Quản lý rủi ro: là một quá trình có hệ thống để xác định rủi ro, đánh giá mức độ tác hại, khả năng xuất hiện và ứng phó với rủi ro trong hoạt động xây dựng. Mục đích tổng thể của quá trình quản lý rủi ro là tối đa hóa các thuận lợi và cơ hội khi có sự kiện rủi ro xuất hiện sau này, đồng thời với việc hạn chế các tác động tiêu cực và bất lợi đối với quá trình xây dựng [9].
Xác định rủi ro: Là bước đầu tiên trong bất kỳ quá trình quản lý rủi ro với mục đích là quyết định rõ ràng các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong các giai đoạn tiếp theo và có tác động tới dự án xây dựng. Trong giai đoạn này nên thu hút nhiều nhất có thể các đối tác tham gia và liên quan tới dự án. Một số công cụ và biện pháp dùng để xác định các rủi ro của dự án thường dùng là phương pháp suy nghĩ logic khoa học, tham khảo ý kiến chuyên gia, phỏng vấn các thành viên dự án, câu hỏi điều tra, những kinh nghiệm đã trải qua, mô phỏng, phân tích và đánh giá các dự án tương tự khác. Có một thực tế rằngviệc xác định các rủi ro có thể dựa vào nhận định cá nhân của các thành viên và các đối tác tham gia vào dự án xây dựng. Điều này có nghĩa rằng yếu tố kinh nghiệm à từng trải có vai trò quan trọng trong các giả định để xác định rủi ro của các dự án xây dựng. Trong quá trình xác định rủi ro thì các rủi ro tiềm ẩn có thể được chia ra thành các nhóm khác nhau, như các nhóm ví dụ sau: (i) Nhóm rủi ro nội bộ hay rủi ro có thể kiểm soát được: thiết kế, xây dựng, quản lý công trường và các mối quan hệ qua lại; (ii) Nhóm rủi ro bên ngoài hay rủi ro không kiểm soát được: tài chính, kinh tế, chính trị, luật phát và xã hội; (iii) Những rủi ro không thể lường trước được: chiến tranh, thiên tai, địch họa.
Đánh giá rủi ro: Trong quá trình đánh giá rủi ro thì các rủi ro được xác định trước sẽ được đánh giá và xếp loại để chọn ra những ưu tiên trong quản lý và xử lý chúng. Có nhiều cách để đánh giá rủi ro như dùng các mô hình toán học và ma trận hay các phương pháp tính toán định tính và định lượng khác nhau. Khi áp dụng phương pháp định tính thì cá nhân và kính nghiệm có vai trò quan trọng nhất quyết định tới kết quả cuối cùng. Trong khi đó thì phương pháp định lượng yêu cầu phân tích chính xác các sự kiện, các yếu tố và các giá trị cụ thể và chính xác.
Ứng phó với rủi ro: Quá trình này có liên quan trực tiếp tới việc chỉ ra các biện pháp hay công cụ để xử lý các rủi ro đã được xác định và đánh giá từ trước. Thông thường để ứng phó với rủi ro sẽ có bốn chiến lược chính là: (i) tránh rủi ro - thay đối kế hoạch xây dựng hay áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ rủi ro; (ii) giảm thiểu rủi ro - giảm khả năng xuất hiện của rủi ro hoặc giảm tác động tiêu cực sau này của rủi ro; (iii) chuyển hướng rủi ro - chuyển những rủi ro không thể tránh khỏi hay giảm bớt cho các đối tác khác trong và ngoài dự án xây dựng; (iv) duy trì rủi ro - chấp nhận có các rủi ro này trong dự án xây dựng. Nếu chấp nhận sẽ có rủi ro tiềm ẩn thì sẽ có hai khả năng đối với các rủi ro này: hoặc là sẽ phát triển kế hoạch dự phòng cho trường hợp rủi ro xuất hiện hoặc là không có chuẩn bị nào cho đến khi rủi ro xuất hiện. Trong thực tế ngành xây dựng thì có rất nhiều rủi ro không thể tránh khỏi và lặp lại nhiều lần cho nên thông thường thì các công ty xây dựng áp dụng chiến lược giảm thiểu rủi ro cho chính họ và chuyển hướng rủi ro cho các đối tác khác.