Tư duy thiết kế (Design Thinking) là phương pháp thiết kế cung cấp cách tiếp cận dựa trên giải pháp để giải quyết các vấn đề. Theo Tim Brown, CEO của IDEO - người khởi xướng ra Design Thinking thì đây là một phương thức sử dụng sự nhạy cảm và cách tư duy thiết kế trong giải quyết các vấn đề có ý nghĩa với con người. Làm thế nào để nắm bắt được các ý tưởng mới, làm sao để xây dựng được một sản phẩm mới hiệu quả,... đó là những vấn đề mà Design Thinking có thể giúp nhà khởi nghiệp sáng tạo giải quyết.
Quy trình tư duy thiết kế gồm 5 bước: Empathize - Đồng cảm, thấu hiểu vấn đề; Define - Định nghĩa, mô tả vấn đề; Ideate - Sáng tạo giải pháp; Prototype - Dựng mẫu; Test - Thử nghiệm.
Nguồn: 5 Stages in the Design Thinking Process, The Interaction Design Foundation (1)Empathize - Đồng cảm, thấu hiểu vấn đề
Bước đầu tiên trong quá trình là nhà khởi nghiệp phải nắm sâu hơn vấn đề đang giải quyết. Điều này đòi hỏi nhà khởi nghiệp phải tìm hiểu thông qua việc quan sát, gặp gỡ, trao đổi với những người đang gặp vấn đề (người dùng/khách hàng), đặt sang một bên những nhận định của cá nhân, từ đó đạt đến sự thấu hiểu với khách hàng và các nhu cầu của họ.
(2)Define - Định nghĩa, Mô tả vấn đề
Sau khi đã thấu hiểu vấn đề của khách hàng, nhà khởi nghiệp tập hợp lại những mảnh ghép, phân tích và tổng hợp chúng để định nghĩa trọng tâm vấn đề mà nhà khởi nghiệp đã xác định đến điểm này.
(3)Ideate - Sáng tạo giải pháp
Trong bước thứ ba, nhà khởi nghiệp có thể bắt đầu “suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp - think out of the box” để xác định các giải pháp mới cho những vấn đề đã nhận ra. Giai đoạn này cũng là giai đoạn thú vị nhất, tự do sáng tạo ra hàng trăm ý tưởng đột phá để giải quyết vấn đề.
(4)Prototype - Dựng mẫu
Trong bước này, nhà khởi nghiệp sẽ sản xuất các phiên bản mẫu của sản phẩm hoặc có các tính năng đặc trưng chỉ tìm thấy ở sản phẩm. Bản mẫu ban đầu có thể chia
sẻ và thử nghiệm trong nội bộ nhóm hoặc một nhóm nhỏ bên ngoài. Đây là quá trình thử nghiệm để xác định giải pháp tốt nhất có thể vấn đề đã được nhận ra.
(5)Test - Thử nghiệm
Trong bước này, nhà khởi nghiệp sẽ sử dụng các giải pháp tốt nhất được xác định qua dựng mẫu. Đây là giai đoạn cuối cùng của mô hình 5 bước trong Design Thinking, nhưng trong một quá trình lặp lại, kết quả của bước thử nghiệm thường được dùng để sửa đổi và cải tiến sản phẩm được tạo ra, để loại trừ các giải pháp kém hơn và rút ra hiểu biết sâu sắc nhất có thể về sản phẩm và người dùng.
Cách thức xây dựng sản phẩm theo Design Thinking bắt đầu bằng sự đồng cảm, thấu hiểu với người dùng để nắm bắt những vấn đề, nhu cầu của người dùng, từ đó phát sinh các ý tưởng thiết kế và giải pháp để đáp ứng nhu cầu đó, rồi tạo lập các bản mẫu để hiện thực hóa ý tưởng, rồi mang ra thử nghiệm để nhận về các phản hồi thực sự từ người dùng, tối ưu nó và tiếp tục cải tiến nhiều lần trước khi thành sản phẩm cuối tới tay người dùng, và không ngừng cải tiến trong các phiên bản tiếp theo của sản phẩm.