ là quá trình người phụ nữ nhìn nhận, đánh giá hiện thực cuộc sống mà quan trọng hơn là hành trình quay trở về soi chiếu tất cả những gì thuộc về họ. Đó sẽ là con đường dẫn họ đến với việc xác lập và khẳng định vị trí của giới mình một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà văn Y Ban đã phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Từ đó, đem đến cho người đọc những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Đặc biệt trong tiểu thuyết Xuân Từ Chiều,
nhà văn chú ý đến thân phận của những người phụ nữ trong xã hội hiện đại, những con người thật đa sự. Y Ban phân tích và lý giải sự bất ổn trong nội tâm của họ là do “bản tính” của họ mà ra chứ không do ai khác gây ra. Những người phụ nữ trong tác phẩm đều mang trong mình “bản sắc nữ” tức là bản sắc giới tính đặc trưng của mình. Hiểu một cách đơn giản đó là những vấn đề, những mối quan tâm, những phẩm chất riêng, chỉ có thể bắt gặp ở thế giới của những người phụ nữ.
Trước hết là chuyện nhà, mối quan tâm hàng đầu của những người phụ nữ với những nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền, chuyện bếp núc, chuyện nhà cửa, chuyện chồng con. Những nỗi lo “rất đàn bà” ấy dường như không loại trừ bất kì ai. Và nhiều khi nó trở thành một gánh nặng. Có thể thông cảm với cô Từ khi phải từ bỏ cả ước mơ và công sức học hành của mình để ra vỉa hè bán xôi chim kiếm sống. Một quyết định đã làm bố mẹ cô cảm thấy hổ thẹn, lòng cô cũng chẳng thoải mái gì nhưng vì cuộc sống, để có tiền mua sữa Meji cho bé Bống, cô đành phải chấp nhận.
Tốt nghiệp đại học Y và khoa Xã hội học với điểm ưu trên tay nhưng cuối cùng Từ cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, khao khát một cuộc sống hạnh phúc và bình yên như mọi người. Cô lựa chọn một hướng đi hoàn toàn trái ngược với những gì cô đã được học, những ước mơ cô đã từng ấp ủ nhưng đó chính là biểu hiện chân thực nhất vị trí của một người phụ nữ. Đó cũng có thể gọi là một sự hy sinh nhưng có lẽ nói đến phẩm chất này, chúng ta sẽ phải nhắc đến cô Chiều. Một người phụ nữ quê mùa, nói ngọng nhưng rất thông minh, vẫn thường hay giải toán giúp chồng.
Chiều đã giúp Chiện từ một hộ lý trở thành một y sĩ, một bác sĩ và cuối cùng là một tổng giám đốc thành đạt và giàu có. Cho đến lúc cùng quẫn phải kết liễu cuộc đời mình, Chiều vẫn một mực yêu chồng thương con. Tình yêu thương ở chị là vô điều kiện, là vô bờ bến, chị không cần gì cả, chỉ cần cảm nhận được hơi ấm của tình thân nhưng không được. Chính điều này đã lấy đi tuổi trẻ, hạnh phúc và mạng sống của chị. Đó là bi kịch của một con người cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, bi kịch của một người mẹ, người vợ phải sống câm lặng trước sự vô cảm của chồng con. Từ bao đời nay, người phụ nữ vẫn không thể và không muốn thoát ra khỏi những nỗi lo toan thường nhật, bình dị nhưng thiêng liêng ấy để sống cho riêng mình. Họ luôn là
những người lặng lẽ hát khúc ca nhắc nhở về hạnh phúc chân chính của con người nơi cuộc sống đời thường.
Bờn cạnh đú, họ cũn thể hiện bản sắc giới tớnh của mỡnh rừ nột nhất khi bày tỏ khát khao về tình yêu, về tình dục. Xuân và Tuấn gặp nhau sau vài lần tình cờ và cũng yêu nhau ngay sau đó, Từ và Cương cũng đến với nhau bởi tình yêu, một tình yêu đến rất nhanh. Như một lẽ tự nhiên, họ yêu nhau và lấy nhau như duyên phận định trước. Tình yêu của họ thăng hoa trong những cảm xúc đắm say của đời sống vợ chồng. Đó là niềm mơ ước của biết bao người phụ nữ trong cuộc đời nhỏ bé này.
Miêu tả những chi tiết tình dục thiết nghĩ cũng chính là cách thức nhà văn Y Ban tìm kiếm và biểu đạt đặc trưng tính nữ một cách thẳng thắn. Tình dục là nhu cầu tự nhiên, là bản năng vốn có vì thế các nhà văn nữ không ngần ngại để cho nhân vật bày tỏ nhục cảm.
Và điểm thứ ba cần được nói đến ở đây là khát khao được khẳng định bản thân của người phụ nữ. Ở Xuân là khát khao được thực hiện thiên chức thiêng liêng của mình đó là được làm mẹ. Đã bao lần Xuân đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao cô và Tuấn yêu nhau nhiều đến thế mà vẫn không một lần có thai. Và nỗi hoài nghi về bản thân đã cùng chung sống, dằn vặt cô như một nỗi tủi nhục không có cách gì giải tỏa cho đến khi Tuấn chết. Xuân vẫn muốn tìm được câu trả lời và sự thật khiến cô ngất lịm vì đau đớn. Còn đối với Từ, cô muốn khẳng định tài năng của mình. Từ là một người phụ nữ có tài, có nhiệt huyết và khát khao cống hiến. Nhưng xã hội bao cấp với những định kiến khắt khe, những rào cản đã vùi dập tài năng ấy một cách tàn nhẫn. Những đề tài nghiên cứu của cô về đám đông, về sự vô cảm, về xã hội xe máy… đều không được cấp trên xét duyệt, thông qua. Tài năng đó từ chỗ không được trọng dụng đến lúc cũng bị lãng quên. Như vậy, có thể thấy những người phụ nữ trong tác phẩm đã táo bạo và mạnh mẽ tìm kiếm và khẳng định nhu cầu bản thân. Họ muốn thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình, họ “khát tình” và khát khao được làm mẹ, được vượt qua những rào cản để khẳng định mình.
Việc xây dựng những nhân vật nữ mang đậm “bản sắc” nữ góp phần mở rộng các bình diện phản ánh, khám phá chiều sâu bản thể con người, trong đó có sự trỗi
dậy mạnh mẽ của ý thức nữ quyền. Trở đi trở lại vẫn là những khát vọng gia đình, được yêu, được làm mẹ của những người đàn bà. Soi lại, lật đi, cũng vẫn là những người đàn bà với những khát khao được sinh con đẻ cái, được có một người đàn ông chở che nương tựa. Bởi vì đối với mỗi người đàn bà dù ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cuộc đời khác nhau nhưng cuối cùng khát vọng của họ cũng vẫn trở về những mối quan hệ trong gia đình. Tất cả họ chỉ chung một mong ước, một khát vọng đó là tình yêu và những đứa con. Phải chăng khát vọng ấy không phải là điều bình thường như chúng ta vẫn nghĩ. Với người phụ nữ khiếm khuyết hay lành lặn, tình yêu, hạnh phúc gia đình với những đứa con mới thực sự là những điều đặc biệt quan trọng trong cuộc đời họ, là lẽ sống của họ. Y Ban thấu hiểu một cách sâu sắc điều này ở người phụ nữ và lý do khiến chị khắc sâu hình ảnh họ với những khát vọng bản năng chính là để cho chúng ta hiểu về họ hơn, biết trân trọng họ hơn.