DOIT - Một phương pháp đơn giản để sáng tạo. Phương pháp này được mô tả trong quyển sách “The Art of Creative Thinking” (Nghệ Thuật Tư Duy Sáng Tạo) của Robert W. Olson năm 1980.
DOIT là chữ viết tắt bao gồm:
D - Define Problem (Xác định vấn đề);
O - Open Mind and Apply Creative Techniques (Cởi mở ý tưởng và áp dụng các kỹ thuật sáng tạo);
I - Identify the best Solution (Xác định giải pháp tối ưu); T - Transform (Chuyển đổi).
Cụ thể hóa các bước thực hiện phương pháp này như sau: - Xác Định Vấn Đề:
+ Hãy chắc chắn rằng bạn nắm vững vấn đề, không chỉ thấy dấu hiệu của nó. Hãy hỏi lặp đi lặp lại rằng tại sao vấn đề tồn tại, cho tới khi nào bạn nhận ra cội rễ của vấn đề.
+ Hãy nắm rõ các giới hạn biên của vấn đề. Rút ra từ các đối tượng cái mà ta muốn đạt tới và cái gì ràng buộc những hoạt động của ta.
+ Hãy chia nhỏ vấn đề lớn ra thành nhiều cho tới khi tất cả các phần nhỏ đều có thể xác định, kiểm soát được.
- Cởi mở ý tưởng và áp dụng các kỹ thuật sáng tạo:
+ Một khi đã nắm rõ vấn đề cần giải quyết, thì đó là lúc đã có đủ điều kiện để bắt đầu đề xuất ra các lời giải khả dĩ. Hãy chấp nhận tất cả những ý tưởng mới lạ, sáng tạo nảy sinh.
+ Ở giai đoạn này, không cần đánh giá về các ý tưởng được đưa ra (cởi mở ý tưởng). Thay vào đó, hãy cố đưa ra càng nhiều càng tốt các ý kiến khả dụng (và cả những ý có vẻ tồi, nhưng thật ra chúng có thể châm ngòi cho các ý tưởng tốt về sau). Có thể dùng tất cả các phương pháp tư duy đã đề cập trước đây để tìm tất cả các ý tưởng có thể là lời giải đúng cho vấn đề.
Mỗi phương pháp sẽ cho ta những điểm mạnh và những điều lợi ích. Có thể tham vấn nhiều người có nền tảng học vấn, có hiểu biết, và có mức độ thông minh khác nhau cho ý kiến về các lời giải. Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau và cái
nhìn khác nhau về cùng một vấn đề, các ý kiến dị biệt, khác thường sẽ góp phần vào quá trình chung.
- Xác định giải pháp tối ưu: Trong bước này hãy lựa ra ý tưởng hay nhất trong các ý tưởng đã nêu ra. Thường thì ý tưởng tốt nhất được nhận ra một cách hiển nhiên. Nhưng nhiều lúc, một ý kiến tiềm ẩn lại có giá trị khi được xem xét, phát triển chi tiết; và có thể có giá trị hơn những ý kiến đã đề ra, lựa chọn trước đó. Hãy xem xét các giới hạn biên tiềm tàng (trong trường hợp xấu nhất cũng như tốt nhất) có thể xảy ra khi thực thi, áp dụng giải pháp được lựa chọn. Điều chỉnh lại giải pháp nếu cần để giảm nhẹ hết sức hậu quả xấu tiềm tàng và tăng cường tối đa những ảnh hưởng tích cực tiềm năng.
- Chuyển đổi: Sau khi xác định và đưa ra giải pháp cho vấn đề thì bước cuối cùng là thực hiện giải pháp. Biến nó thành hành động. Bước này không chỉ bao gồm sự phát triển sản phẩm bền vững mà còn bao gồm cả các mặt khác (như là triển khai và ứng dụng nếu vấn đề có liên quan đến việc nghiên cứu ứng dụng). Điều này có thể cần nhiều thì giờ và công sức. Có rất nhiều nhà sáng tạo thất bại trong giai đoạn này. Họ sẽ có nhiều vui sướng (cảm hứng) để sáng chế ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới. Nhưng họ lại thất bại trong việc phát triển, áp dụng chúng.